Thắng cảnh
Sân chim Vàm Hồ
Chúng tôi đến sân chim Vàm Hồ vào buổi trưa trong cơn mưa rừng lác đác, mở cổng tiếp chúng tôi là anh Bùi Văn Vui, Phó đội trưởng Đội bảo vệ sân chim Vàm Hồ. Anh mời chúng tôi vào một căn chòi lá được cất lên để anh em có chỗ trú mưa nắng. Loay hoay lau cái bàn tròn bằng gỗ còn thấm nước, từng ly trà nóng được anh mang lên, giúp chúng tôi thấy ấm áp hơn.
Anh Vui cho biết, công tác bảo vệ sân chim được triển khai hết sức nghiêm ngặt để đề phòng chúng bị bắt trộm. Lực lượng bảo vệ kết hợp cùng công an xã và dân quân tự vệ tuần tra 24/24 giờ nên tình trạng săn bắt chim trái phép được hạn chế rất nhiều. Việc tuần tra thường vào thời điểm quan trọng nên anh em phải thức đêm và thường ẩn sâu trong sân chim. Trong công tác phòng cháy chữa cháy, UBND huyện Ba Tri cũng cung cấp cho đội thiết bị máy móc, đường ống dẫn nước, nên việc phòng cháy chữa cháy được anh em xem trọng, các thành viên trong đội thường xuyên luyện tập để khi có sự cố xảy ra thì kịp thời ứng phó.
Trò chuyện cùng anh Vui khá lâu, chúng tôi được anh tận tình làm hướng dẫn viên đưa đi sâu vào sân chim tham quan. Do cơn mưa vừa đi qua nên con đường lầy lội, chúng tôi phải xắn quần đến tận gối để đi sâu vào bên trong. Loài thực vật chủ yếu ở đây là dừa nước, bạch đàn. Các loại cây hoang dại như nhãn lòng, quao nước, sậy, ô rô mọc thành rừng. Càng vào sâu bên trong sân chim, hiện ra trước mắt chúng tôi là hệ thống kênh rạch chằng chịt, tôm, cá nhiều vô kể. Chủ yếu là cua, tôm đất, cá bống kèo.
Ông Phạm Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: “Sân chim Vàm Hồ được chia làm hai khu và 4 tổ. Chim thường về sinh đẻ nhiều nhất ở khu 1. Sau khi sinh đẻ và dứt mùa mưa chim bay đi”. Theo ông Thắng, chính quyền địa phương cũng có kế hoạch chia cắt, phân lô để dễ chữa cháy khi có hoả hoạn xảy ra trong mùa khô và thường xuyên thông tin để người dân không săn bắt chim, cò cũng như các động vật khác trong sân chim.
Thảm thực vật ở Vàm Hồ là sự kết hợp giữa rừng ngập nước và rừng nhiệt đới. Cách đây khoảng 4 năm, để bảo vệ an toàn sân chim Vàm Hồ, tỉnh Bến Tre đã ngừng khai thác các dịch vụ du lịch. Ông Thắng cho biết, một dự án làm hàng rào bảo vệ rừng, nạo vét kênh mương và các hạng mục khác đang được tiến hành triển khai. “Giữ lại một mảnh rừng, chắc chắn cũng là việc nên làm của chúng ta dành cho thế hệ mai sau”, ông Thắng nói.
(Nguồn: KTNT)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch