Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Nghề nhuộm ở Trinh Hà (Hoằng Trung)
Nghề nhuộm ở Trinh Hà đã có từ rất lâu đời và cũng do một người gốc Bắc truyền cho bí quyết làm nghề. Nghề nhuộm ở Trinh Hà cũng phân ra nhiều loại:
Nhuộm chàm, nguyên liệu nhuộm được lấy từ cây chàm. Khi cây chàm đã tốt, bà con bứt lá bỏ vào những chiếc thùng đặt cạnh rệ bờ sông và đổ nước vào ngâm. Ngâm đến khi lá mục ra, lấy gậy quấy lên, vừa quấy vừa vớt xương lá ra, quấy đến khi nào mặt nước sóng sánh màu xanh rồi chờ tinh bột lắng xuống. Khi tinh bột đã lắng hết, người dân Trinh Hà tháo nỏ cho nước trong chảy ra và gạn lấy tinh bột. Sau đó, làm cho tinh bột đặc quánh lại rồi mới đem cô để bỏ vào chum. Khi nhuộm chàm, thợ nhuộm múc tinh bột chàm hoà với nước. Tạp chất này tạo ra một loại vi khuẩn tựa như dấm thanh, để tinh chàm cắn vào vải, màu sẽ bền.
Nhuộm thâm, nguyên liệu chính để nhuộm thâm chính là bùn ao. Bùn càng dẻo càng đen thì vải nhuộm càng tốt. Ðể nhuộm thâm, vải, lụa khi mua về phải giặt cho hết hồ rồi nấu nước lá sòi, lá trâm, lá bàng cho thật đặc. Nếu là tơ, lụa thì lá sòi nhiều; nếu là vải thì lá trâm, lá bàng nhiều. Khi nhuộm thì phải nhuộm ba lần, mỗi lần nhuộm xong đem ra thổ lại cho hết bùn rồi lại nhuộm tiếp. Không chỉ có vậy, người thợ nhuộm Trinh Hà còn bỏ vải hoặc tơ lụa trên một hòn lăn nhẵn bóng, dùng vồ đập cho vải đều sợi, láng sợi rồi mới gấp lại đem bán.
Nghề nhuộm ở Trinh Hà nay không còn, nhưng nhân dân cả vùng Hoằng Hoá và Hậu Lộc vẫn còn nhắc đến những người thợ nhuộm ở Trinh Hà đã đem lại cho họ những tấm quần, tấm áo bền màu để dãi dầu cùng sương gió trong những ngày lao động vất vả.
(Nguồn: thanhhoa.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch