Điểm Du lịch
Khu tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát làng Mỹ Trạch
Làng Mỹ Trạch nằm ở hữu ngạn sông Kiến Giang, thuộc địa phận xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Từ Hà Nội vào hay Thành phố Hồ Chí Minh ra, theo quốc lộ 1A đến ngã ba Cam Liên rẽ về phía Tây - Nam theo tỉnh lộ 3 đến thị trấn Kiến Giang, đi về đường liên xã Liên Thủy - Mỹ Thủy khoảng 10 km là đến làng.
Theo sử sách gia phả của nhiều dòng họ, làng Mỹ Trạch được thành lập cách đây trên 500 năm. Thời Lê Trung Hưng, làng có tên gọi là phường Thuận Trạch, triều Nguyễn đổi là phường An Trạch. Sau cách mạng tháng 8 làng được lấy tên là làng Mỹ Trạch thuộc xã Cao Vân. Năm 1948, xã Cao Vân và xã Tây Hồ sáp nhập thành xã Liên Thủy. Đến tháng 2 năm 1956 xã Liên Thủy tách nhiều xã nhỏ, làng Mỹ Trạch thuộc xã Mỹ Thủy cho đến ngày nay.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dân làng Mỹ Trạch luôn vươn lên, vượt qua bao thử thách trước thiên tai, địch họa để xây dựng nên một làng quê yêu dấu với những truyền thống lịch sử, văn hóa quý báu của quê hương và dân tộc.
Trong thời kỳ tiền khởi dân làng Mỹ Trạch đã sớm được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, đấu tranh kiên cường chống sưu cao thuế nặng, chống địa chủ cường hào áp bức, bóc lột. Ngày 23-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Lệ Thủy, nhân dân Mỹ Trạch đứng lên giành chính quyền ở thôn, xã và tham gia cướp chính quyền ở huyện, tỉnh. Sau khi giành được quyền làm chủ, nhân dân làng Mỹ Trạch cùng với cả nước bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, củng cố chính quyền cách mạng, chú trọng và tăng cường hoạt động của các đoàn thể cách mạng nhất là lực lượng vũ trang.
Làng Mỹ Trạch ở vào một vị trí rất quan trọng, có trục đường sắt Bắc - Nam đi qua; có tỉnh lộ 5 nối quốc lộ 1A với Mai - Phú - Sơn - Thủy; có trục đường liên xã từ huyện lỵ đến bến Tiến, Bang, Rợn vùng chiến khu của huyện, tỉnh. Đồng thời có đường sông, có bình độ cao điểm, tầm nhìn xa có thể bố trí đài pháo khống chế cả một vùng phía trước huyện Lệ Thủy. Ngoài ra, Mỹ Trạch còn có thế lợi cơ bản đó là vùng bán sơn địa, có đồi núi ăn sâu vào rừng, có nương vườn rậm rạp, trong thế trận chiến đấu không bao giờ bị chia cắt, nắng hạn không thiếu nước, lũ lụt không cắt đứt đường hậu, dù mất mùa lúa đã có sắn, khoai, môn, lạc... Đó là những tiềm năng vô giá của chiến tranh du kích trong thời kỳ đầu kháng chiến.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu tái chiếm Lệ Thủy (cuối 3-1947) thực dân Pháp luôn đeo đuổi đánh chiếm làng Mỹ Trạch, chúng dùng đủ mọi âm mưu thủ đoạn để đàn áp mua chuộc dân làng ở đây, và xây dựng một cơ sở ổn định vừa làm chốt, khống chế các hoạt động của du kích, vừa tạo địa bàn để tấn công ra vùng chiến khu của Việt Minh. Nhưng ngay từ đầu, dân làng Mỹ Trạch cũng như nhiều làng xã khác đã thực hiện “Vườn không nhà trống”, tiêu thổ kháng chiến, tất cả thanh niên trong làng lên rừng, chỉ còn lại người già phụ nữ, trẻ em và những người tàn tật. Bọn Pháp và ngụy tề rà soát, lùng sục khắp nơi nhưng đến làng xã nào chúng cũng bị du kích ta tấn công, Làng Mỹ Trạch đã nhiều phen làm cho giặc Pháp kinh hồn bạt vía.
Để thực hiện âm mưu hủy diệt Mỹ Trạch, kẻ địch phải huy động lực lượng khá mạnh ở các đồn xung quanh trong vùng, tập trung tấn công từ nhiều hướng và dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo, đốt phá, bắn giết dân làng Mỹ Trạch một cách tàn khốc.
Từ chiều 28-11-1947, quân Pháp ở đồn Thượng Phong đến tập trung ở đồn Xuân Bồ (Xuân Thủy) để chuẩn bị phối hợp với các cánh quân khác. Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 29-11-1947, hơn một đại đội giặc ở làng Xuân Bồ bí mật hành quân mai phục ở các nẻo đường ngoài làng Mỹ Trạch. Các vọng gác của ta đã kịp thời báo động, kế hoạch đối phó với giặc và chống khủng bố trắng đã được phổ biến trước, nhưng lực lượng giặc quá đông lại được trang bị vũ khí tối tân nên một lúc không ứng phó kịp. Trên 200 tên ở các đồn Hòa Luật Nam, Thượng Phong cùng với bọn Việt gian phản động ở các làng lân cận, có phi pháo yểm trợ bao vây làng Mỹ Trạch. Trong gần 3 tiếng đồng hồ từ 5 giờ sáng đến 8 giờ sáng bọn lính Pháp và lính Lê Dương từ ba hướng tràn vào làng, gặp ai là bắn ngay mặc những tiếng gào thét của bà già, trẻ con. Chúng ngông cuồng hãm hiếp con gái, phụ nữ có thai rồi bắn chết. Nhiều nhà bị chúng xông vào bắn chết cả gia đình rồi đốt nhà thiêu xác. Nhiều trẻ em bị chúng xé xác quẳng vào lửa. Sau đó chúng dồn những người còn sống sót tập trung ở móng cầu Mỹ Trạch để đe dọa khủng bố. Bọn chúng đặt ba khẩu súng liên thanh chĩa vào dân làng để uy hiếp tinh thần, bắt dân khai báo cơ sở Đảng và cán bộ Việt Minh, bắt hô khẩu hiệu phản động chống lại Đảng, chống lại Việt Minh, chống lại phong trào kháng chiến. Dân làng Mỹ Trạch phản đối bằng cách im lặng không khai báo, không hô khẩu hiệu. Bọn chúng lồng lộn di súng vào mặt từng người dân bắt hô “chống Việt Minh” nhưng không một ai nghe chúng. Trong trái tim mỗi người dân Mỹ Trạch đã thấm sâu lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Hồ Chủ tịch “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ...”. Họng súng và những tiếng gào thét đe dọa của quân thù không khuất phục được lòng dân Mỹ Trạch, không một người dân hé nửa lời. Bọn giặc điên cuồng bắn xối xả vào đám đông những người dân vô tội. Cả đám người ngã xuống móng cầu, xuống sông Kiến Giang, dòng sông nhuốm đỏ máu dân lành, kẻ thù hằn học dồn tức giận lên những bàn tay sát nhân, chúng xé xác cả đứa trẻ chưa đầy tháng tuổi vứt xuống sông, chúng xả súng bắn cả đứa trẻ đang nằm trong bụng mẹ.
Với một xã có diện tích chưa đầy 2,5km2, giặc Pháp càn đi, quần lại, bắn giết đốt phá suốt nửa ngày từ tờ mờ sáng đến 2 giờ trưa, giết người đốt nhà rồi vơ vét hết của cải trâu bò mang đi.
Ngay sau khi giặc rút khỏi làng, cán bộ và nhân dân địa phương đã kịp thời đến cứu chữa bốn người bị thương còn sống sót và giải quyết hậu họa trước thảm cảnh tàn khốc do kẻ thù gây tội. Xác chết đặt thành hàng để người thân nhận dạng mai táng. Rất nhiều thi thể không nhận ra hình hài. Ba ngày sau đó những xác người la liệt vẫn chưa được chôn cất hết, bởi trong ba ngày, binh lính ở đồn Xuân Bồ vẫn ở trên chòi canh gác không cho du kích ta đến lấy xác nên một số thi hài còn lại bị thối rữa, buộc du kích ta phải về ban đêm lấy xác những người bị giặc giết hại chôn chung ở giao thông hào ngay đó. Đến tận hôm nay, những người còn chưa biết thân nhân của mình là hài cốt nào trong ngôi mộ chung ấy. Và cứ đến ngày 17-10 âm lịch hàng năm những gia đình có thân nhân chết trong vụ tàn sát lại cùng nhau thắp hương cúng vái, tưởng nhớ đến vong linh của những người đã khuất.
Trong vụ thảm sát ngày 29-11-1947, riêng làng Mỹ Trạch giặc đốt cháy 326 nóc nhà, bắn chết 310 người. Trong đó: 86 hộ có người bị chết, 19/86 hộ bị giết cả nhà, nam giới: 140 người, nữ giới: 170 người, trẻ em: 157 người; trong đó có 21 trẻ em dưới 1 tuổi. Từ 18 - 50 tuổi có 59 người hầu hết là phụ nữ (nhiều phụ nữ có thai và những người tàn tật).
Sau vụ thảm sát của giặc Pháp tháng 11-1947, cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân làng Mỹ Trạch càng gắn bó tình làng nghĩa xóm; lòng căm thù giặc sâu sắc, càng nung nấu thêm ý chí quyết tâm đánh giặc của nhân dân ta, nhân dân Mỹ Trạch càng hăng hái, tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến toàn quốc đến thắng lợi.
Phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, nhân dân Mỹ Trạch anh dũng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam anh hùng, Trị - Thiên ruột thịt, quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược. Ngày 11-5-1968, dân quân du kích của xã đã bắn rơi một máy bay F105 của giặc Mỹ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.
Ngày nay, nhân dân làng Mỹ Trạch đã và đang cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với ước nguyện của những người đang sống và tâm linh của những người đã khuất.
(Nguồn: quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch