Tin du lịch
Bảo đảm tính chuyên nghiệp trong phát triển du lịch mạo hiểm
An toàn đang bị bỏ ngỏ
Trên thế giới, du lịch mạo hiểm được coi là "con cưng" của "ngành công nghiệp không khói" bởi nguồn lợi nhuận không hề nhỏ và sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Pháp là một thí dụ điển hình trong phát triển loại hình du lịch này. Từ những năm 90 của thế kỷ 20, họ đã tổ chức thường niên chương trình du lịch thể thao mạo hiểm nổi tiếng toàn cầu mang tên "Raid Gauloises" đem lại nguồn thu lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm. Năm 2002, chương trình đã được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 800 du khách quốc tế thuộc 17 quốc gia kéo dài trong 14 ngày tại chín tỉnh vùng núi đông bắc Việt Nam. Chương trình đã được các hãng truyền hình thể thao lớn và có uy tín trên thế giới đưa tin trực tiếp, góp phần quảng bá hiệu quả về du lịch mạo hiểm và hình ảnh Việt Nam trên toàn thế giới. Với tiềm năng lớn, phát triển du lịch mạo hiểm được coi như bước đi cần thiết để đa dạng hóa sản phẩm cũng như nâng cao giá trị kinh tế toàn ngành của du lịch nước ta.
Hơn nữa, một trong những đặc trưng của các hoạt động du lịch là tính độc đáo, đặc sắc giúp người tham gia thỏa mãn tâm lý "hướng tới điều mới lạ". Nên không khó hiểu khi du lịch mạo hiểm lại hấp dẫn du khách bởi tính cảm hứng, sự mạnh mẽ sinh tồn và quyết tâm vượt qua thử thách. Nhưng cũng chính vì thế, nó tiềm tàng nhiều rủi ro nếu chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng của ngành du lịch sở tại và sự tổ chức dịch vụ mang tính chuyên nghiệp. Ðó là vấn đề đã và đang đặt ra cấp thiết nếu ngành du lịch Việt Nam không muốn "ngã ngựa" ngay trong những bước đi "chập chững" đầu tiên.
Thực tế chứng minh, rủi ro trong du lịch thể thao mạo hiểm rất dễ xảy ra. Một tai nạn ngày 22-2 vừa qua ở Ðồng Nai được coi là lời cảnh báo rõ rệt nhất sau hàng loạt các vụ việc đáng báo động liên quan đến du lịch mạo hiểm. Nữ du khách chơi trò đu dây qua sông tại một khu du lịch ở Nhơn Trạch (Ðồng Nai) đã bị đứt dây cáp rơi xuống nước và chết do ngạt thở. Trước đó, tháng 7-2013, dư luận xã hội từng xôn xao về vụ mất tích của một sinh viên 20 tuổi khi đang tham gia chuyến leo núi chinh phục đỉnh Phan-xi-păng ở Lào Cai. Cũng cách đó không lâu, giới "phượt tử" từng kháo nhau về một khách du lịch nước ngoài tự thuê xe máy khám phá vùng Tây Bắc và mất tích. Sau một thời gian dài, người ta mới phát hiện xác và xe của người này ở một vùng sạt lở... Có lẽ, may mắn nhất là nhóm thanh niên "quyết" phiêu lưu bằng xuồng cao-su ra Côn Ðảo khi ba trong bốn người không hề biết bơi. Chỉ đến khi thuyền cập bến, những thanh niên đó mới biết là mình may mắn còn sống trong trò mạo hiểm "điên rồ" này...
Vậy rõ ràng, vấn đề an toàn và kiểm soát các hình thức tổ chức du lịch mạo hiểm bao gồm cả tự phát lẫn tua du lịch của các doanh nghiệp lữ hành vẫn đang bị bỏ ngỏ. Nữ du khách ở Ðồng Nai đáng lẽ có nhiều cơ hội được cứu sống nếu đội ngũ cứu hộ, y tế của khu du lịch có mặt ngay lập tức thay vì phải chờ đợi tới 20 phút, mặc dù chỗ xảy ra tai nạn chỉ cách bờ vài chục mét với một lý do "ngớ ngẩn": không kịp khởi động ca-nô cứu hộ. Hay như chàng sinh viên mê leo núi Phan-xi-păng nếu được nhà làm tua khuyến cáo nghiêm túc và quản lý chặt chẽ trên hành trình thì có thể không xảy ra vụ mất tích đáng buồn.
Theo một chuyên gia về du lịch mạo hiểm ở Việt Nam là ông Vũ Thanh Minh: "Ðể tổ chức các tua du lịch mạo hiểm đòi hỏi tính chuyên nghiệp vì nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của du khách. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam hầu hết đang làm theo dạng tự phát. Họ tự mua bảo hiểm và bảo đảm an toàn cho khách chỉ qua các hướng dẫn viên có kinh nghiệm hoặc chuyên gia hay huấn luyện viên nước ngoài". Nói như vậy, các hướng dẫn viên có kinh nghiệm hay chuyên gia nước ngoài trên là "chiếc áo phao" duy nhất được dùng cho sự an toàn của du khách. Còn việc "kinh nghiệm" ra sao thì chẳng ai kiểm định được... Chưa nói đến, vụ đứt dây cáp vừa rồi cho thấy chất lượng dụng cụ sử dụng trong du lịch mạo hiểm ở Việt Nam thật sự rất đáng lo ngại. Chuyên viên Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trần Lan cho biết: "Hầu hết những trang thiết bị sử dụng trong du lịch mạo hiểm hiện nay đều được các công ty nước ngoài kiểm định và bảo hộ. Tuy nhiên, trong rất nhiều công ty này thì chỉ có số ít được chứng nhận đạt chuẩn".
Cần một cơ chế quản lý đặc thù
Rõ ràng những vấn đề đặt ra ở trên đòi hỏi ngành du lịch phải sớm tìm ra phương án nhằm quản lý và bảo đảm một môi trường phát triển có thực lực và an toàn cho loại hình du lịch mạo hiểm. Chúng ta đang dần bắt nhịp với xu thế du lịch hiện đại của thế giới nhưng Việt Nam không thể phát triển mạnh nếu thiếu cơ chế quản lý phù hợp, sát sao ngay từ những bước đi đầu tiên. Trước mắt, ngành du lịch cần học tập kinh nghiệm quản lý của những nước đã phát triển thành công du lịch thể thao mạo hiểm. Ở những nước như: Nhật Bản, Pháp, hay Mỹ,... du lịch mạo hiểm được đào tạo nhân lực rất bài bản, cấp giấy phép và quản lý khu vực tổ chức sản phẩm có đồng bộ, trong đó hệ thống an toàn và cứu hộ là yếu tố buộc phải theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Các nước cũng có những hiệp hội điều hành và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của thành viên tổ chức du lịch mạo hiểm. Các hiệp hội này còn đảm nhận trách nhiệm đánh giá, huấn luyện và hướng dẫn nhân lực mới, cũng như cung cấp thông tin hữu ích, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Ở môi trường tiềm năng như Việt Nam, không thể thiếu những nhóm khảo sát địa hình chuyên nghiệp, đội hậu cần tốt và phải luôn luôn giữ liên lạc trong mọi điều kiện. Các đơn vị khi tổ chức cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và chính quyền địa phương để có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, đào tạo nhân lực được coi là nhiệm vụ hàng đầu nếu muốn phát triển hình thức du lịch mạo hiểm một cách bền vững. Phó Vụ trưởng Lữ hành Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Chúng ta cần nhanh chóng tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm vừa có sức khỏe, có nghiệp vụ, kỹ năng, vừa thông thạo ngoại ngữ, yêu nghề nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh lượng khách trong thời gian tới". Muốn vậy, các hướng dẫn viên du lịch hay chuyên gia về loại hình này cần được cấp chứng chỉ bởi các tổ chức có uy tín trong nước, trong khu vực hoặc trên thế giới cũng như giấy phép chính ngạch của cơ quan nhà nước quản lý hoạt động trực tiếp. Ðồng thời đó là công tác kiểm tra hoạt động chuyên môn thường xuyên với cơ chế trách nhiệm khắt khe cùng tiêu chuẩn, quy chế rõ ràng từ các cơ quan kiểm tra thuộc ngành du lịch.
Cuối cùng là quá trình kiểm định chất lượng cũng như khảo sát liên tục chất lượng an toàn của hệ thống thiết bị được sử dụng trong các trò chơi mạo hiểm. Theo lãnh đạo một đơn vị từng có kinh nghiệm tổ chức loại hình du lịch này, trang thiết bị phục vụ khách du lịch khi tham gia tua du lịch mạo hiểm phải chuẩn xác, không thể để bất kỳ sơ xuất nhỏ nào có thể xảy ra. Thiết bị tham gia sử dụng trong du lịch mạo hiểm nhất thiết phải đạt chuẩn quốc tế vì khách du lịch mạo hiểm chủ yếu là người nước ngoài. Kỹ năng sơ cấp cứu, trang thiết bị sơ cứu đầy đủ, sẵn sàng khi cần thiết đối với từng loại hình du lịch mạo hiểm phải được các doanh nghiệp du lịch nghiêm túc thực hiện dưới sự giám sát kịp thời đến từ các cơ quan quản lý. Bởi rõ ràng, rủi ro con người là điều không thể xảy ra ở một ngành du lịch vốn ra đời để thỏa mãn đam mê và khát khao vượt qua các thử thách.
Có thể nói, để tiềm năng của du lịch mạo hiểm ở Việt Nam được khai thác hiệu quả cần bắt đầu từ những chuẩn mực nghiêm túc và có tầm nhìn về chiều sâu. Hy vọng trong tương lai không xa, du lịch mạo hiểm sẽ là một kho vàng của ngành du lịch nước ta nhằm tạo ra nét đặc sắc riêng giữa một môi trường cạnh tranh du lịch đang ngày càng gay gắt hiện nay.
(Nguồn: nhandan.com.vn)
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch