Thắng cảnh
Hang Én
Hang Én (thuộc quần thể Phong Nha-Kẻ Bàng, Quảng Bình) được tạp chí nổi tiếng thế giới National Geographic vinh danh khi chọn ảnh về hang Én vào tốp những bức ảnh đẹp nhất tháng 3.2011.
Hành trình vào hang Én
Con đường vào hang Én đi qua một khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, giữa tiếng chim kêu, vượn hót và bướm bay giập dìu. Lối mòn dẫn xuống thung lũng bản Đoòng đầy cây xanh cỏ lạ. Bốn bề là trường thành đá vôi lừng lững. Đi hết khu rừng nguyên sinh với táu, re, gùa, nhọc…, lội qua con suối nhỏ, phía trước mặt là bản Đoòng của người Vân Kiều sống trong vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng.
Họ là những hộ dân chạy nạn lũ quét năm 1993 từ xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh. Sống giữa vùng lõi như biệt lập. Họ có 6 hộ dân với 21 khẩu do ông Nguyễn Sỹ Toà (63 tuổi) làm trưởng bản, được dẫn dắt cách sống tự cung tự cấp. Bản chỉ có 5 học sinh tiểu học với một người thầy từ xã Xuân Trạch lên cắm bản.
Trận lũ lịch sử tháng 10.2010 cuốn sạch toàn bộ nhà cửa bản Đoòng, họ phải đu bám trên cây suối cả tuần mới thoát chết. Sau lũ, bộ đội biên phòng về động viên lên nơi ở mới cao ráo nhưng người Vân Kiều đã bám rễ lâu rồi không ưng đi. Chính quyền đành dựng lại nhà cho họ trên nền đất cũ, nhưng vẫn không an tâm vì ở giữa chốn rừng hoang vu này dễ bị lũ quét tấn công.
Rời bản Đoòng, hành trình đến với hang Én như gần hơn sau mỗi bước chân chúng tôi. Gần ba giờ lội suối, cái nóng nực như bị xua tan bởi dòng nước mát lạnh của rừng sâu. Từng đàn bướm dập dìu, từng đàn cá tung tăng ngay dưới bước chân càng hứng thú thêm cho việc dấn thân đến với hang Én.
Con suối Rào Thương mềm mại uốn lượn dưới rặng núi đá vôi giữa hai bên tán rừng cổ thụ. Từ xa, nhìn con suối như chui sâu vào núi. Qua hết góc khuất, một cửa vào núi đá hiện ra. Ấy là lối vào của hang Én. Suối Rào Thương tiếp tục uốn lượn ngoạn mục trong hang động.
Cửa vào hang phân thành hai lối bởi một chân đá khổng lồ. Trầm tích của vụn sỏi, cuội thô nằm lăn lóc bên suối. Đá như yên ngủ rất lâu, nó chỉ xáo trộn dưới những bước chân người có mặt ở cửa hang. Hang Én được mô tả lần đầu vào năm 1994 bởi đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh với độ dài 1.645m, nhiều chỗ rộng hơn 170m, và cao đến 120m.
Thật ra hang động này đã được người A Rem biết đến từ hàng trăm năm trước khi tổ tiên của họ lấy hang đá làm nơi sinh sống với phương thức nguyên thuỷ. Hang có hàng chục ngàn chim én sinh sống nên được gọi tên hang Én và người A Rem vào đây sinh sống đã gầy dựng được nét văn hoá đặc sắc của mình là Hội ăn én vào giữa tháng 5 âm lịch.
Hang cao rộng, hàng ngàn tổ én trên chót vót trần hang, người A Rem có kỹ năng là học cách leo các vách đá từ loài vượn và voọc sống ở đó. Họ chặt bốn thanh gỗ nhỏ chắc, tìm các găm vào các hốc đá nhỏ sau đó trèo lên trần hang, cách họ làm được nói là duy trì từ lâu năm, không biết từ khi nào.
Nay người A Rem đã rời hang Én, lên sinh sống tại km 39 đường 20-Quyết Thắng, nhưng đến mùa én họ lại tổ chức Hội ăn én rộn rã núi rừng với lễ cúng bái, cầu xin thần rừng, thần núi, thần hang phù hộ không ngã rớt từ trần hang.
Người A Rem kể rằng: họ xem chúng là bậc thầy leo trèo để học hỏi nhằm lấy én về ăn. Én ở hang Én nhiều như bất tận. Chúng làm tổ trên cao. Một con chim én sinh ra ở hang, khi về già nó cũng tìm về hang Én để táng thân, đó là vòng đời của chúng giữa rừng xanh già cỗi. Những con chim già tuổi, không bay lượn được, giờ phút cuối cùng, chúng chỉ biết rời tổ, chao liệc một vòng, kêu lên tiếng kêu đặc trưng một hơi dài rồi rơi xuống nền hang, va vào thạch nhũ và ra đi. Cách thức sinh tử của én có lẽ chỉ ở đây được chứng tỏ rõ nhất. Cứ vào mùa sinh ở đây, hàng ngàn con nở ra thì cũng có hàng trăm con già đi và chết.
Chiều tà, hàng ngàn hàng vạn cánh én chao liệng ở cửa hang. Tiếng kêu líu ríu của chúng như bản hoà âm giữa rừng xanh tuyệt mỹ, khiến hang động to lớn không hề cô liêu.
Thạch nhũ trong hang không khổng lồ bởi dòng chảy của các dòng lũ bào mòn từ hàng triệu năm qua. Nhưng dòng suối trong hang mới kỳ diệu, nó chảy theo hình chữ S. Dòng chảy của nó như dùng dằng không muốn rời lòng hang kỳ vĩ này. Từ cửa hang, đi chừng một cây số, một lỗ thông hơi với vòng tròn đồng tâm đục thẳng, bay vút lên trời. Ánh sáng của sự sống rọi thẳng vào hang, hàng chục loài thực vật chen lấn để sống. Rồi những loài côn trùng cũng kéo đến chia sẽ không gian nhỏ bé này.
Cửa ra của hang Én là một vòm cửa gần tròn đẹp mê hoặc. Một cánh cửa hùng vĩ lạ kỳ, một cánh cao 83m, rộng 35m đã làm cho đoàn thám hiểm ngỡ ngàng: “Nó thực sự hùng vĩ. Chúng tôi chưa hề thấy một cửa hang nào như thế. Con người quá nhỏ bé trước cửa hang này”. Hang Én như một thế giới thần tiên của kỳ hoa dị thảo. Trước cửa ra của nó là hàng cây cổ thụ cao hàng chục mét. Chúng sừng sững ở đó từ rất lâu. Tuổi của cây không bằng tuổi hang động, nhưng chắc chắn chúng già cỗi ở thượng nguồn là chắn che các trận lũ bớt đi sự ác nghiệt cho vùng hạ du.
Các chuyên gia địa mạo nói nếu không có hang Én, việc thoát lũ ở thung lũng bản Đoòng trở thành nan giải và rất có thể nó trở thành đầm lầy nguy hiểm. Nhưng sư xuất hiện của hang Én đã đưa lại sự sống cả một thung lũng rộng lớn cả trăm héc ta. Vào hang Én, các nhà khoa học cũng nhìn thấy một cách di cư khác của thực vật vào lòng hang. Những hạt mầm của dương xỉ, cây cối khác theo dòng lũ lớn hằng năm vào hang, chúng trôi nỗi theo dòng nước và bám vào các kẻ đá để rồi, khi nước rút, chúng bắt đầu cuộc sinh sôi mới trong hang động một cách ngoạn mục. Với hang Én, Hiệp hội hang động hoàng gia Anh cho rằng, đó là hang động hùng vĩ, một mẫu chuẩn của vận động võ trái đất còn sót lại hàng trăm triệu năm.
(Nguồn: www.quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch