Thắng cảnh
Hang động Pu Sam Cáp
Thiên nhiên đã ban phát cho vùng Tây Bắc những dãy núi cao hùng vĩ, những cánh rừng xanh mát trải dài, những dòng sông, con suối ngày đêm róc rách, rì rầm tuôn chảy… Từ những sự kiến tạo, vận động qua hàng triệu năm, trong các dãy núi đã hình thành nên những hang động kỳ thú mà ít nơi nào có được. Một trong những hang động đó là Pu Sam Cáp nổi lên như một thắng cảnh bậc nhất của Lai Châu.
Từ trung tâm thị xã Lai Châu, đi 6 km về phía tây là tới quần thể hang động Pu Sam Cáp. Quần thể này được bố trí hài hòa gồm 3 hang động lớn là: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Vẻ đẹp nguyên sơ của nó khiến nhiều người ngỡ ngàng. So với các động như Phong Nha (Quảng Bình), Thiên Cung (Quảng Ninh) hay Hương Tích (Hà Nội), Pu Sam Cáp dường như không hề thua kém. Bởi vậy, từ khi được phát hiện ra (tháng 7 năm 2006) quần thể hang động này đã có hàng trăm ngàn lượt du khách tìm đến thưởng ngoạn.
Đường lên động gập ghềnh, khúc khuỷu như muốn gợi trí tò mò khám phá của du khách. Ta có thể bắt gặp ngổn ngang những cây cổ thụ lâu năm, có cây bị gió xô ngã xuống ngang đường, rêu mốc, tầm gửi bám kín. Tất cả như còn nguyên sơ đầy bí ẩn.
Động Thiên Môn hiện ra với vòm cửa lớn, nhìn vào trong hun hút. Mỗi bước đi vào khoảng tối huyền bí đó ta như cảm nhận được hơi mát lạnh từ đá, lời thì thầm khe khẽ của gió. Các cột thạch nhũ mọc lên trên nền hang động trập trùng thấp, cao. Du khách có thể tưởng tượng núi đồi Tây Bắc chỉ trong một tầm đèn chiếu. Từng giọt nước lắng trên đá tí tách nhỏ xuống làm ướt tóc du khách tạo nên cảm giác chơi vơi như bước đi trong cơn mưa đầu hạ. Trong nền hang rộng giữa động, có rất nhiều những viên bi nhũ, kết tinh của hàng triệu năm vận động của những dòng nước chắt lọc từ đá. Viên đứng, viên nằm hoặc chồng lên nhau tạo nên vô số các hình hài vừa quen vừa lạ làm phong phú trí tưởng tượng của du khách. Khi đến trung tâm động Thiên Môn ta ngỡ ngàng bởi vòm hang cao, rộng, phía dưới bằng phẳng. Có thể gọi đây là “nhà hát của tạo hóa”. Lắng lòng mình lại nghe tiếng của gió luồn qua những cột nhũ đập vào vách đá dội lại du dương như tiếng dương cầm. Một chút ánh sáng lộ thiên từ cuối động tạo nên một không gian tương phản sáng tối hư hư thực thực.
Rời động Thiên Môn, tiếp tục nửa tiếng luồn rừng, ta bắt gặp cửa động Thiên Đường. Với những đường nét nguyên sơ, tự nhiên đầy hấp dẫn, Thiên Đường thu vào tầm mắt du khách như một bức tranh sơn thủy. Đường xuống động mang đến cho du khách cảm giác mạnh bằng một sợi dây leo, men theo sườn vách đá. Một không gian tĩnh mịch, thâm nghiêm bao trùm, cảm giác lắng đọng, linh thiêng theo mỗi bước đi. Thiên Đường như một cuộc sống thu nhỏ được tạo hóa ban cho con người. Trí tưởng tượng của du khách được tha hồ bay bổng trước những nhũ đá được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí. Những đường cong uốn lượn dưới chân xuống dần qua trí tưởng tưởng như ruộng bậc thang. Càng đi sâu vào trong, ta như bắt gặp một không gian đa sắc, đa chiều, những giàn nhũ đá rủ xuống như tái hiện một hình ảnh nào đó thân quen của cuộc sống như giàn hoa, vườn rau… Lộng lẫy bốn bề là những cột tháp nhũ trắng trong như những cột thủy tinh sừng sững quanh hồ nước. Và còn bao hình thù kỳ bí khác đưa du khách vào thế giới của sự tưởng tượng phong phú
Mai đây, cùng với sự phát triển của tỉnh Lai Châu, Pu Sam Cap cũng hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng du lịch khám phá, sinh thái với nhiều loại hình du lịch khác như làng bản, lễ hội...
(Nguồn: laichau.tourism.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch