Thắng cảnh
Làng biển Mỹ Long
Cồn Nghêu là cồn cát mới nổi giữa cửa biển Cung Hầu, cách bờ biển Mỹ Long Nam chừng 3 cây số. Khi thủy triều lên, cả cồn cát chìm trong biển nước nhưng khi nước ròng sát hàng trăm hecta bãi cát nổi lên giữa nắng gió. Người dân Mỹ Long tận dụng cồn cát trời cho này thành bãi nuôi nghêu cho năng suất cao, sản lượng lớn. Tuy phải phụ thuộc vào thủy triều nhưng khách du lịch vẫn ưa thích đến với Cồn Nghêu để được sống giữa biển trời và thưởng thức món nghêu luộc do tự tay mình bắt lấy. Cồn Bần là cồn đất phù sa kết tụ mới nổi giữa cửa biển Cung Hầu, cách Cồn Nghêu chừng 5 cây số về phía thượng nguồn, cách bờ biển Mỹ Long Bắc chừng 2 cây số. Cả cù lao có diện tích hơn 200 hecta là một bãi rừng bần nguyên sinh hoang sơ và còn chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên.
Trên tán bần quanh năm xanh mát là nơi trú ngụ ưa thích của bao loài chim muông, thú rừng. Dưới cội bần ngâm chân trong nước là môi trường cư trú tự nhiên của bao loài thủy sinh có giá trị phục vụ cuộc sống con người và tái tạo nguồn lợi thủy hải sản ven bờ. Xen lẫn trong rừng bần, nơi những cuộc đất cao ráo, những người nông dân yêu lao động, thích sống cuộc đời tự do, cá nước chim trời, bằng chính đôi tay và sức lực của mình, ngày đêm lấn biển mở rừng, dựng nhà lập ấp.
Đến với Cồn Bần là đến với vùng rừng sinh thái ngập mặn tiêu biểu của Trà Vinh và du khách có thể tận mắt mình chứng kiến quá trình khai hoang mở cõi của cha ông xưa bằng chính những công việc hàng ngày của những cư dân tiên phong ngày nay trên đất cồn bãi. Mỹ Long là ngôi làng cổ ven biển với những di tích lịch sử gắn với giai đoạn “Gia Long tẩu quốc” như Bến Ngự, Bãi Bùn… cùng nghề truyền thống đóng đáy hàng khơi và lễ hội Nghinh ông nổi tiếng. Mỹ Long cũng là vùng đất giàu truyền thống, là một trong những chiếc nôi thiêng của phong trào cách mạng vô sản tỉnh Trà Vinh.
(Nguồn: travinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch