Điểm Du lịch
Một thoáng Tư Hiền
Theo quốc lộ 1A từ Đà Nẵng ra Huế, qua khỏi đèo Phước Tượng, rẽ tay phải theo QL49B khoảng 10km là qua cầu Tư Hiền và con đường kéo dài đến tận Thuận An. Đoạn đường này dài 45km, đi qua những làng biển thuộc hai huyện Phú Lộc, Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lưu truyền rằng xưa kia, có con voi rừng chở một vị tướng bị thương băng rừng từ Bạch Mã về cửa Tư Dung (Tư Hiền). Kiệt sức, con voi trung hậu gục đầu xuống đầm Cầu Hai, rồi nằm lại vĩnh viễn. Đèo Voi (Phước Tượng) là dãy núi chạy thoai thoải ra biển, mà vòi của nó khi ẩn, khi hiện ở cửa biển Tư Hiền.
Cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình, nơi thông đầm Cầu Hai với biển Đông. Các bô lão vùng này kể rằng: Cửa biển này trước đây gọi là cửa Tư Dung, do sự tích Công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông trước khi xuất giá sang Chiêm Thành đã ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó, cửa có tên Tư Dung, cái tên do lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân công chúa mà thành. Theo sách xưa, cửa biển này thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông (1306) gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, đưa công chúa tới đây, nên đổi tên thành Tư Dung (Tư là nghĩ đến, tưởng nhớ đến, Dung là nét mặt, dung nhan, ý nghĩa cũng gần như chữ tư dung là vẻ mặt, là dáng dấp của người đàn bà đẹp). Dùng hai chữ Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này, ý hẳn người Việt lúc bấy giờ một đàng muốn ghi lại cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, nhưng đàng khác, cũng nhằm tưởng nhớ công ơn khách má hồng đã hy sinh hạnh phúc riêng tư cho việc mở mang bờ cõi.
Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông ngự giá bình Chiêm, khi nghỉ chân tại cửa bể này đã làm bài thơ "Tư Dung hải môn lữ thứ", một áng thơ hay, được đời sau truyền tụng. Về sau, cửa Tư Dung cạn dần, chiến thuyền từ biển không vào được nên hiểm họa ngoại bang đánh úp kinh thành Huế khó xảy ra, vì thế, triều Nguyễn đặt lại tên là Tư Hiền.
Xã Hiền An nằm ở cuối hệ thống đầm phá nước lợ Thừa Thiên - Huế (bao gồm phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thủy Tú, đầm Đá Bạc, đầm Cầu Hai...), nối liền một mạch từ tỉnh Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế, vốn nhiều tôm rằn, cá mú, cá hồng... Nơi đây có diện tích mặt nước rộng hơn 22.000ha, là vùng đầm phá rộng nhất châu Á. Các vị bô lão cho biết: quá trình hình thành các làng cũng đã trên dưới 300 năm.
Khu vực này có núi Linh Thái, Thúy Vân và bên kia là Lộc Bình, Chân Mây, núi non chập chùng, hùng vĩ. Chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân đã được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia. Xưa, chùa tên Mỹ Am Sơn Tự. Đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1644) cho đặt nền móng điện Đại Hùng và đặt tên chùa Thánh Duyên. Ngày nay, nhân dân gọi là núi Thúy Vân, chùa Thánh Duyên... Núi Thúy Vân có đỉnh cao 60m so với mặt nước đầm phá, là một khu rừng đại ngàn rậm rịt cây lá cổ thụ, khí hậu mát mẻ. Dọc theo đường cái là những ngôi làng hoang sơ, những đền đài miếu mạo cổ xưa. Chợ quê mua bán vào buổi chiều, với nhiều loại thủy hải sản phong phú. Đến đây, bạn có thể thưởng thức món cháo hàu, hàu xào lá lốt béo ngậy, thơm lừng. Trong khi chờ đợi món ăn, còn gì thú vị bằng được theo ghe thuyền đi thăm thú các mô hình nuôi cá, nuôi ghẹ trên đầm nước mênh mông.
(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Điểm Du lịch
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch