Góc lữ hành
Đến Quảng Nam ngược dòng Thu Bồn qua hai miền “di sản”
Hai miền "di sản" Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An chỉ cách nhau chưa đầy 45 cây số. Nếu đi đường bộ, du khách chỉ mất khoảng một buổi. Còn tour đường sông phải mất hai buổi nhưng đó là một trải nghiệm thú vị. Hành trình khởi điểm từ Hội An trầm lắng đi qua làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà đến với vùng đất Thiêng của người Chăm có từ những thế kỷ đầu Công nguyên.
Sau bữa điểm tâm sáng, du khách lênh đênh trên dòng sông Thu Bồn huyền thoại. Người Chăm-pa xưa xem dòng sông này là dòng sữa mẹ, là hiện thân của nữ thần Ganga, vợ thần Siva. Nhìn tổng thể, địa hình vùng đất này vô cùng trắc trở. Tứ bề là núi trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây trước khi ra Cửa Đại. Vì thế, dòng sông Thu Bồn chảy lắt léo, lách mình quanh co qua núi. Quan niệm xưa, đền Thiêng phải được xây dựng ở núi sâu. Vì thế, khi đường bộ chưa phát triển như bây giờ, dòng Thu Bồn đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh của người Chăm cổ.
Ngược dòng sông Thu Bồn như ngược thời gian về quá khứ. Dòng sông vốn "chở nặng" lịch sử suốt hàng thế kỷ, tạo bề dày văn hóa, lịch sử gắn với đất Thiêng, kinh thành xưa của các triều vua đất Chăm-pa. Câu chuyện dòng sông của hướng dẫn viên vô cùng thú vị đối với du khách. Dọc chiều dài con sông là những câu chuyện lịch sử xứ Quảng, có từ thế kỷ thứ IV khi Thánh địa Mỹ Sơn bắt đầu được xây dựng, kéo dài đến thế kỷ thứ XIV. Sau đó là sự hình thành của phố cổ Hội An trên nền đất cảng cổ Đại Chiêm ngày xưa. Câu chuyện này nếu nghe trên xe di chuyển từ Hội An vào Mỹ Sơn sẽ kém thú vị hơn trên sông. Du thuyền nhẹ nhàng lướt trên mặt nước lồng lộng gió đi qua những ngôi làng của trăm năm trước, những cánh đồng hình thành từ những thung lũng mà ngày xưa là đất kinh kỳ, thị tứ một thời. Đền đài, cung điện không còn hiện diện nhưng những vật thể thu thập được trưng bày ở bảo tàng là những minh chứng thú vị khi hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử vùng đất hai bên bờ sông Thu Bồn này.
Rời dòng sông, di chuyển bằng xe vào vùng đất Thiêng là một câu chuyện khác. Du khách sẽ hiểu hơn vì sao Thánh địa không được xây dựng dọc theo bờ sông mà phải đưa vào tận rừng sâu để rồi bị rừng vây quanh và chìm vào quên lãng hàng thế kỷ sau đó. Điểm dừng xe xuống đi bộ một quãng dài là cách làm hay của du lịch địa phương – như để du khách đủ thời gian để trút bỏ hiện tại, hướng đến vùng đất Thánh. Qua khỏi cánh rừng, kiến trúc ngàn năm chợt hiện ra uy nghi, thể hiện sự phồn thịnh của một nền văn minh cổ. Các nhà khoa học và nghiên cứu khó lý giải công trình này được hình thành như thế nào! Vì vậy, họ luôn so sánh Thánh địa Mỹ Sơn với Angkor Wath (Campuchia), Borobudur (Indonesia), Pagan (Myanmar) hay Ayutthaya (Thái Lan). Quần thể Thánh địa Mỹ Sơn nằm trên một thung lũng bao quanh là núi, rừng cây bao phủ với đường kính lên đến 2 cây số. Những công trình gạch, đá điêu khắc được hình thành suốt cả thiên niên kỷ. Kiến trúc đã rêu phong, nhiều nơi bị sụp đổ nhưng những gì còn sót lại đủ để du khách hình dung được nền văn minh một thời và sự kỳ bí đến ngỡ ngàng. Các tượng thờ thần linh uy nghi đến khiếp sợ. Trong khi các bức phù điêu, tượng vũ nữ Apsara lại vô cùng uyển chuyển, như thể đang bước ra từ ngàn năm trước với gương mặt tươi tắn và nụ cười quyến rũ. Khám phá Thánh địa Mỹ Sơn không bao giờ là đủ bởi sự huyền bí và quyến rũ của những bức tượng, điêu khắc. Thế nên, không ít người tiếc nuối khi phải rời Thánh địa trở lại bến thuyền xuôi dòng sông Thu Bồn ra biển để ghé những làng nghề truyền thống của đất Quảng.
Làng gốm Thanh Hà nổi tiếng hàng trăm năm nay, nằm sát bờ sông thơ mộng với những mái ngói đỏ, xen giữa là những con đường quanh co lót gạch nung đỏ đang chuyển màu rêu phong. Người dân trong làng vẫn sống được với nghề gốm nhờ sự nhanh nhạy, chuyển mình cùng với du lịch. Sản phẩm truyền thống cũng được mở rộng tạo sự phong phú. Đến đây, du khách không chỉ tìm hiểu và mang về những món đồ gốm truyền thống mà còn bị hấp dẫn bởi những món gốm nung mang hình dáng Chùa Cầu, những ngọn tháp của Thánh địa…
Cách làng gốm Thanh Hà không xa, cũng bên dòng sông chở nặng dĩ vãng, là làng mộc Kim Bồng hàng trăm năm tuổi. Nơi đó, đàn ông vẫn miệt mài bên những khối gỗ đục đẽo thành những bức "phượng múa rồng bay", tô điểm cho những ngôi nhà cổ rêu phong của phố Hội. Trong khi nghề mộc ở nhiều nơi đứng trước nguy cơ xóa sổ hoặc không còn tồn tại thì mộc Kim Bồng vẫn được duy trì và càng thêm sức sống.
Khi lên thuyền để trở về phố Hội kịp lúc những ánh đèn lồng vừa được thắp sáng lung linh chuẩn bị cho buổi hô bài chòi bên bờ Bạch Đằng, hẳn du khách không khỏi tiếc nuối, bồi hồi bởi sự thân thiện, hồn hậu từ người già lẫn trẻ con của những ngôi làng vừa chia tay./.
(Nguồn: baocantho.com.vn)
Ý kiến của bạn
Góc lữ hành khác
- Thú vị lặn biển ngắm san hô trong vịnh Nha Trang
- Đảo Phú Quý (Bình Thuận) - Thiên đường cho môn lướt ván diều
- Philippines: Thiên đường bên biển
- Ruộng bậc thang mùa nước đổ thu hút du khách ở Lào Cai
- Trải nghiệm vẻ đẹp đảo Kyushu – Nhật Bản
- Khám phá khu sinh thái Khoang Xanh - Suối Tiên (Hà Nội)
- Đến Hodota (Bình Thuận) để trải nghiệm những điều thú vị
- Trải nghiệm Tour du lịch dã ngoại “Đà Lạt không ở phố!”
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch