Điểm Du lịch
Thiền viện Thường Chiếu
Thường Chiếu là danh xưng của một vị Thiền sư Việt Nam nổi tiếng vào thời Lý. Môn phong của Sư được các thế hệ sau phát triển rực rỡ và chuyển tiếp thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Danh Sư vì thế đã trở thành danh xưng của thiền viện Thường Chiếu non một thế kỷ sau.
Theo “Kỷ yếu 25 năm thiền viện Thường Chiếu”, sự ra đời của thiền viện này bắt nguồn từ những năm 1973 - 1974. Thời điểm ấy, có hai phật tử ở Cát Lở phát tâm cúng đường thửa đất 52 mẫu tại xã Phước Thái (Thái Thiện cũ) - huyện Long Thành, để Hòa thượng Thích Thanh Từ lập Thiền Trang. Thửa đất khi ấy là một vùng bạt ngàn cỏ tranh cao tới ngực, ở giữa có một dòng suối sình lầy tre gai với dứa gai đan xen nhau. Tháng 10/1974, một ngôi chùa lợp lá tàu vách đất trên nền cao có sẵn bên cạnh cây bồ đề được cất lên, đó chính là thiền viện Thường Chiếu. Hòa thượng Đắc Huyền là Trụ trì đầu tiên. Ngày 15/4/1986, chánh điện Thường Chiếu được xây dựng xong và khánh thành.
Những năm 1990, hàng loạt các cảnh quan khác tại Thường Chiếu được xây dựng, trùng tu như tổ đường, giảng đường, thiền thất và toàn bộ cơ sở nhà tăng, thư viện... Khu ngoại viện cũng được mở rộng. Năm 1998, tổ đường thiền viện Thường Chiếu được đại trùng tu.
Sau 31 năm hình thành và phát triển, thiền viện Thường Chiếu hôm nay thay da đổi thịt thành ngôi chùa thanh thoát và rợp ngời bóng mát. Ngày xưa hoang dã cây cỏ um tùm, hôm nay sạch sẽ tôn nghiêm. Xưa đi qua Thường Chiếu với con đường mòn, với chiếc cầu lắt lẻo vượt qua con suối cỏ dại phủ lấp bờ, với thiền đường vách đất phủ tranh, nay đi qua Thường Chiếu với đường mát thẳng dài, mái ngói đỏ tươi.
Ngoài những kiến trúc cổng tam quan, nội viện, thiền đường, chánh điện, thư viện với những mái ngói cong cong đậm nét xưa cũ, khung cảnh ở đây còn rất quyến rũ. Khuôn viên rộng trồng cây xanh bát ngát khắp mọi nơi.
Những ai đã một lần đến thiền viện Thường Chiếu đều không thể quên hình ảnh ngôi chánh điện sừng sững trang nghiêm giữa hai hàng dương xanh mượt. Đứng nhìn từ cổng vào, hàng dương thẳng cao vút đong đưa với tán lá mềm rũ xuống sau một đêm mưa làm dịu nhẹ bao nỗi muộn phiền. Cảnh quan thanh tịnh, vì thế nhiều người dân ở những khu vực xung quanh rất thường đến đây nghỉ ngơi, thư giãn và vãn cảnh chùa.
Nguồn: website NTO
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch