Du lịch nước ngoài

Bagan Thành phố của chùa chiền

Hiếm có thành phố nào lại nhiều chùa chiền như thành cổ Bagan của đất nước Myanmar. Nằm bên dòng sông Irrawaddy, đây từng là kinh đô của một vương triều vĩ đại theo đạo Phật suốt 250 năm với vô số đền, đài thờ Phật lớn nhỏ cổ kính tồn tại vẫn giữ được vẻ đẹp rạng ngời, bí ẩn thuở xưa.

Kỳ quan nghệ thuật của đất nước Myanmar

Tháp Stupa Pagan là một tiểu kiến trúc bằng gạch bên trong có khoang chứa xá lị Phật, bên ngoài bít kín. Phần lớn các tháp được phỏng theo kiến trúc Pyu của triều đại trước và của vùng Andhra, gồm Amaravati và Nagarjunakonda mà nay là miền Đông Nam Ấn Độ, một số theo phong cách Sri Lanca.

Ban đầu, công trình có hình bát úp - bán cầu với đỉnh nhọn là một cột trụ mang lọng, bốn phía quây lan can đá, một ví dụ điển hình là tháp Bupaya thế kỷ IX; về sau từ thế kỷ XI tháp có hình chuông với các lọng biến đổi thành các vòng tròn vữa chồng chất và hướng đến đỉnh - một búp sen và nay là một búp chuối, tiêu biểu là ngôi chùa Dhammayazika cuối thế kỷ XII và chùa Mingalazedi cuối thế kỷ XIII. Trên mặt tháp và đế tháp thường khắc những tranh vẽ - những mẩu chuyện Jataka về cuộc đời Đức Phật, ngoài ra ở bốn phương là hình vẽ hoặc phù điêu của những cặp quỷ thần và hộ pháp Bilu có nhiệm vụ canh giữ thánh địa. Có thể nói tháp Stupa chính là một cách thể hiện thế giới quan nhà Phật, với hình dạng tượng trưng cho đỉnh núi thiêng Meru và các lọng biểu thị cho trục vũ trụ.

Vùng đất của tâm linh

Đến thăm thành cổ Bagan, các Phật tử không thể không viếng thăm đền Ananda, một thắng cảnh đẹp, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển Phật giáo, kiến trúc và nghệ thuật bấy giờ. Nơi đây ngoài tu hành, các cao tăng còn đảm nhiệm việc truyền bá đạo Phật, nghiên cứu và dạy học trong nhiều lĩnh vực gồm văn học, y thuật, kiến trúc, kỹ thuật giả kim, luật pháp, thiên văn...

Đền Ananda (Ananda Pahto hay Phaya) được đức vua Kyanzittha xây dựng năm 1090 ở phía Đông cổ thành, phỏng theo một giấc mơ về tiền kiếp của tám đại sư người Ấn khi hãy còn tu hành tại thạch động Nanadamula trên dãy Himalaya. Đức vua xây đền để tỏ rõ sự thành tâm mộ đạo và truyền bá đạo Phật khắp cả nước. Tên đền được lấy theo tên của Ananda tôn giả, đệ tử thứ nhất và là người ghi chép những tư tưởng bác học và lòng vị tha vô biên của Đức Phật. Ngoài ra, tên đền còn xuất phát từ chữ Ananta trong tiếng Pali và Sankrit có nghĩa là sự thông thái và phúc đức, thể hiện cho trí tuệ vô song và lòng từ bi vô lượng của Ngài.

Đền là sự kết hợp độc đáo giữa phong thái kiến trúc Mon bản địa và Bắc Ấn Độ ngoại lai phản ánh sự chuyển đổi rõ rệt của nghệ thuật kiến trúc cổ Myanmar từ giai đoạn sơ kỳ sang giai đoạn trung kỳ. Đây là một công trình bằng gạch quét vôi trắng xám trải trên một mặt phẳng cân đối hình chữ thập, cao 53m, dài 88m, gồm các tiền sảnh, cổng đầu hồi, tháp nhọn trên mái và thiên thần gác cửa ở thế ngồi hoan hỷ (Lalitasana). Ở giữa là một khối lập phương với bốn mái vươn cao lên tột đỉnh là một Sikhara - tháp vàng rực rỡ và xung quanh ở bốn góc có bốn tháp nhỡ mô phỏng tháp trung tâm cùng nhiều đỉnh nhọn hình búp chuối và linh sư trấn địa. Thành đền đắp nổi dạng cột với nhiều phù điêu hoa lá và trổ nhiều tầng cửa sổ cho ánh sáng lan tỏa các hành lang bên trong.

Đại điện của đền nằm chính tại khối lập phương dưới tháp. Ở bốn mặt đặt bốn pho tượng Phật đứng uy nghiêm khổng lồ thếp vàng cao 12m quay sang bốn hướng thể hiện bốn tư thế của Đức Phật khi Ngài ngộ đạo đạt vô thượng chính đẳng chính giác. Đó là điểm nổi bật, kỳ thú và cũng là thu hút nhất ở cổ tự Ananda.

Một điểm đặc sắc nữa trong quần thể đền Ananda, làm du khách nhớ mãi, qua đó cũng giúp họ hiểu được về đạo hạnh, các giáo lý và tư tưởng của Đức Phật là những tấm tranh gốm, tranh đất nung tráng men và phù điêu chạm nổi, mỗi bức đều miêu tả một câu chuyện Jataka về huyền thoại Phật. Chúng xuất hiện liên tục trên khắp các mái đền, đế đền và thành đền. Cụ thể tại hai đầu hồi của tháp, nơi hai mái thấp trưng bày 537 bức Jataka, đánh số bằng tiếng Pali và ở giữa tháp trên bốn mái cao có 375 bức Jataka bằng tiếng Mon khắc họa mười câu chuyện cuối cùng về cuộc đời Đức Phật. Ngoài ra, là hình ảnh của hoa sen, dây lá cuốn và các thiên thần xuất hiện ở nhiều nơi trên trần và tường nguyện đường. Đây là bộ sưu tập lớn nhất về tranh gạch nung thời Bagan.

Ngoài tranh gốm, dọc hành lang của tòa tháp còn có 1500 pho tượng đá sa thạch nguyên khối miêu tả 80 giai đoạn chuyển thế, cùng 40 bức phù điêu từ đá núi lửa kể chuyện từ khi Đức Phật đản sinh đến khi thành đạo với hình ảnh rất chân thực và xúc động như hình ảnh thái tử Siddhartha nhìn lần cuối người vợ Yasodaya và người con mới sinh Yahula trước khi rời cung để sống ẩn dật trong rừng sâu, rồi hình ảnh Ngài phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử và chiến đấu với ma quái.

Đền Ananda hiện nay là nơi sinh hoạt hàng ngày của đông đảo dân chúng. Từ sáng đến đêm lúc nào cũng nượp người, ngoài đến tụng niệm, cầu kinh thì còn để học tập, nghỉ ngơi và trò chuyện vui vẻ trong không khí hết sức thanh bình.

(Nguồn: LVOnline)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *