Tin đào tạo du lịch

Đánh giá nhu cầu đào tạo ngành Du lịch

Nhằm cung cấp thông tin cập nhật về nhu cầu đào tạo nghề du lịch của các đối tượng liên quan trong ngành Du lịch tại Việt Nam, từ đó tìm ra các xu thế và nhu cầu đào tạo nghề mới để bổ sung cho “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam”, Dự án EU đang tiến hành chương trình khảo sát “Đánh giá nhu cầu đào tạo du lịch” trên phạm vi toàn quốc.

 

Việc triển khai nghiên cứu, điều tra kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7/2013, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng các cán bộ của Tổng cục Du lịch, các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.

 

Mục tiêu của việc nghiên cứu nhu cầu đào tạo

 

Chương trình khảo sát Đánh giá nhu cầu đào tạo Du lịch sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo tại các lĩnh vực nghề chính của các đơn vị kinh doanh lưu trú, lữ hành, các cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh, các trường đào tạo nghề du lịch và các đơn vị kinh doanh khác có liên quan đến lĩnh vực du lịch như nhà hàng, vận chuyển, cơ sở chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, sản xuất và bán đồ thủ công mỹ nghệ... Chương trình khảo sát sẽ giúp xác định một cách toàn diện các yêu cầu và nhu cầu đào tạo nghề du lịch đối với những kỹ năng nghề then chốt cần phải có cũng như những xu thế kỹ năng mới cần phải đáp ứng trong tương lai để thỏa mãn nhu cầu khách du lịch quốc tế và nội địa.

 

Trọng tâm khảo sát bao gồm các nội dung: Cấu trúc lao động du lịch hiện nay; thông tin nhân viên du lịch hiện có tại đơn vị; Mức độ quan tâm và đầu tư vào công tác đào tạo của đơn vị; Những khoảng trống và nhu cầu kỹ năng nghề của nhân viên hiện nay so với yêu cầu công việc; Những khoảng cách về kỹ năng của sinh viên các trường trung học, đại học du lịch sau khi tốt nghiệp so với yêu cầu từ doanh nghiệp; Sự biến động nhân sự và tuyển dụng; Các tiêu chí tuyển dụng; Các nhu cầu mới, đặc thù về kỹ năng nghề, lĩnh vực nghề cần có trong tương lai.

 

Du lịch là một ngành luôn có nhiều thay đổi, do vậy, việc nghiên cứu xa hơn những nhu cầu kỹ năng hiện tại, tìm hiểu nhu cầu về kỹ năng mới xuất hiện và mới nổi lên trong ngành du lịch là điều hết sức quan trọng, đặc biệt ở các lĩnh vực du lịch mới như du lịch Thể thao, giải trí, du lịch Hội nghị Hội thảo, du lịch mạo hiểm, du lịch spa và chăm sóc sức khỏe, thương mại du lịch điện tử. Tất cả những lĩnh vực này đều đòi hỏi các kỹ năng nghề mới, năng động, nhưng lại thường bị bỏ qua trong các chương trình đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng hiện nay. Vì thế, nghiên cứu sẽ tiến hành điều tra các lĩnh vực kỹ năng nghề mới nổi lên trong quá trình hình thành các lĩnh vực du lịch mới tại Việt Nam.

 

Kết quả của đánh giá nhu cầu đào tạo

 

Sau khi hoàn tất, nghiên cứu sẽ cung cấp một bức tranh về hiện trạng các kỹ năng và nhu cầu đào tạo của ngành Du lịch Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và những địa phương trọng điểm về du lịch, giúp xác định được các khu vực, ngành nghề đang yếu kém, thiếu kỹ năng và tuyển chọn, nhận dạng được các “điểm đen” - tức là các lĩnh vực thiếu kỹ năng trầm trọng.

 

Bên cạnh đó với việc phân tích các dữ liệu thu thập được, chương trình đánh giá cho phép xác định được các nhu cầu đào tạo chủ yếu đối với những vị trí công việc, nghề cơ bản trong ngành Du lịch. Không những thế, nó còn cho phép các chuyên gia chỉ ra các yêu cầu về các kỹ năng mới và kỹ năng mới nổi trong lĩnh vực du lịch, nhất là các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với các ngành nghề du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, và bao gồm cả nhu cầu tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực du lịch của phụ nữ và lao động thuộc nhóm dân tộc ít người. Với các thông tin bổ ích từ chương trình khảo sát, các cơ sở đào tạo, các trường đại học, cao đẳng về du lịch sẽ thuận lợi hơn trong việc cập nhật chương trình đào tạo của mình để phù hợp với nhu cầu xã hội, và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có cơ sở sát thực để bổ sung những định hướng, những kế hoạch hành động cho “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Du lịch” quốc gia.

Kết quả nghiên cứu cũng sẽ giúp các đối tác chính trong ngành du lịch hạn chế được sự không phù hợp về kỹ năng nghề hiện đang là vấn đề mà sinh viên du lịch sau khi tốt nghiệp gặp phải, đảm bảo cho ngành du lịch có thể tuyển dụng một đội ngũ nhân viên có chất lượng, nhiệt tình, thành thạo kỹ năng, tạo khả năng cho Việt Nam hoạt động một cách hiệu quả trong môi trường cạnh tranh cao về thị trường lao động du lịch trong khu vực ASEAN sau 2015.

(
Nguồn: esrt.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *