Tin đào tạo du lịch

Đánh giá nhu cầu đào tạo trong ngành du lịch

Ngày 5/3, tại thành phố Huế đã diễn ra hội thảo tham vấn ý kiến đánh giá nhu cầu đào tạo trong ngành du lịch do tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức.
Theo kết quả khảo sát của ILO về nhu cầu đào tạo du lịch tại các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị du lịch cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Thừa Thiên - Huế vẫn là địa phương thiếu chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực; chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị du lịch làm quản lý nhà nước trên địa bàn còn thiếu kinh nghiệm thực tế; hoặc tất cả các cơ sở đào tạo nghề không có khả năng đào tạo liên tục để duy trì, nâng cao năng lực giáo viên; số lượng khóa học còn hạn chế và thiếu liên kết với doanh nghiệp...

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành, khách sạn và các cơ sở đào tạo đã nêu những hạn chế của nguồn nhân lực hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp như: tạo cơ chế hợp tác giữa các trường đào tạo và doanh nghiệp; các giáo viên đào tạo nghề du lịch phải đi thực tế ở các doanh nghiệp để nâng cao tay nghề; đào tạo chuyên sâu kiến thức về văn hóa - lịch sử của Thừa Thiên - Huế cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho đội ngũ phục vụ du lịch...

Trường cao đẳng nghề du lịch Huế gần đây đã đổi mới phương thức đào tạo, ký hợp đồng hợp tác đào tạo với công ty cổ phần đào tạo - du lịch Hoàng Long (thành viên chính thức của Hiệp hội Du lịch Việt Nam) với nội dung: nhà trường đào tạo, cấp bằng - doanh nghiệp bồi dưỡng kỹ năng mềm, kỹ năng mới trong hoạt động thực tiễn của ngành du lịch, bố trí thực tập và tiếp nhận học sinh - sinh viên sau tốt nghiệp vào làm việc tại các cơ sở của công ty Hoàng Long và các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Hình thức đào tạo có địa chỉ này cần được mở rộng, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng.

Theo điều phối viên ILO, tại Thừa Thiên - Huế hiện nay, ngoài lao động còn thiếu trong các doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, thì việc làm cho thanh niên nông thôn gắn với du lịch ở một số vùng quê cũng cần được chú trọng đúng mức. Đây vừa là cách để nâng cao sinh kế cộng đồng địa phương trên một số kinh nghiệm sẵn có ở mỗi vùng nông thôn; vừa nâng cao tính cạnh tranh và cung cấp đội ngũ lao động thanh niên nông thôn về du lịch chất lượng cao và quan trọng nhất là tạo việc làm cho lớp trẻ ở nông thôn.

(
Nguồn: TTXVN)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *