Thắng cảnh

Khu du lịch Hồ Than Thở

Từ xa xưa, vùng hồ Than Thở ngày nay là một vùng đầm lầy. Vào năm 1937, người Pháp đắp đập ngăn dòng suối Cam Ly, xây dựng hồ chứa nước rộng 8,5ha cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.

Nhận thấy vùng này rất hoang vu, chỉ nghe tiếng gió rì rào qua kẽ lá tạo thành một khúc nhạc buồn, người Pháp mới đặt tên là Lac des Soupirs.


    Soupir có nghĩa là tiếng gió thổi trong rừng (les soupirs du vent dans les bois) nhưng cũng có nghĩa là sự than thở. Vì khó dịch theo nghĩa thứ nhất, người ta đã dịch theo nghĩa thứ hai, do đó hồ mang tên hồ Than Thở.


    Về sau, nhiều câu chuyện được thêu dệt, phổ biến nhất là chuyện Hoàng Tùng - Mai Nương.


    Vào thời Tây Sơn, trước khi lên đường ra trận, Hoàng Tùng dẫn Mai Nương ra bờ hồ tâm tình, hẹn sau khi thắng trận sẽ trở về. Nghe tin thất thiệt Hoàng Tùng đã hy sinh, Mai Nương gieo mình xuống hồ tự vẫn. Về sau, triều đại Tây Sơn sụp đổ, triều Nguyễn trả thù những người tham gia nghĩa quân Tây Sơn, Hoàng Tùng chạy lánh đến bờ hồ và trầm mình. Từ đó, hồ có tên là hồ Than Thở.

Vào lúc bình minh, sương mù bao phủ mặt hồ, tạo nên một bức tranh thuỷ mặc tuyệt đẹp, nên sau năm 1975 hồ Than Thở có lúc mang tên hồ Sương Mai.

Hồ Than Thở nằm ở phía đông bắc thành phố Đà Lạt, ven đường Hồ Xuân Hương, gần khu phố Lâm Viên và Thái Phiên, cách khu Hoà Bình 5,8km.

Từ khu Hoà Bình đến hồ Than Thở, xe chạy qua các đường Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản, Yersin, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Hồ Xuân Hương.

Hồ Than Thở là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở Đà Lạt do tên gọi khá hấp dẫn và cảnh quan quanh hồ. Tạp chí Indochine (Đông Dương) số 28 ra ngày 13-3-1941 chọn ảnh hồ Than Thở làm ảnh bìa.

Sau một thời kỳ khu rừng thông quanh hồ bị đào bới để khai thác thiếc, năm 1995, hồ Than Thở được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuỳ Dương quản lý, đầu tư, khai thác, kinh doanh du lịch. Công ty đã tôn tạo khu vực hồ Than Thở thành một công viên giải trí với đồi thông tuyệt đẹp, bồn hoa, thảm cỏ chăm sóc công phu. Năm 2003 , Công ty cho dời những hàng quán sát bên lề đường hồ Xuân Hương đến một địa điểm mới trên đồi thông, khang trang, rộng rãi hơn.

Đến khu du lịch hồ Than Thở, du khách dạo chơi dưới rừng thông, cưỡi ngựa, đi trên chiếc cầu bê-tông giả gỗ, chụp ảnh, đi xe đạp nước, cắm trại,… Du khách còn có thể đến đồi thông phía bên kia đường (thường gọi là Đồi thông hai mộ), thăm mộ chị Nguyễn Thị Thảo, mất năm 1956, thông cảm cho mối tình dang dở.

(Nguồn: www.lamdong.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *