Thắng cảnh

Sa Huỳnh

Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc huyện Đức Phổ, cách thị xã tỉnh lỵ 60 km. Sa Huỳnh là bãi biển đẹp, nổi tiếng là vựa muối quan trọng ở miền Trung. Bãi biển Sa Huỳnh nằm sát quốc lộ 1A, ở km 985, có ga xe lửa Sa Huỳnh, cho nên từ Hà Nội vào hay từ thành phố Hồ Chí Minh ra, du khách có thể dừng chân ghé lại đây rất thuận lợi. Địa danh Sa Huỳnh phải viết cho đúng là Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh thật đẹp. Sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn sơ.

Bến cá Sa Huỳnh Bãi biển Sa Huỳnh chạy dài đến năm, sáu km, cong cong hình lưỡi liềm. Đáy biển thoai thoải, không có bãi đá ngầm, có thể là những bãi tắm lý tưởng đối với du khách đến đây nghỉ hè, vui chơi và tắm biển. Ngoài ra, Sa Huỳnh còn có thắng cảnh ghềnh đá Châu Me, Đảo Khỉ… thu hút du khách vào các ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ tết. Để phục vụ khách du lịch, ngành du lịch Quảng Ngãi còn xây dựng tại đây khách sạn Motel Sa Huỳnh để đón khách đến nghỉ ngơi, an dưỡng.  Từ lâu, Sa Huỳnh được biết đến như là di chỉ khảo cổ học với “Văn hóa Sa Huỳnh “. Đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học người Pháp như Vinet, Labare, Colani đã phát hiện ở Sa Huỳnh hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa cổ xưa bị chìm khuất dưới lòng đất qua thời gian dài lịch sử. Các kết quả khai quật được nghiên cứu và kết luận, dải đất từ Đèo Ngang cho đến Đồng Nai (Nam Bộ) lên cả Tây Nguyên, từ sơ kỳ đồng thau cho đến sơ kỳ sắt đá nơi hiện diện một nền văn hóa độc đáo của nhân loại và được định danh bằng khái niệm “Văn hóa Sa Huỳnh”'. Những gò Ma Vương, gò Điều Gà … là những nơi có nhiều dấu tích của nền văn hóa Chăm pa, từ lâu đã thu hút nhiều du khách đến tham quan và nghiên cứu. Sa Huỳnh đã đi vào lịch sử nước nhà, là nơi mà hơn 500 năm trước, đoàn quân nam chinh của vua Lê Thánh Tông dừng chân lại đây nghỉ ngơi và luyện tập, biên chế thành đội ngũ trước khi tiến đánh cửa Thị Nại và kinh thành Đồ Bàn. Sa Huỳnh trở thành hải tấn quan trọng thời nhà Nguyễn để canh phòng mặt biển. Đến khi người Pháp đến xâm lược đất nước ta, mở tuyến đường sắt bắc - nam, lại cho xây dựng ga xe lửa Sa Huỳnh để vận chuyển muối từ Sa Huỳnh đi các nơi khác. Sa Huỳnh qua bao lần biến đổi đã trở thành nơi nghỉ mát, du lịch hè lý tưởng. Sa Huỳnh có đủ các món ngon đặc sản biển nhưng hấp dẫn nhất là món mắm nhum và cua huỳnh đế. Người Sa Huỳnh có câu: “Giàu chất của kho, nghèo lo hủ mắm”. Con nhum (cầu gai) đã hiếm và chỉ bắt theo mùa. Còn mắm nhum thì hiếm hơn. Mắm nhum Sa Huỳnh nổi tiếng cả nước, thời nhân Nguyễn, vua Minh Mạng hạ lệnh hằng năm địa phương phải “tiến” về kinh đô 12 cân mắm. Mắm nhum thời đó trở thành “mắm tiến”. Sau mắm nhum là cua huỳnh đế. Đây là giống cua to con, cân nặng cả ký, toàn thân có màu đỏ gạch. Đã đặt chân đến Sa Huỳnh, du khách khó quên món cua luộc chấm muối. Mỗi người chỉ ăn vài con cũng đủ no nê. Khách có thể chọn vài xâu cua còn tươi rói mang về làm quà cho người thân. Sa Huỳnh còn là vựa muối lớn ở miền Trung, chẳng thua kém gì muối Cà Ná và muối Hòn Khói. Diện tích các cánh đồng muối ở đây chiếm gần 500 ha và hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn tấn muối có chất lượng tốt. Muối Sa Huỳnh từ lâu có mặt khắp các thị trường miền Trung và Tây Nguyên, và dùng nhiều trong công nghiệp chế biến thực phẩm tiêu dùng. Từ làng chài nghèo nàn và hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay đã trở thành một thị tứ nho nhỏ, xinh xinh nằm ẩn mình dưới hàng dương rủ bóng thướt tha và rừng dừa thơ mộng, là nơi mà ai đã đến một lần thì thông thể quên, không những vì cuộc mưu sinh ở đây dễ dãi mà còn vì tình cảm con người ở đây mộc mạc và thiết tha: Ngó ra ngoài bãi cát vàng, Cát bao nhiêu hạt, thương chàng bấy nhiêu Ngay cả như nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời đã có một lần đến Sa Huỳnh, như đã cảm nhận được vẻ đẹp của đất, trời, biển nước ở đây và đã thốt lên: Hỏi mình biển đẹp vô ngần, Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh

(Nguồn: www.quangngai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *