Thắng cảnh
Hồ Tây - lá phổi xanh của Hà Nội
Theo thư tịch thì thế kỷ 11, hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (Đầm mù sương), tới thế kỷ 15 thì đã gọi là Tây Hồ. Hồ còn có tên là Lãng Bạc, trùng với tên nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân của Hai Bà Trưng và quân Hán ở vùng Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh.
Hồ Tây từ lâu lắm đã là thắng cảnh. Thời Lý - Trần, các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, như cung Thúy Hoa thời Lý, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc, cung Từ Hoa thời Lý nay là khu chùa Kim Liên, điện Thuỵ Chương thời Lê nay là khu trường Chu Văn An...
Những ngày sóng yên gió lặng, chơi thuyền Hồ Tây là một thú tao nhã. Nếu làm một cuộc đi dạo quanh hồ thì đồng thời cũng được thăm khá nhiều di tích và thắng cảnh. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân nguồn hoa đào mỗi độ xuân về, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, sang làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ nơi bách quan hội thề thời Lý, làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh nổi tiếng một thời... Và đặc sắc nhất là đền Quán Thánh. Lại còn cả một số công trình nhà ở mới xây dựng bên hồ làm quang cảnh thêm đa dạng.
Cùng với hồ Trúc Bạch, Hồ Tây làm giàu thêm chất thơ ở nội thành Hà Nội, đồng thời cũng làm giàu cho Hà Nội về kinh tế, vì đó là những vựa cá đem lại nguồn thu lớn.
(Nguồn dulichvietnam.com)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch