Thắng cảnh

Thác Pác Ban

Vị trí: Thác Pác Ban nằm giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, thuộc địa phận thôn Nà Pài, xã Vĩnh Yên, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, cách thị trấn Nà Hang 4km.
Đặc điểm: Thác Pác Ban hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ vĩ tựa như một dải mây trắng giữa rừng đại ngàn. Thác đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là thắng cảnh quốc gia năm 2006.

Từ Hà Nội đi xe Tuyên Quang - Na Hang theo quốc lộ 2 khoảng hơn 160km là đến với thác Pác Ban. Trước đây, nếu muốn vào thác, bạn phải đi vòng phía tả ngạn sông Gâm chừng 4km, sau đó, đi thuyền trên hồ nước trong xanh, ngắm cảnh non nước hữu tình và rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú xung quanh. Hoặc cũng có thể men theo con đường nhỏ quanh co dưới chân núi qua những cây cầu tre xinh xắn để đến thăm thác... Còn bây giờ, khi đập thuỷ điện Tuyên Quang đã được xây dựng xong, nước tích thành hồ rộng mênh mông và con đường vào thác thuận lợi nhất là đi thuyền thẳng từ đập thuỷ điện vào tới tầng thác thứ hai.

Đến với thác Pác Ban, du khách có thể đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên trong trẻo, lắng nghe tiếng thác đổ và tiếng hót của chim rừng, mơ màng nghe kể về huyền thoại của thác.

Tương truyền rằng, làng Pác Ban xưa có bà then rất giỏi, đã ba lần bà chữa khỏi bệnh cho thuồng luồng - con trai vua Thuỷ Tề. Để trả công cho bà, vua Thuỷ Tề đã tặng 3 túi đựng vàng, bạc, ngọc trai, đồng thời cho đắp một cái phai và đào một cái ao ở khu vực này. Phai đó nay gọi là phai Hin, hay còn gọi là Đập Đá; còn chiếc ao ở phía trong lòng hồ gọi là Thôm Phạ - nghĩa là “ao Trời”. Trong lần đào ao, con gái vua Thuỷ Tề đã theo đàn thuồng luồng lên trần gian. Nàng gặp một chàng trai nghèo nhưng khoẻ mạnh, đẹp trai, sống bằng nghề đốn củi.

Hai người đem lòng yêu mến nhau và cùng sống ở gần ao. Vào năm trời hạn hán, dân làng Pác Ban lấy một quả bí đỏ và cắm một con dao cùn vào, bỏ xuống vũng nước giả làm quân thuồng luồng cổ đỏ đánh nhau với thuồng cổ trắng để cầu mưa. Mưa lớn như trút, kéo xác thuồng luồng cổ đỏ và con gái vua Thuỷ Tề biến mất. Chàng trai đốn củi mất vợ than khóc đêm ngày. Tình yêu thương mãnh liệt của chàng trai trẻ khiến nước mắt chàng chảy thành thác Pác Ban.

Thác Pác Ban còn có tên gọi khác là thác Tát Tốc (tiếng Tày có nghĩa là thác Rơi) nằm ở độ cao khoảng 700m so với mực nước biển, phân cấp thành chín tầng (năm tầng thác lớn, bốn tầng thác nhỏ).

Thác Pác Ban bắt nguồn từ Bó Nặm (mỏ nước), dồn từ nhiều khe nhỏ chảy ngầm qua 3 hang Nậm Pan, Nậm Chang rồi đến Bản Chủ và bất ngờ lộ ra thành dòng nước lớn. Vào mùa mưa, nước từ đỉnh thác chảy xối xả thành dòng trắng xoá. Mùa khô, thác trở nên hiền dịu với nhiều tầng nước chảy mềm mại trên những phiến đá xanh rêu phủ mượt như những tấm thảm. Khi có những tia nắng xuyên qua tán lá rừng chiếu xuống, dòng nước trở nên lung linh huyền ảo.

Tầng thác thứ nhất, thứ hai có độ cao khoảng từ 10 đến 15m, chiều rộng khoảng 20m. Đây là hai tầng thác có dòng chảy lớn, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ. Tầng thác thứ ba, thứ tư có độ cao khoảng từ 10 đến 12m, chiều rộng khoảng 15m. Hai bên thác, trên các phiến đá là những khóm cỏ xanh, những cây phay, cây ôzô cổ thụ ngả bóng tạo nên một màu êm dịu khiến du khách có thể cảm nhận, hoà mình vào khung cảnh thiên nhiên mơ mộng.

Đến tầng thác thứ năm, địa hình đột ngột phân cấp, dòng thác chia thành hai nhánh chảy xuống một trũng nước sâu khoảng 3m, rộng 20m có chiều dài từ 10 đến 15m. Bên trong là một hang động rộng khoảng 4m, sâu 6m có nhiều nhũ đá tuyệt đẹp.

Tầng thác thứ sáu, thứ bảy thấp và hẹp hơn các tầng khác một chút. Tầng thác này được chia thành hai dòng chảy, một dòng chảy nối tiếp với các tầng thác phía dưới và một dòng chảy qua cánh rừng nguyên sinh.

Nếu có thời gian du khách còn có thể thăm quan khu bảo tồn thiên nhiên Nà hang có độ che phủ của rừng trên 83%, với thảm thực vật phong phú, hơn 100 loài, trên 300 loài động vật quý.

Khi chiều xuống, bạn có thể ghé thăm các bản người Tày, người Dao với những ngôi nhà sàn gỗ mái lợp lá cọ, ngắm nhìn các chị, các cô tay thoăn thoắt cán bông, xe sợi và dệt thổ cẩm, lắng nghe những làn điệu then, sli, lượn, thưởng thức món ăn cơm lam muối vừng, rau rừng, canh đắng, cá dầm xanh, anh vũ và rượu ngô nấu bằng men lá nổi tiếng đất Tuyên Quang...

(Nguồn: dulichvietnam.com.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *