Thắng cảnh

Bãi Xàu

Bãi Xàu (thị trấn Mỹ Xuyên) cách thị xã Sóc Trăng 5 cây số về hướng Đông Bắc, là một trong những vùng đất cổ xưa và phát tích rất sớm về tiềm năng kinh tế, văn hóa của tỉnh Sóc Trăng.

Tại Bãi Xàu bên xóm Chợ cũ có nhóm quần thể kiến trúc văn hóa của người Khmer, Kinh, Hoa cùng đòan kết chung sức xây dựng như Đình thờ thần cất năm 1880. 

Chùa Luông Bassac của người Khmer cất năm 1872. Chùa Phật của người Việt cất năm 1875. Chùa Ông Lớn cất năm 1976. Chùa Ba Thắc trùng tu năm 1987. Tại "xóm mới" trong khu vực chợ Bãi Xàu hiện nay còn có chùa Bà Mã Chân cất năm 1892. Chùa Xén Cón cất năm 1901. Miếu hội thờ thần cất năm 1884.... 
Trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của cố học giả Vương Hồng Sển giải thích: Bãi Xàu, địa danh của Sóc Trăng - tên nôm của huyện Phong Nhiêu thời đàng Cựu - thị trấn mua bán lúa gạo lớn trên con sông Mỹ Xuyên, nên gọi làng ấy là Mỹ Xuyên thôn. Sở dĩ bà con ta ngày nay quen gọi là Bãi Xàu, do phiên âm từ tiếng Khmer là srok Bày Chau, dịch nghĩa là sóc "ăn cơm sống" của người Khmer. Ở đây do có 3 tích còn được lưu truyền trong nhân dân.

Tương truyền ngày xưa người Khmer, nhơn chạy giặc, đang nấu cơm nơi đây, bỗng nghe tin giặc kịp tới , nên hối hả ăn cơm sống để chạy nữa và lấy tich đó làm tên gọi. 

Ðàn ngũ âm của ngýời Khmer 

Một tích khác, xưa có đám người vô rừng làm củi, đến chiều, hốt trứng rắn đem về, bỏ trứng vào nước luộc chưa chín thì cặp rắn thần về rượt cả bọn chạy trối chết. Lúc trở lại, lửa tắt queo, trứng rắn thần đã thâu, còn nồi cơm vẫn còn sống nhăn nên gọi Bãi Xàu. Tích rắn rượt để cướp trứng rắn nghe rùng rợn, khiến nhớ công lao khai khẩn đổ mồ hôi nước mắt vật lộn với tử thần rắn độc của người xưa. Nay trên đường từ chợ Mỹ Xuyên đi về Chợ Cũ Bãi Xàu xóm Phước Kiến, có tòa cổ miếu Ba Thắc, sau miếu còn thấy hang rắn và tương truyền đó là cặp rắn hổ ngựa của thần và dân quê mùa sở tại vẫn tin đó là cặp rắn lưu lai của cặp rắn thần đời xưa nhưng đã đi tu nên không thấy nữa. 

Một tích nữa, trong vùng có một giống chim, tiếng kêu nghe như "chích chọt, chích chọt" và đặt tên là chim chích chọt. Người tiều ở đó đặt ra câu hát: "chích chọt, chích chọt khứ Bãi Xàu" vừa nhớ quê hương cũ, vừa nên thơ, khiến người ly hương thất thế chạnh lòng nhớ quê nhà. Chim ấy có người gọi là chim chìa vôi, người khác nói chim quyên. 

Ngày nay Bãi Xàu còn di tích một cái bảo bằng đất, gần khu vực chợ Mỹ Xuyên ngày xưa gọi là chợ Bảo - chỗ công xi nấu rượu nếp và gần đó có nhà máy xay lúa của ông hội đồng Diệp Văn Giáp, còn một nền đất lù lù gần đó là nền cái kho bạc cũ gọi là Khléang , cho ta danh từ Srok Khléang , biến ra tên tỉnh "Sóc Trăng " hiện nay... 

Đoạn tư liệu này của cố học giả Vương Hồng Sển trùng hợp với cuộc khai quật và phát hiện của Khoa Lịch sử trường đại học Sư phạm TP.HCM vào năm 1994 .Tại đây có một khu di tích khảo cổ lớn nằm ở khu vực đền vua, phía sau kho bạc Nhà nước, cả khu vực trên 1000 m2, hiện vật gốm thuộc nhiều giai đoạn khác nhau gồm các loại om, bình, lọ, ống, cống, ché, bát, dĩa... với nhiều kiểu dáng chất liệu và hoa văn khác nhau, những mảnh gốm và hiện vật cổ nhất thuộc giai đoạn văn minh Óc Eo cách ngày nay trên dưới 2000 năm, một báu vật của Sóc Trăng! 

Phát hiện mới này có thể giúp cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn nhận thức rõ hơn tiến trình lịch sử khu vực ĐBSCL, cũng như mối giao lưu kinh tế - văn hóa giữa vùng này với các quốc gia và các khu vực khác trên thế giới: Bãi Xàu, Bai Chhau, Ba Sao, Ba Thắc... không chỉ tiềm ẩn trong nó bao bí mật mà còn giúp cho khoa học giải mã những nghi vấn và biết đâu cả sự thay đổi nhận thức trong khoa học của toàn vùng và cả khu vực. 

Về kinh tế, vào giữa thế kỷ 18, ở Nam bộ đã xuất hiện nhiều thị tứ và tụ điểm buôn bán sầm uất, trong đó có một số đã trở thành những trung tâm thương mại và giao dịch với bên ngoài nổi tiếng như cù lao Phố (tức Nông Nại đại phố ở Biên Hòa), thương cảng Sài Gòn (tức Chợ Lớn ngày nay), thương cảng Hà Tiên, phố chợ Mỹ Tho... Đặc biệt là theo nhật ký của cố đạo Lavavasseur (1769) thì thương cảng Bãi Xàu (tức chợ Mỹ Xuyên ngày nay) cũng được hình thành nơi sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu này mang tên Bassac nằm bên mé sông, đất thấp và nhà cửa lợp lá dừa nước. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán nhiều loại trái cây, rau, gà, vịt, heo... Phần lớn người hoa làm nghề buôn bán. Lúa gạo ở đây thay vì phải chở lên Sài Gòn rồi mới xuất cảng ra ngoài, các thương gia người hoa đã trực tiếp thu mua và bán thẳng cho các ghe buôn từ nước ngoài đến. Cửa sông cạn nên ghe lớn vào ăn hàng phải chờ nước lên mới vào tận cảng. Có lúc, thuyền buôn của người Trung Hoa vào đậu san sát từ 100 đến 150 chiếc để mua gạo và đường... 

Ngày nay vào những thập niên 70, thương cảng Bãi Xàu chính là con sông nằm cặp chợ Mỹ Xuyên, vẫn còn được sử dụng là phương tiện lưu thông chính để mua bán lúa gạo ngon nhất ở miền Tây. Cơ sở này do ông Huỳnh Yến Truyền, người Hoa gốc địa phương làm đại lý hoạt động mua bán cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu lúa gạo cho tổng đại lý xuất khẩu lúa gạo trên Sài Gòn của con cháu ông Mã Hí điều hành. Tại khu vực này lúc bấy giờ có nhiều nhà máy xay lúa, xưởng cưa, công xi rượu, chợ búa, phố chợ... hoạt động kinh tế rất sung túc, sầm uất, phát triển thêm các nghề truyềng thống từ các sản phẩm phụ của lúa gạo như nghề làm bánh tráng xóm Bà Lèo, nghề nuôi heo và quay heo phát triển mạnh nhờ dân địa phương nấu rượu lấy hèm để chăn nuôi... 

Tuy nhiên như đã dẫn ở trên, do con sông Bãi Xàu bị phù sa bồi lắng nên cạn dần... hàng tháng có 2 đợt thủy triều dâng nước lên chợ nhưng sau đó nước rút, lòng sông đầy bùn, ghe xuồng lớn không hoạt động hiệu quả. Từ đó, chính quyền địa phương đã lấp khúc giữa sông Bãi Xàu trên khu vực chợ để xây phố nhà mở rộng thêm khu vực chợ Mỹ xuyên. Ghe xuồng thì tập trung ở kinh đào (đầu kinh tiếp Nhật) Trên đường đi Lịch Hội thượng, cách đấy khoảng 1 cây số. 

Một chợ lớn khác, tiêu biểu cho "thương cảng Bãi Xàu" ngày xưa là chợ Nhu gia ở xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) nhờ có con sông rất lớn và sâu thuận tiện cho ghe xuồng, tàu lớn hoạt động liên tục suốt ngày đêm, là tuyến đường chính ăn thông với các xã huyện nhà, các huyện lân cận và liên tỉnh. Nếu được Nhà nước và chính quyền địa phương từ tỉnh đến Trung ương quan tâm, có kế hoạch qui hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và khai thác đúng mức thì chính con sông Nhu gia giàu tiềm năng kinh tế này có thể mở ra triển vọng là "thương cảng Bãi Xàu" mới của huyện Mỹ Xuyên và của Sóc Trăng xưa và nay nói chung.

(Nguồn: www.saigontoserco.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *