Thắng cảnh

Vườn quốc gia Xuân Thủy

Vườn quốc gia Xuân Thủy cách Hà Nội 150 km về phía Đông Nam, là khu bảo tồn dự trữ sinh quyển đất rừng ngập mặn. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.

VQG Xuân Thủy được nâng cấp từ Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy theo quyết định số 01/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 2 tháng 1 năm 2003.

VQG Xuân Thủy nằm ở phía Đông Nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, ngay tại cửa Ba Lạt của sông Hồng. Khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên ba cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lu và cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của Vườn nằm trên địa phận các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn.

Hàng năm có tới khoảng 100 loài chim di cư chọn nơi đây là điểm lưu trú trên đường di cư về phương Nam trú đông, trong đó có tới 1/5 số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới. Tại Vườn ước tính có 215 loài chim nước sinh sống, tiêu biểu như: Cò thìa, Rẽ mỏ thìa, Choắt chân vàng, Mòng bể đầu đen, Giang Sen, và Choắt chân màng lớn...

Trên vùng đất ngập mặn này, dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật.

Về thực vật, Vườn hiện có 120 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao.

Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo hấp dẫn khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là vào mùa đông- mùa chim di trú từ phương Bắc.

(Nguồn: dulichnamdinh.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *