Điểm Du lịch

Làng Diềm (Bắc Ninh)

Nếu du khách đã từng đặt chân về đến Bắc Ninh mà chưa một lần ghé thăm làng Diềm (xã Hoà Long, TP Bắc Ninh), để hít thở không khí trong lành, rất đỗi yên bình của một ngôi làng cổ vùng Kinh Bắc vừa được đắm chìm trong câu ca quan họ thì thật đáng tiếc…

Làng Diềm là tên gọi nôm của thôn Viêm Xá - một ngôi làng cổ, nơi có đền thờ Đức Vua Bà - Thuỷ tổ Quan họ. Cảm giác thân quen, gần gũi giữa một không gian thoáng rộng, tĩnh lặng, yên bình của vùng thôn quê sẽ là ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đầu làng Diềm... Hàng cây xanh rủ bóng xuống hồ nước trong vắt, xung quanh là cụm di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng với Đền thờ Vua Bà trầm mặc, uy nghiêm, ngôi Đình Diềm rêu phong cổ kính cùng vẻ đẹp huyền ảo, linh thiêng của Giếng Ngọc, Đền Cùng… Chính cảnh sắc “sơn thuỷ hữu tình” như thế đã khơi nguồn cảm hứng cho không ít thế hệ văn nghệ sỹ và rồi từ đó, họ chắt lọc, kết tinh, nảy nở ra những áng thơ văn ngập tràn cảm xúc, những khúc ca đi cùng năm tháng. Với lợi thế nằm ấp mình bên dòng sông Cầu hiền hoà, vừa qua, Bến du lịch làng Diềm đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trên bến là bãi mía, nương dâu - nơi các liền anh liền chị vẫn dùng dằng, ngân nga câu quan họ “người ơi người ở đừng về”. Hơn thế, nếu ai đó muốn được tận mắt nhìn những con tằm nhả tơ, kéo kén thì cứ theo chân cô thôn nữ hái dâu...

 

Thế nhưng, nét đặc trưng, độc đáo nhất của du lịch làng Diềm chính là “nghề chơi” quan họ. Đó mới thật sự là sức hút để lôi cuốn du khách. Truyền rằng, Vua Bà chính là người đã sáng tác ra các làn điệu dân ca quan họ đầy tình tứ và quyến rũ. Nhưng không chỉ có đền thờ Thuỷ tổ Quan họ, người dân làng Diềm còn luôn tự hào vì nghệ thuật và phong cách ca hát Quan họ vừa cổ xưa, độc đáo vừa phong phú, điêu luyện. Trong số 49 làng Quan họ của Bắc Ninh  hiện nay, hiếm làng nào còn duy trì được đội Quan họ đông tới gần 100 người gồm đủ các thế hệ liền anh liền chị với nhiều lứa tuổi. Từng bọn Quan họ, mỗi nhóm liền anh, liền chị, hễ có dịp gặp gỡ là họ có thể cất giọng hát tuỳ theo nhu cầu, tâm trạng cảm xúc. Việc truyền dạy hát Quan họ cũng được quan tâm ngay trong từng gia đình chứ không phụ thuộc hay phải chờ đợi việc tổ chức các lớp học. Sức sống của sinh hoạt ca hát Quan họ được người dân gìn giữ, duy trì liên tục một cách tự nhiên, tự nguyện như để thoả mãn nhu cầu của bản thân chứ không phải theo quy định hay vì bất cứ một lý do nào khác. Chính bởi thế, trong hầu hết cuộc thi hát Quan họ, bao giờ liền anh, liền chị làng Diềm cũng giành giải cao và chiếm được tình cảm yêu mến của đông đảo người nghe. Thế mạnh cơ bản nhất của Quan họ làng Diềm là số lượng các nghệ nhân với sức khoẻ dẻo dai, bền bỉ còn khá đông.

 

Thêm một điều đặc biệt khác nữa, làng Diềm có tới 4 ngày hội làng trong năm. Ngày hội đền Vua Bà (6/2 âm lịch) hay còn gọi là lễ hội Quan họ làng Diềm luôn trở thành điểm hẹn của đông đảo du khách thập phương. Chen vai đi trẩy hội Lim để đắm mình trong các làn điệu dân ca Quan họ nhưng du khách vẫn chưa thoả mãn nên khi ra về rất nhiều du khách đã nhắc nhớ, hò hẹn gặp lại nhau ở Lễ hội Thuỷ tổ Quan họ. Có lẽ bởi, đến đây họ mới thực sự có không gian để thưởng thức đầy đủ và trọn vẹn các hình thức sinh hoạt trong nghề chơi quan họ.

 

Rõ ràng, tiềm năng du lịch của làng Diềm nói riêng và Bắc Ninh nói chung hết sức phong phú. Đó là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng làm sao để khai thác, ai sẽ là người đánh thức những tiềm năng này thì vẫn là câu hỏi từ nhiều năm nay, chưa biết khi nào có câu trả lời. Và dự án phát triển du lịch văn hoá truyền thống làng Diềm cũng từng được nêu ra, nhắc đến trong một vài cuộc hội thảo, toạ đàm về phát triển tiềm năng du lịch tỉnh nhà nhưng cho đến tận bây giờ, vẫn chưa thấy có gì mới. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu về bảo tồn không gian văn hoá Quan họ hoặc một số người làm nghề kinh doanh du lịch cũng như hết thảy người dân làng Diềm đều cho rằng: Những nét văn hoá truyền thống này đã, đang và chắc chắn vẫn sẽ được người dân Viêm Xá gìn giữ. Hy vọng, một thời gian không xa nữa, tiềm năng du lịch làng Diềm sẽ có người đến đánh thức, xây dựng ngôi làng cổ này trở thành một làng văn hoá du lịch truyền thống tiêu biểu của vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh./.

Nguồn: website Bắc Ninh

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *