Điểm Du lịch
Lăng mộ danh tướng Hồ Cưỡng
Đó là ngôi mộ của vị tướng văn võ kiêm toàn vào cuối đời Trần, có tên chữ là Hồ Phúc Thiện, tên huý là Hồ Cưỡng (còn gọi là Hồ Hồng). Ngôi mộ này thuộc địa phận xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình.
Hồ Cưỡng sinh vào khoảng niên hiệu Đại Trị (1358 - 1369) đời Trần Dụ Tông. Ông đã từng làm Giám quân tả thánh dực và làm Đại Trị châu lộ Diễn Châu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư - tập II - Bản kỷ viết: “Quý Dậu năm thứ 6 (1393 - Hồng Đức thứ 26) mùa xuân, tháng giêng, lấy Hồ Cưỡng làm Giám quân tả thánh dực. Cưỡng người Diễn Châu. Quý Ly ngầm tìm được dòng dõi họ Hồ định đổi theo họ cũ, mới đem Cưỡng làm người tâm phúc”.
Cuối thế XIV, Hồ Cưỡng được Hồ Quý Ly lúc bấy giờ với tước Đại vương bổ làm chánh đội trưởng chỉ huy một đạo quân trên 2.000 người vào đánh ChămPa ở miền Thuận Hóa. Sau khi đến Thuận Hóa, ông đã lấy thêm một bà vợ lẽ và lập nên họ Hồ ở vùng Lý Nhân Nam (tức xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch bây giờ). Từ đó, ông đã chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất đai và trở thành ông tổ họ Hồ của vùng đất Lý Nhân Nam. Dòng họ Hồ ở Nhân Trạch từ đó được sinh sôi đông đúc. Lúc bấy giờ, ông Hồ Cưỡng được coi là vị tướng tài ba và ông đã cầm quân đi đánh giặc khắp nơi. Gia phả họ Hồ ở Nhân Trạch có ghi lại những trận đánh do ông chỉ huy như trận đánh ở cửa sông Nhật Lệ, ở Phú Hội, ở hồ Bàu Tró...
Ở quê hương Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An, ông sinh được 4 người con: 2 trai và 2 gái. Người con trai đầu là ông Hồ Hân, sau này theo giúp Lê Lợi đánh quân Minh, giữ chức quản lĩnh, được phong là Tả quốc công thần. Ông Hồ Nhân giữ chức Tráng vũ tướng quân, Tả hữu trụ quốc đô thống, tước hoan quận công, là một vị tướng giỏi của triều Lê. Hai người con gái của ông Hồ Cưỡng là bà Hồ Thị Hỷ và bà Hồ Thị Sinh lấy chồng đều là những vị tướng tài lúc bấy giờ.
Ngoài ra, con cháu của ông Hồ Hồng ở Nghệ An và Quảng Bình cũng thành đạt, đã có nhiều đóng góp và công lao to lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Văn bia họ Hồ ở Quỳnh Lưu - Nghệ An có đoạn ghi: "Đông các Hồ Sỹ Dương, Hoàng giáp Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Đống đã đem tài nội trợ ngoại giao ra kinh bang tế thế. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858), Tiến sỹ Hồ Sỹ Tuấn đã dâng sớ chống nghị hoà, tuần vũ Hồ Trọng Đình giữ vững thành an bang, án sát Hồ Bá Ôn tử tiết với thành Nam Định..."
Vì đã có nhiều công lao đóng góp đối với quê hương đất nước nên nhân dân làng Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An đã rước bài vị ông Hồ Kha là cha và ông Hồ Hồng là con về thờ ở Đền thành hoàng của làng. Cả hai cha con đều được vua Khải Định sắc phong là Dực bảo trung hưng thần (niên hiệu Khải Định năm thứ 9, ngày 25 tháng 7 năm 1924). Sắc phong được tạm dịch như sau:
“Ban sắc làng Quỳnh Đôi, thuộc tổng Phủ Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có trách nhiệm thờ phụng ông khai canh Hồ Hồng, người đã rõ rệt linh ứng. Nay nhân dịp mừng tứ tuần đại khánh của Trẫm, Trẫm ban chiếu gia ân thăng trật, nay phong ông làm Thần dực Bảo Trung hưng linh phù, chuẩn y cho địa phương thờ phụng thần để thần bảo hộ lê dân của Trẫm. Khai tại triều vua Khải định năm thứ chín, ngày 25 tháng 7”.
Ở Quảng Bình, sau khi sắc phong, nhà vua cũng đã cho xây khuôn viên lăng mộ. Lăng mộ có thành bao quanh xây bằng gạch thời Nguyễn. Trước cổng là hai trụ biểu. Phía trong cổng là bức bình phong. Mặt chính diện của bức bình phong có đắp nổi hình đầu rồng.
Phần mộ là một khối vôi vữa dày có hình bán nguyệt úp sấp phía trên có hai hình khối đặt hình hai con rùa ngoảnh mặt về hai phía Đông và Tây.
Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, lăng mộ của ông Hồ Hồng bị xói mòn, hư hỏng và có nguy cơ bị đào bới. Trước tình hình đó, dòng họ Hồ ở Nhân Trạch - Bố Trạch đã chuyển phần mộ của ông về tại khuôn viên lăng mộ dòng họ Hồ ở Nhân Trạch.
Di tích lăng mộ ông Hồ Hồng ởNhân Trạch - Bố Trạch có giá trị lịch sử tiêu biểu, là nơi ghi công một vị Tổ đã có công khai cơ lập ấp ở Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An và Nhân Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình. Ông xứng đáng là một danh nhân trong lịch sử dân tộc, là ông Tổ của nhiều thế hệ con cháu là những tướng giỏi có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Di tích có giá trị giúp chúng ta làm sáng tỏ mối quan hệ của hai dòng họ Hồ ở Nghệ An và Quảng Bình, hiểu thêm được về thân thế và sự nghiệp của ông Hồ Hồng trong lịch sử dân tộc. Di tích là niềm tự hào không chỉ của hai dòng họ Hồ ở Nghệ An và Quảng Bình mà còn là niềm tự hào của họ Hồ cả nước.
(Nguồn: quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch