Điểm Du lịch
Tượng đài Trần Hưng Đạo
Tượng đài được đặt tại quảng trường 3-2 (TP Nam Định), bên hồ Vỵ Xuyên. Bức tượng được đúc bằng đồng nguyên chất với trọng lượng khoảng 21 tấn, có chiều cao 10,22 m đặt trên bệ cao 6,5 m. Để đưa được bức tượng lên độ cao như thế, nghệ nhân đã phải đúc tượng thành 9 khoanh (khoanh nặng nhất là 2,8 tấn, khoanh nhẹ nhất cũng nặng đến 1,8 tấn ). Tượng đài được xây dựng với quy mô hoành tráng, cùng với chất liệu quý đã thể hiện tấm lòng tôn kính, luôn hướng về nguồn cội nhân dân Nam Định.
Để có được thành công đó, ngay từ đầu đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa tác giả thiết kế mẫu tượng là họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên với cơ sở đúc đồng Nguyễn Phùng Sơn. Để phản ánh lại thần thái của vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, họa sĩ Vương Duy Biên đã nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến cuộc đời của Người. Anh cũng gặp gỡ trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học, nhà sử học như giáo sư Hà Văn Tấn, giáo sư Phan Huy Lê…Sau đó suy nghĩ để làm phác thảo cho mẫu tượng đài. Tất cả những suy nghĩ đó đã được tác giả thể hiện trên tác phẩm và được trao đổi cặn kẽ cơ sở được chọn thi công công trình. Việc đúc thành công một bức tượng bảo đảm chất lượng cả về kỹ thuật và mỹ thuật đã thực sự gây nhiều ngạc nhiên trong giới chuyên môn lúc đó. Trước đó,cũng có không ít băn khoăn, trăn trở của những người chịu trách nhiệm làm công trình, vì đây là pho tượng đồng cao, to nhất ở nước ta thời điểm đó và nhiều người chưa tin có thể đúc thành công. Do sự phức tạp của công việc nên trong suốt thời gian đúc tượng, đơn vị thiết kế cùng với cơ sở thi công phải tính toán,cân nhắc, làm thí nghiệm rồi mới quyết định chọn các phương án kỹ thuật và mỹ thuật tối ưu nhất,bảo đảm thống nhất thành phần hợp kim phần lớn là đồng 4 số 9, còn lại là tỷ lệ hợp lý giữa thiếc và chì, Sau khi được thẩm định mẫu thí nghiệm, cơ sở đúc đồng đã tự đầu tư làm thí nghiệm khoanh đầu và khoanh vai- 2 khoanh khó nhất trong toàn thân tượng. Nếu đúc thành công 2 khoanh tượng trên thì công việc đúc toàn thân bức tượng mới được tiếp tục tiến hành. Kỹ thuật, chất liệu làm khuôn đúc, việc bảo đảm cho chất liệu đồng sắc giữa các khoanh tượng được tính chi li. Dựa trên kinh nghiệm bí truyền, các nghệ nhân đã khống chế độ lửa để tỷ lệ bốc hơi kim loại hợp lý và đều nhau để các khoanh tượng có màu đồng đều. Việc làm bộ đồ gá để gia công bề mặt các khoanh tượng do chính chủ cơ sở đúc đồng là ông Nguyễn Phùng Sơn, kỹ sư cơ khí tốt nghiệp ĐHBK thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nên khi nghiệm thu và lắp ráp các khoanh không phải hàn. Theo các nhà chuyên môn và các nhà thiết kế mẫu tượng thì điều này đã triệt tiêu được sự co dãn về nhiệt và giữ được nguyên màu của chất liệu tổng thể công trình.Như vậy, điều tạo nên thành công của công trình chính là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tác giả của bức tượng với cơ sở đúc đồng, sự phối hợp nhuần nhuyễn các lò đúc từ khâu làm khuôn, khâu phối hợp kim loại đến khâu đúc dựa trên kinh nghiệm truyền thống của các nghệ nhân cùng với công nghệ hiện đại để tạo nên một bức tượng hoàn chỉnh về chất lượng và phản ánh được thần thái của vị anh hùng theo ý tưởng của tác giả thiết kế. Theo tác giả Vương Duy Biên, với một vị anh hùng văn võ song toàn như Trần Hưng Đạo, phải thể hiện đầy đủ những phẩm chất của một vĩ nhân như: Nhân, nghĩa, lễ , tín….Tác giả đã suy nghĩ và thể hiện trên tác phẩm: Trần Hưng Đạo cầm “Hịch tướng sĩ” bên tay phải (chủ đạo) đấy chính là tay “văn”. Đây chính là phẩm chất của ông và tinh thần của dân tộc ta và cũng chính là tinh thần của một dân tộc quật cường, không chịu làm nô lệ. Tay trái (tay võ) được chống vào đốc gươm thể hiện sự tự tin. Đó chính là tinh thần chủ đạo của bức tượng. Hai chân của người anh hùng được đặc tả một tư thế chắc chắn, đầu hơi xoay nghiêng so với vai, tạo sự “động” không cứng nhắc. Chân dung người anh hùng ở tượng đài được đánh giá là rất đẹp, có “thần”, trong đó, khuôn mặt và đôi bàn tay của Trần Hưng Đạo được thể hiện thành công hơn cả.
Việc xây dựng các hạng mục khác ngoài tượng đài như cây nến, bồn hoa, cọc biểu trưng cho chiến thắng Bạch Đằng, thảm cỏ, sân đường, hệ thống điện chiếu sáng phù hợp với toàn cảnh trên Quảng trường rộng hơn 1ha đã góp phần bổ trợ làm tăng thêm vẻ đẹp, sự tôn kính của tượng đài. Đặc biệt, một số hạng mục được chú ý như: 14 cột cờ biểu thị cho 14 đời vua Trần, những lớp sóng nước Bạch Đằng được dựng ở thảm cỏ phía phải và phía trái tượng đài đã gợi lại một trong những chiến công hiển hách của quân dân Đại Việt và của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là chiến thắng oanh liệt của ông cha ta ở Bạch Đằng giang.
Về tổng thể khu vực tượng đài và toàn bộ Quảng trường 3-2 với diện tích 10000m2 được đánh giá là công trình văn hóa hoành tráng, có tầm cỡ thế kỷ. Tượng đài đã biểu hiện sức mạnh vươn lên của tinh thần dân tộc, của lòng dân đối với người anh hùng. Đã nhiều năm trôi qua, Quảng Trường 3-2, nơi đặt tượng đài Trần Hưng Đạo giờ đây đã thực sự trở thành nơi hội tụ đời sống tâm linh của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Suốt trong năm, người dân đến đây dâng hương tưởng niệm và bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với Người. Du khách về dự lễ hội Đền Trần đều đến dâng hương cầu nguyện. Nhiều hoạt động văn hóa – thể thao của tỉnh trong những ngày lễ tết, những cuộc thi, những buổi diễu hành biểu dương lực lượng… cũng thường xuyên được diễn ra ở đây. Nhiều nét đẹp văn hóa mới cũng được hình thành. Các đám cưới khi đi qua Quảng trường đều dừng lại để cô dâu, chú rể thắp hương trước tượng Đức Thánh Trần bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với Người và ước nguyện của mình về tương lai. Vào những ngày mùng một, mười rằm hàng tháng, đã thành nếp tâm linh,nhiều bậc cao niên thường đến dâng hương, chiêm bái tượng Người.
Tượng đài Quốc công Tiết chế Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo là một công trình văn hóa lớn thể hiện ý nguyện tâm linh của Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta, với tấm lòng tôn kính người anh hùng dân tộc. Tượng được đặt ở Quảng trường 3-2 thành phố Nam Định – nơi trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh, càng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho mãi mãi. Công trình sẽ là nguồn động lực khích lệ lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết trong các thế hệ người dân Nam Định trong công cuộc xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng vững mạnh.
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch