Thắng cảnh
Khu du lịch thác Prenn
Khu du lịch thác Prenn nằm sát ngay bên cạnh quốc lộ 20, dưới chân đèo Prenn, gần cửa ngỏ vào thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km về hướng nam.
Ngày xưa, phía trên thác Prenn có buôn Prền nên thác mang tên gọi phổ biến là Prenn. Người Lạch gọi thác Prenn là Liang Tarding.
Thác Prenn cao 9m, rộng 20m, nằm trên dòng suối Prenn (Da Prenn). Từ trên cao, nước đổ qua một vòm đá huyền vũ (bazan), rơi xuống trải đều như một bức rèm trắng xoá đẹp tựa như mái tóc của nàng tiên.
Du khách đến tham quan thác Prenn thích thú đi qua chiếc cầu nhỏ bắc phía sau thác, để mặc cho bụi nước tung toé bám vào người, mang lại một cảm giác sảng khoái đặc biệt - cảm giác của con người hoà mình với thiên nhiên.
Đường xuống thác quanh co tựa sát sườn núi rợp bóng cây.
Trong những năm 1960, thác Prenn có một vườn thú nhỏ với voi, cọp, gấu, hươu, nai, khỉ, trăn, công,…
Hiện nay, Khu du lịch thác Prenn rộng 160ha, trong đó rừng thông và rừng nguyên sinh chiếm 90% diện tích, đã được Công ty cổ phần dịch vụ du lịch tôn tạo, xây dựng cáp treo tự hành xuyên thác, cầu mây treo qua suối, nhà sàn, chòi trên ngọn cây, phòng tranh thêu lụa, quầy hàng lưu niệm, tổ chức biểu diễn nhạc dân tộc Tây Nguyên, bơi thuyền thể thao, các trò chơi dân tộc,… Nhà hàng phục vụ khách hàng theo yêu cầu, đặc biệt món cháo cá.
Ở phía đông thác Prenn có quần thể đền thờ Âu Lạc thờ vọng các vua Hùng toạ lạc trên một ngọn đồi có thế “voi phục, hổ quỳ”. Đây là mô hình du lịch mới: du lịch sinh thái kết hợp với trở về cội nguồn dân tộc.
Đền thờ được khánh thành ngày 10 tháng 3 năm Giáp Thân (2004) gồm có: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng phỏng theo các ngôi đền thờ ngoài đất Tổ ở Phú Thọ.
Từ thác Prenn, du khách có thể đi bộ hay thuê xe UAZ chạy trên con đường ngoằn ngoèo đến đền Hạ, rồi đi bộ lên đền Trung, đền thờ thần lúa và đền Thượng. Đất, nước, bát nhang thờ trong đền đều được xin về từ đền Hùng. 100 viên đá tượng trưng cho 100 quả trứng mang từ Ninh Thuận lên được đặt bên tượng đài Lạc Long Quân - Âu Cơ.
Gần đền Thượng có Giếng Ngọc, nước rất trong và một tảng đá to có hình thù cái chiêng, phát ra âm thanh như tiếng chuông.
Đứng trên đền Thượng, du khách phóng tầm mắt nhìn về núi Voi tận hưởng phong cảnh hữu tình của vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt.
Từ đền Thượng, du khách bước xuống hàng trăm bậc cấp đến công viên Âu Lạc.
Hằng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Đà Lạt tổ chức trọng thể lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương với nhiều tiết mục văn hoá đặc sắc: hát quan họ Bắc Ninh, múa xoè của người Thái, biểu diễn cồng chiêng của người Cơ Ho,…
(Nguồn: www.lamdong.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch