Điểm Du lịch

Nhà thờ Thái Bình

Tọa lạc trên một khu đất rộng chừng 1.500m2, Nhà thờ Chính Tòa Thái Bình được thiết kế theo lối kiến trúc Gothique kết hợp với phong cách kiến trúc Phương Đông pha chút hiện đại, tạo thành một tổng thể hài hòa. Vì thế, ngôi thánh đường mới vẫn giữ được nét truyền thống của một ngôi nhà thờ Phương Tây, với hai tháp đối xứng, đồng thời, cũng mang phong cách Phương Đông với mái cong, cột tròn, con sơn được cách điệu thành dạng khối… Ngôi thánh đường được thiết kế hai tầng, có tổng chiều dài là 69 mét; rộng 18 mét lòng sử dụng và hai hành lang chạy dài với chiều rộng 3 mét. Tầng trên của nhà thờ được dùng để cử hành Thánh Lễ và các nghi thức phụng vụ.

Ngôi thánh đường khoác trên mình chiếc áo màu kem sáng, thiên về màu phù sa, gợi nhắc một miền quê lúa đã một thời đi vào lịch sử. Nằm ở lưu vực của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Trà Lý, quê hương Thái Bình đã được bồi đắp và nuôi sống bởi lớp phù sa màu mỡ, giúp cho Thái Bình một thời là vựa lúa của cả miền Bắc Việt. Chính mảnh đất đầy tiềm năng ấy đã tạo ra những con người Thái Bình hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó trong đời thường nhưng can trường trong những thử thách đức tin.

Thánh đường nhà thờ Chính Tòa mới được xây dựng trên nền đất và hướng trục tâm của ngôi nhà thờ trước. Tuy nhiên, nó đã được dịch chuyển lên phía đầu nhà thờ khoảng 30 mét, để tạo một khoảng không gian rộng lớn phía cuối nhà thờ trở thành quảng trường trong những dịp lễ đại triều.

Về tổng thể, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, không gian kiến trúc thiên về thiên nhiên đã được đưa vào nhiều hơn. Đặt chân tới khuôn viên nhà thờ, người ta như bước vào một thế giới hoàn toàn khác lạ. Bởi nơi đây, họ đã tìm lại được sự bình yên, và những phút thanh tịnh hiếm hoi sau những ngày làm việc vất vả.

Đây thực sự là không gian lý tưởng giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc với Thiên Chúa và tìm lại chính mình. Chúng ta sẽ khó có thể gặp được Thiên Chúa trong những ồn ào, náo nhiệt nhưng; chúng ta sẽ gặp được Ngài trong thinh lặng và trong thâm sâu tâm hồn của mỗi người.

Trên hai trụ cổng chính của ngôi Thánh đường mới có bức tượng hai Thiên Thần đang thổi loa. Cũng giống như tượng các thánh Tông Đồ, hai bức tượng này được tạc theo mô-típ những bức tượng thời Phục Hưng. Bên ngoài được phủ một lớp nhũ đồng sáng, càng làm cho hai bức tượng thêm phần uy nghiêm.

Nổi bật trong toàn bộ khuôn viên của ngôi thánh đường Nhà thờ Chính tòa Thái Bình là linh đài Đức Mẹ Lavang. Thoạt nhìn, du khách có thể hơi ngỡ ngàng về toàn cảnh linh đài Mẹ, bởi có một nét gì đó quen quen… Điều đó cũng dễ hiểu, vì Linh đài Mẹ Lavang Thái Bình được mô phỏng theo linh đài thật ở thánh địa Lavang – thuộc địa hạt huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam. Để xây dựng linh đài này, các nghệ nhân đã phải nhiều lần đến Lavang, để đo đạc, chụp hình, cũng như sống trong tâm tình của người con cái Mẹ.

Xét về tổng thể, ngôi thánh đường nhà thờ Chính Tòa mang đậm nét kiến trúc Việt. nhà thờ Chính Tòa được thiết kế hai tầng, có hành lang rộng và mái hiên xung quanh. Ngày mưa gió, vẫn có thể tổ chức những cuộc rước kiệu, cung nghinh Thánh Thể xung quanh nhà thờ mà không lo thời tiết đổi thay thất thường.

Dù không nổi bật giữa những tòa nhà cao tầng đang ngày một nhiều trong lòng thành phố Thái Bình, nhưng đứng trên cầu Thái Bình hoặc trên hai bờ tả ngạn của dòng Trà Lý, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hai ngọn tháp của ngôi thánh đường nhà thờ Chính Tòa mới đang hiên ngang vươn lên trời xanh.

Với chiều cao 46 mét, tháp chuông được thiết kế theo lối Gothique nhưng đã được cách điệu cho đơn giản, phù hợp với xu hướng hiện đại. Điều đó đã tạo cho hai cây tháp một dáng dấp độc đáo, không giống với bất cứ ngọn tháp nào của các ngôi nhà thờ trong giáo phận. Nếu nhìn từ xa, hai ngọn tháp như hai ngọn nến cháy sáng, được nâng niu bởi đôi bàn tay vững chãi đang hướng thẳng lên trời cao.

Khác với những tòa nhà to lớn được lợp bằng mái ngói với màu đỏ tươi gợi nhắc một sự cổ kính, ngôi nhà thờ được lợp bằng tôn màu xanh nước biển, thể hiện một dáng vóc trẻ trung và mới mẻ nhưng cũng mang đậm tính cách Á Đông. Khi ngắm nhìn đường nét vút cong của mái nhà thờ, người ta dễ liên tưởng tới mái của những ngôi đình, ngôi chùa mà đâu đó, người ta vẫn trông thấy ở những miền quê.

Khi nhắc đến Thái Bình, người ta thường nhắc tới một giáo phận có lòng sùng kính, mến yêu Đức Maria và các thánh cách đặc biệt. Chính vì thế mà chung quanh mái của ngôi nhà thờ mới được trang trí bằng những pho tượng Thánh Thiên Thần, các Thánh nam nữ và đặc biệt là các vị thánh Tử Đạo Việt Nam.

Nói đến các vị thánh Tử Đạo Việt Nam, là những thế hệ cháu con, người giáo dân Thái Bình hôm nay có quyền tự hào về truyền thống hào hùng và tinh thần giữ đạo bất khuất của các thế hệ cha ông trong giai đoạn đức tin bị thử thách cam go nhất. Trong hàng trăm ngàn người đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin, Giáo phận Thái Bình đã hân hoan dâng lên Thiên Chúa 19 vị Tử Đạo trong 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài thực sự là những hoa quả đầu mùa, là hạt giống để sinh ra những tín hữu Thái Bình hôm nay.

Khi nhìn ngắm những pho tượng Thánh với dáng vẻ sống động, chúng ta mới hiểu được rằng, nghệ nhân đã gửi gắm nơi mỗi tác phẩm của mình không chỉ là kinh nghiệm, là trình độ điêu khắc, nhưng còn là cả tâm hồn và niềm tin tôn giáo nữa.

Xung quanh hai bệ tháp là tượng mười hai Thánh Tông đồ đang đứng hiên ngang như một minh chứng cho sự trường tồn của niềm tin Tông truyền trên mảnh đất Thái Bình. Mỗi bức tượng Thánh Tông đồ cao 2,2 mét, được tạc phỏng theo phong cách những pho tượng thời Trung cổ nhưng cũng có những nét rất riêng. Song điều đặc biệt là, những bức tượng đó lại được tạc nên bởi những đôi bàn tay khéo léo của chính những nghệ nhân là con dân đất mẹ Thái Bình.

Mái vòm của ngôi nhà thờ mới được tạo nên bởi những đường cong lớn nối liền hai chân của tháp chuông. Nhìn từ ngoài, mái vòm trông như cánh hoa đang hé nở theo hướng đi lên; giao điểm của hai đường cong gặp nhau tại tâm của cây Thập giá.

Để lên được nơi cử hành Thánh lễ của nhà thờ Chính Tòa, chúng ta phải đi qua bậc tam cấp. Đây cũng là một đặc điểm kiến trúc của ngôi nhà Việt. Truyền thống văn hóa nông nghiệp của người Việt vốn coi trọng số lẻ (vì lẻ là số dương = động = dành cho người sống). Thế nên, bước vào sân thì phải qua cổng tam quan; lên nhà thì phải qua bậc tam cấp; nhà dân thường có ba gian hoặc năm gian; các kiến trúc lớn thường dựng theo lối tam tòa. (Cổng Ngọ Môn – Huế; nhà thờ đá – Phát Diệm…); các tòa thành (như Cổ Loa, Huế) đều có kiến trúc ba vòng…

Để lên đến nhà thờ, ngoài bậc tam cấp, công trình cũng được thiết kế thêm hai đường dốc thoai thoải, kèm theo tay vịn hai bên để tạo điều kiện cho những người cao tuổi có thể lên xuống dễ dàng.

Qua bậc tam cấp, ta như rũ bỏ được những lắng lo, những vấn vương của cuộc sống thường nhật để bước vào một thế giới hoàn toàn khác biệt – thế giới tâm linh – nơi đó, con người có thể an tâm mà sốt sắng cử hành Thánh lễ, an tâm chia sẻ những vui buồn và thanh thản dâng những lời nguyện cầu lên Thiên Chúa. Giếng rửa tội của nhà thờ chính tòa được thiết kế hết sức độc đáo. Lòng giếng được thiết kế hình một chiếc lá sen; chung quanh có một bông hoa sen trắng và một đài sen vàng. Phía trước chiếc lá sen xanh có bức tượng Đức Giêsu đang đứng giang tay và một dòng nước chảy ra từ chính đôi bàn tay của Ngài.

Cửa chính của nhà thờ chính tòa có hình vuông, ở giữa hai cánh cửa chính là một hình tròn – một sự thể hiện rõ nét triết lý âm dương. Có vuông có tròn, tức là có âm có dương; vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), tròn tượng trưng cho trời (thuộc dương). Theo quan niệm về âm dương thì: trong âm có dương và trong dương có âm. Hai cánh cửa được làm bằng một loại gỗ quý, bên cạnh có hai bức phù điêu bằng đồng đắp nổi. Chung quanh cửa có những đường gân khác nhau dẫn đến cây thánh giá ở chính giữa hai cửa.

Hình ảnh cây thánh giá hiện diện ở cửa chính của ngôi thánh đường vẫn luôn là biểu tượng của Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh. Nổi bật trên đầu của cây thập giá là hình ảnh một bông lúa chín vàng. Phía bên trên có một bức phù điêu hình Thiên Chúa Cha đang một tay nâng trái đất và một tay giơ ra để chở che nhân loại. Những đường gân được điểm xuyến bằng những mũ đinh nổi, thường thấy ở cánh cửa chính của những ngôi thánh đường lớn ở châu Âu Hình ảnh đó gợi nhắc đến cuộc sống lữ hành trần thế của người tín hữu hôm nay;

Bước vào nhà thờ, chúng ta có cảm một cảm giác linh thiêng và huyền nhiệm. Nội thất của ngôi thánh đường được sơn một gam màu trầm. Nổi bật lên giữa gam màu trầm lắng đó là sự rực sáng lung linh của bàn tòa chính mới được thiếp vàng. Sự kết hợp hài hòa giữa gam màu trầm của nội thất nhà thờ và màu sáng của gian cung thánh giúp cộng đoàn không bị xao nhãng, nhưng dễ dàng tập trung vào việc tham dự thánh lễ và các cử hành phụng vụ nơi đây.

Bàn tòa của nhà thờ cũ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, không mất đi dù một chi tiết nhỏ. Quan sát những đường nét hoa văn được chạm trổ một cách tinh vi, chúng ta càng cảm phục đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân thế hệ trước. Gian cung thánh của ngôi nhà thờ mới được thiết kế rộng … Nền của cung thánh được lát bằng đá garanit màu đỏ, nếu nhìn từ trên cao, như một tấm thảm đỏ khổng lồ. Mới thoáng nhìn, người xem có thể nhận thấy sự trang trọng, uy nghi của gian cung thánh – xứng đáng là nơi diễn ra các cử hành Thánh Thể. Nhưng quan sát kỹ, chúng ta lại có một cảm giác thật gần gũi giữa cộng đoàn và bàn tiệc Thánh Thể.

Nhiều người có cảm giác, gian cung thánh như một chiếc trống đồng lớn. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi chân của cung thánh được trang trí bằng bức phù điều lớn mang các họa tiết vẫn được trạm khắc trên các trống đồng: những cánh chim Lạc Việt, những cảnh sinh hoạt thường ngày như săn bắn, hái lượm… những hình ảnh tuy đơn sơ nhưng lại được diễn tả một cách sống động dưới bàn tay tài tình của những nghệ nhân.

Nổi bật giữa gian cung thánh là bàn thờ được làm từ đá cảm thạch. Trông xa, bàn thờ như một tấm bánh trắng lớn, được nâng lên bởi những đôi bàn tay xinh xắn của hai thiên thần bé nhỏ.

Mặt bàn thờ hình tròn (tượng trưng cho trời) được đặt trên một trụ có chân hình bát giác Đối với người Công giáo, hình bát giác thể hiện Bát phúc (8 mối phúc); đây là 8 phương thế và cũng là 8 con đường dẫn đưa chúng ta về quê trời.

Xung quanh bàn thờ được trạm trổ hình những chùm nho và lúa miến. Dưới chân bàn thờ được trang trí bằng một tấm thảm lớn, trên đó được điểm xuyến bằng hình những mặt trống đồng. Giữa mặt trống là hình ngôi sao 12 cánh, xen giữa các cánh sao là họa tiết lông công và những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau .

Trên cung thánh có hai nhà tạm đều được làm bằng đá cẩm thạch: một để Mình Thánh Chúa và một để Lời Chúa.

Nơi Nhà Tạm để Mình Thánh Chúa có khắc hai câu thơ được trích trong bài thơ “Chiếc đèn chầu” của nhà thơ Bạch Lạp (bút danh của Đức Cha Phanxicô Xaviê, giám mục giáo phận Thái Bình) như sau:

“Linh hồn con như chiếc đèn chầu

Âm thầm tỏa sáng trong đêm thâu”.

Xét về nguồn gốc, “nhà tạm” theo cách hiểu của chúng ta hiện nay chỉ có từ thế kỷ XVI, đặc biệt khi Giáo Hội phải đương đầu với những người chống đối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Quả thật, trong những thế kỷ đầu, với những người chống đối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, nhà tạm được hiểu là nơi cất giữ Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và những người vắng mặt; nơi cất giữ này chưa chiếm vị trí trung tâm của cung thánh như hiện nay. Thế rồi, từ việc cất giữ Mình Thánh cho bệnh nhân, người ta ngày càng khám phá ra ý nghĩa sâu xa sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Từ đó, lòng tôn thờ Chúa phát triển mạnh mẽ qua việc chầu Thánh Thể.

Hai cột trụ dưới bàn tòa chính được thiết kế trở thành hai cây bạch lạp với ngọn lửa hồng rực sáng

Giảng đài của nhà thờ Chính Tòa mới được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối. Ở  phía trước có trạm trổ bức phù điêu hình cây thập giá và con cá thể hiện cho Đức Kitô.

Mười bốn đàng thánh giá của nhà thờ Chính tòa Thái Bình được liên kết bởi những bức phù điêu chạy dài, dọc hai bên nhà thờ tạo thành một tổng thể liên hoàn. Những chặng đàng thánh giá được phủ một màu đồng với những hình khối uốn lượn, tạo nên một quang cảnh thật sống động.

Tầng hầm của nhà thờ Chính Tòa là nơi hàng năm, cử hành Thánh lễ trọng thể để cầu nguyện cho các linh hồn, và xin ơn tha thứ cho những người đã ra đi trước chúng ta .Ở chính giữa của tầng hầm, có đặt bức tượng Mẹ Sầu Bi được tạc một cách hết sức tinh xảo. Dưới chân tượng Mẹ Sầu Bi là phần mộ của hai Đức Cố Giám Mục Đaminh Đinh Đức Trụ và Giuse Maria Đinh Bỉnh. Cả hai ngôi mộ đều được ốp bằng đá sà cừ, trên đó đặt một bảng đồng chạm trổ các hoa văn theo lối cổ điển, đề tên và ngày qua đời của các ngài.

Có thể nói, ngôi nhà thờ mới chính là hoa quả đầu mùa, là kết tinh của bao công khó của tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận. Nhưng công lao đầu tiên và trên hết, phải kể đến Đức Cha Phanxicô Xaviê – vị cha chung của giáo phận.

Kể sao cho hết những ưu tư lo lắng của vị mục tử giáo phận khi đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Ngài đã trăn trở, lo toan, từng ngày từng giờ để săn sóc, cho công trình nhà thờ Chính Tòa được thành toàn. Kể từ khi có kế hoạch xây lại ngôi thánh đường nhà thờ Chính Tòa, Đức Cha đã phải nhiều lần lặn lội sang tận trời Tây để lo tài chính cho công trình; không phải lần nào cũng thuận buồm, xuôi gió. Những lần như thế không tránh khỏi những hiểu nhầm, nghi ngại…

Để có được ngôi thánh đường nguy nga lộng lẫy như ngày hôm nay, giáo phận Thái Bình không thể quên được công lao của các đấng bậc trong giáo phận; các kỹ sư thiết kế, các tổ thợ thi công… và cũng không thể không nhắc đến những tấm lòng hảo tâm, đã hy sinh công của, chung sức với giáo phận để xây lên ngôi đền thánh này. Có những người được giáo phận biết đến để ghi ơn; nhưng cũng không thiếu những người chỉ âm thầm chắt chiu từng đồng xu nhỏ của mình nhưng là cả số tài sản lớn, như đồng tiền của bà góa xưa được Tin Mừng nhắc tới. Có những người âm thầm hiến tặng những ngày công, hay những cụ già chỉ đóng góp bằng những lời cầu nguyện…

Mỗi thành phần dân Chúa, trong và ngoài giáo phận bằng sự đóng góp của mình đã như là những viên gạch để xây lên ngôi nhà thờ Chính Tòa Thái Bình hôm nay. Không ai khác, ngoài một mình Thiên Chúa có thể chứng giám và trả công cho các đấng bậc và quý vị.

Việc ngôi nhà thờ Chính tòa mới được khánh thành, lại một lần nữa, khẳng định sức sống và niềm tin của giáo phận Thái Bình. Trong ánh nắng ban mai huy hoàng, ngôi nhà thờ đang và sẽ mãi vươn cao như thách thức với thời gian, như một sự tái khẳng định với con người, với cuộc đời rằng: cho dù đất trời có đổi thay, nhưng lòng những người con dân Thái Bình vẫn luôn son sắt thủy chung.

(Nguồn: dhthaibinh.de)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *