Tin du lịch
Độc đáo công viên tượng cát Forgotten Land
Du khách đến với Công viên Tượng cát Forgotten Land đều ngỡ ngàng trước những bức tượng cát tuyệt đẹp và quyến rũ như đang lạc vào một thế giới cổ tích với những câu chuyện huyền bí. Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Vietsandart (đơn vị thực hiện công viên) cho biết, tượng cát Forgotten Land được làm từ 100% cát tự nhiên và nước, không pha trộn bất cứ nguyên vật liệu hay phụ gia nào khác. Để hoàn thành tác phẩm tượng cát, các nhà điêu khắc sử dụng những phương pháp và kỹ thuật riêng để cát không bị khô và không bị bay khi gặp nắng và gió lớn. Tại công viên này, lần đầu tiên kỹ thuật ép cát thành khối được các nhà điêu khắc thực hiện ở Việt Nam. Nhờ sự nén chặt của cát và nước và đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân điêu khắc, những khối cát sẽ trở thành các tác phẩm nghệ thuật sống động.
“Công viên tượng cát Forgotten Land có quy mô 2 ha với hơn 30 tượng cát do 20 nghệ nhân là những nhà điêu khắc chuyên nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Việt Nam… sáng tác. Để tạo ra điều mới lạ thu hút du khách, các bức tượng ở công viên được thay đổi liên tục. Mỗi bức tượng từ khi khởi công cho đến lúc hoàn thành mất khoảng 12 ngày”, ông Tuấn cho biết.
Trong số các tượng cát ở công viên có một số tượng cát thể hiện chủ đề liên quan đến những câu chuyện cổ tích của Việt Nam như Sơn Tinh - Thủy Tinh, Cóc kiện trời; Sự tích Thạch Sùng... hoặc các câu chuyện ngụ ngôn như thỏ và rùa, trâu và cóc, cáo và quạ, châu chấu và kiến...
Bên cạnh đó, công viên còn có các tượng cát mô phỏng các kiến trúc cổ Việt Nam như chùa Thiên Mụ, tháp Bà PôNagar, tượng chân dung nhà văn Pháp Charles Perrauit (tác giả các truyện cổ tích như Cô bé lọ lem, Chú mèo đi hia, Công chúa ngủ trong rừng…) chân dung tác giả Homer (sáng tác truyện thần thoại Hy Lạp)…
Nhà văn Hồ Xuân Hải, công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận cho biết: “Khi ngắm những bức tượng cát nơi đây, các bạn sẽ vô cùng thích thú, bởi sự tinh tế của những bàn tay tài hoa đã phác họa lại những câu chuyện bằng chính tượng cát. Chỉ nhìn vào những bức tượng cát, các bạn như được chính những bức tượng cát đó tự kể chuyện cho bạn nghe”. Theo nhà văn Hồ Xuân Hải, điều đặc biệt là những bức tượng cát đều thể hiện được chiều sâu văn hóa. Các nghệ nhân tạc tượng tại công viên này, họ có vốn kiến thức văn hóa dân gian phong phú, chính sự hiểu biết đó đã được thể hiện rất rõ nét, sinh động trên các tác phẩm tượng cát của họ. Cụ thể, như bức tượng Sơn Tinh - Thủy Tinh là cả một câu chuyện về đấu tranh chống lại thiên tai, bão lụt của nhân dân nước Đại Việt. Hay, bức Tượng cát “Lạc Long Quân và Âu Cơ” ghi lại huyền sử hình thành dân tộc Việt, con cháu Việt Nam đều có nguồn gốc từ Rồng và Tiên với biết bao tự hào…
Từ những hạt cát, các nhà thiết kế, nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật đã tạo nên một công viên tượng cát đặc biệt, sự đặc biệt từ tự nhiên không trộn lẫn, cho đến sự sâu sắc đậm đà từ các nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới.Nguồn: Báo Văn Hóa
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch