Góc lữ hành
Du lịch có trách nhiệm: Du khách Việt ngày càng mất điểm (bài 1)
Bài 1: Du khách Việt ngày càng mất điểm
Mới đây, cư dân mạng đã "nổi sóng" với bức thư của một người nông dân Mộc Châu gửi dân phượt du lịch. Nội dung của bức thư đề cập đến sự vô ý thức của một bộ phận du khách khi vô tư tạo dáng mà không để ý rằng mình đang trực tiếp phá hoại thành quả lao động “một nắng hai sương” của bà con.
Chuyện du khách thiếu ý thức tại các điểm đến du lịch như xả rác bừa bãi, dẫm nát cây cỏ, tự ý bẻ hoa, vin cành, viết vẽ bậy, sờ mó hiện vật... ở địa điểm du lịch không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam, tuy nhiên, việc một người dân Mộc Châu thẳng thắn viết “tâm thư” gửi du khách như thế thì quả thật là chuyện “xưa nay hiếm”. Chưa biết bức tâm thư này có thực sự là của một người dân Mộc Châu viết hay không nhưng những điều mà bức tâm thư phản ánh thì quả thực đã nói đúng, nói trúng vào một phần của thực trạng du lịch Việt Nam hiện nay.
Được biết đến là đất nước có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng nền văn hóa lâu đời với hàng nghìn di tích lịch sử, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách quốc tế mà còn cả với chính người dân trong nước. Theo ông Simon Press, Giám đốc của Hội chợ Du lịch thế giới London Simon Press, châu Á dẫn đầu thế giới về tiềm năng phát triển du lịch. Trung Quốc, với dân số hơn 1,3 tỷ người, đứng đầu danh sách trong số các quốc gia châu Á về tiềm năng này. Sau Trung Quốc là Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, lượng khách nội địa du lịch của Việt Nam không ngừng tăng cao. Theo số liệu thống kê chủ yếu ngành du lịch giai đoạn 2010-2012, tổng khách du lịch nội địa ở Việt Nam trong giai đoạn 2000-2012 tăng 2,9 lần; từ 11,2 triệu lượt khách năm 2000 tăng lên 32,5 triệu lượt khách vào năm 2012. Một điểm đặc biệt là có một lượng lớn khách nội địa lựa chọn hình thức du lịch tâm linh với các điểm đến là các di tích lịch sử như: Đình, đền, chùa... Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch, số lượng khách du lịch tâm linh Việt Nam chiếm tỷ trọng khá lớn. Trong số 32,5 triệu lượt khách du lịch nội địa năm 2012, riêng khách đến các điểm tâm linh có khoảng 13,5 triệu lượt người. Đây là một con số đáng mừng, mở ra tiềm năng phát triển loại hình du lịch tâm linh vốn đang rất được ưa chuộng trên thế giới. Thế nhưng, hiệu quả từ nguồn thu của loại hình du lịch du lịch mới này chưa thấy đâu thì những hệ quả từ việc một bộ phận không nhỏ du khách thiếu ý thức đã thấy rõ. Hàng loạt các di sản đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp nghiêm trọng bởi sự phá hoại của du khách. Mỗi năm, cứ vào dịp lễ hội là ban tổ chức ở các địa phương lại lo bở hơi tai bởi phải quản lý một đám đông du khách thiếu ý thức. Mặc dù trước lễ hội, địa phương nào cũng cam kết sẽ quản lý nghiêm, chặt, tránh tình trạng lộn xộn của du khách.
Theo một thống kê mới nhất, ngoài hình thức du lịch theo các tour du lịch của các công ty, một bộ phận không nhỏ du khách Việt lựa chọn hình thức “phượt” để thỏa mãn đam mê khám phá đất nước. Chỉ với một chiếc xe máy, du khách đã có thể rong ruổi trên những cung đường hoa tuyệt đẹp của Tây Bắc vào mùa đông hay khám phá sông nước miền Tây Nam Bộ. Việc du khách tự khám phá các địa điểm du lịch như Mộc Châu, Mù Cang Chải… trong thời gian gần đây đã có những tác dụng tích cực khi quảng bá hình ảnh Việt Nam đến thế giới rộng rãi hơn đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch tại địa phương phát triển. Thế nhưng, cũng bởi tự tổ chức đi du lịch theo sở thích cá nhân nên thay vì được các công ty du lịch lo từ A đến Z cho các dịch vụ thì du khách lại phải tự tìm nơi ăn, chốn nghỉ. Tình trạng vào mùa lễ hội, du khách đi "phượt" không tìm được một chỗ nghỉ ưng ý phải nằm ngủ ngoài đường rồi xả rác bừa bãi đã trở thành một hình ảnh quen thuộc. Tự đi du lịch đồng nghĩa với việc du khách có thể tự do thoải mái làm những điều mình thích mà không chịu sự quản lý của bất kỳ ai. Vậy nên, cứ thấy địa điểm đẹp là du khách dừng chân chụp ảnh. Rồi thì mấy cô túm năm tụm ba chen vào cánh đồng hoa, ruộng lúa bậc thang đang mùa chín, không ngại dẫm nát vài cây hoa hay vô tư ngắt bông lúa để tạo dáng mà không nghĩ rằng, chính họ đang hủy hoại tài sản của đồng bào dân tộc thiểu số vốn nghèo khó nơi đây.
Những hình ảnh xấu của du khách Việt không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn lan rộng ra nước ngoài khi du khách Việt đang ngày càng chuộng hình thức du lịch thế giới. Nếu như du khách nước ngoài luôn có thói quen tìm hiểu kỹ về lịch sử, văn hóa, luật pháp, giá cả, phương tiện di chuyển… tại điểm đến du lịch mới để tận hưởng, khám phá thì một bộ phận không nhỏ du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài theo cảm tính, ngẫu hứng. Chính vì thế, đã xảy ra không ít chuyện đáng buồn, làm mất hình ảnh đẹp về con người Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, nói như thế không đồng nghĩa với việc phủ nhận ý thức du lịch có trách nhiệm của nhiều du khách Việt khi họ đã góp một phần không nhỏ vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp không khói có những bước tăng trưởng đáng kể như hiện nay. Thế nhưng đâu đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Cuối mỗi năm ngành du lịch lại tổ chức tổng kết đánh giá về những kết quả đã đạt được trong một năm qua cũng như những hạn chế còn tồn tại và câu chuyện du khách thiếu ý thức trong du lịch vẫn luôn là một vấn đề nan giải chưa có hướng giải quyết. Dư luận đã lên tiếng nhưng chuyện đâu vẫn còn đó, yêu cầu đưa du lịch có trách nhiệm vào trong ý thức của mỗi một du khách vì thế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
(Nguồn: QĐND Online)
Ý kiến của bạn
Góc lữ hành khác
- Thú vị lặn biển ngắm san hô trong vịnh Nha Trang
- Đảo Phú Quý (Bình Thuận) - Thiên đường cho môn lướt ván diều
- Philippines: Thiên đường bên biển
- Ruộng bậc thang mùa nước đổ thu hút du khách ở Lào Cai
- Trải nghiệm vẻ đẹp đảo Kyushu – Nhật Bản
- Khám phá khu sinh thái Khoang Xanh - Suối Tiên (Hà Nội)
- Đến Hodota (Bình Thuận) để trải nghiệm những điều thú vị
- Trải nghiệm Tour du lịch dã ngoại “Đà Lạt không ở phố!”
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch