Tin du lịch
Cầu Long Biên (Hà Nội) - Giải pháp nào gắn bảo tồn với phát triển
Được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng với cái tên đã đi vào lịch sử - Long Biên - có kiểu dáng độc đáo. Cầu do hãng Eiffel thiết kế, có chiều dài 2.290m bắc qua sông, 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m. Trải qua hơn 100 năm lịch sử, cây cầu đã xuống cấp ở mức báo động và cần được bảo tồn, tu bổ. Các thanh sắt, ốc vít hoen rỉ theo thời gian, có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào. 131 vòm cầu gạch giờ là quán xá nhếch nhác, dọc theo cầu cạn là các quán kinh doanh ảnh hưởng tới giao thông. Hàng ngày, cây cầu 112 năm tuổi này vẫn gánh chịu 1 tải trọng lớn cho xe máy, xe đạp và xe lửa qua lại.
Chính vì vậy, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị cho rằng cầu Long Biên cần được đại tu cấp bách và càng sớm càng tốt, nếu không cây cầu trên 100 năm tuổi này có thể sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc bảo tồn cần được nghiên cứu theo hướng phát triển bền vững, gắn việc phát triển du lịch với bảo vệ môi trường cảnh quan, kích thích sự phát triển kinh tế của ngành du lịch nói riêng và của cả thủ đô Hà Nội nói chung.
Theo KTS Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Cty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên, một Việt kiều Pháp, người dành nhiều tâm huyết cho Hà Nội, cầu Long Biên cần được bảo tồn và phát triển gắn với du lịch văn hóa. Theo đó, cầu Long Biên trở thành cầu Bảo tàng và giao thông xanh. Trên 9 nhịp cầu nguyên thủy sẽ được duy trì bảo tồn nguyên trạng và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán ri – vê để triển lãm 2 đầu tầu hơi nước, những toa xe tàu cũ thành các quán cafe và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong veo để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới. Những nhịp cầu bị mất bởi chiến tranh sẽ được tái dựng lại với công nghệ đúc thép hiện đại và được phủ kính trong suốt để làm khu triển lãm, bảo tàng. Đúc mới 10 nhịp cầu bị phá để hoàn chỉnh cây cầu về thiết kế nguyên bản năm 1902. Trên những đoạn cầu mất nhịp được tái hiện lại làm các phòng tranh, Bảo tàng Ký ức Lịch sử Thế kỷ XX mà trong đó tái hiện hình ảnh Việt Nam đã thay đổi cục diện thế giới qua 3 cuộc kháng chiến thần thánh. Bảo tàng này đề xuất được thực hiện bằng kính dựa trên khung thép của cầu Long Biên nguyên thủy và dùng năng lượng xanh từ mặt trời, từ gió và dòng sông. Bãi giữa sông Hồng trở thành Quảng trường, Triển lãm Quốc gia Nông – Lâm – Ngư Việt Nam, Công viên nghệ thuật...
Đề án “Quy hoạch bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long biên và khu vực liên quan trung tâm thủ đô Hà Nội, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020” của KTS Nguyễn Nga được nhiều kiến trúc sư tại tọa đàm đánh giá là lãng mạn nhưng thiếu thực tế.
Theo ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nhiều ý tưởng trong đề án nếu thực hiện được là điều đáng quý, đóng góp thêm công trình văn hóa, nghệ thuật độc đáo cho Hà Nội. Nhưng nội dung trong đề án cần phải thực tế hơn. “Giao thông là chức năng vốn có và quan trọng nhất của cầu Long Biên. Từ lúc ra đời đến nay, cầu đóng vai trò giải quyết một lượng phương tiện giao thông nhất định cho thành phố. Việc chuyển Long Biên thành cầu đi bộ, giảm chức năng giao thông để đầu tư cho bảo tàng, triển lãm vào thời điểm này là chưa hợp lý. Và thực tế, Hà Nội cũng đã có nhiều công trình được đầu tư rất quy mô nhưng giá trị sử dụng chưa cao, ví dụ như Bảo tàng Hà Nội. Do đó, cần phải cân nhắc, phân tích giá trị sử dụng lâu dài của cây cầu. Nếu coi văn hóa, nghệ thuật là chính, giao thông là phục thì cần phải xem xét kỹ lưỡng” - Ông Tô Anh Tuấn khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS. KTS Phạm Đình Việt (Viện Phó Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị) cho rằng, cần phải bảo tồn chức năng nguyên gốc của cây cầu – đó là giao thông bởi đây là giá trị cao nhất của một cây cầu. Còn theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, giải pháp của KTS Nguyễn Nga rất thiếu thực tế và không tiếp nhận được những điểm mới trong quy hoạch kiến trúc Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 khi đề xuất khai thác Bãi giữa thành khu triển lãm, do phân khu sông Hồng có dòng chảy cứng, dòng chảy mềm, kinh tế đường thủy còn nhiều vận động và phát triển. Chưa nói, hiện nay với tình hình bão lũ và thay đổi khí hậu chưa ổn định, thì khi nước lên nước xuống không thể nắm trước được để xây dựng khu triển lãm cho bền vững. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng khẳng định: Việc bảo tồn là cần thiết, nhưng không đồng nghĩa với việc “chất tải” quá nhiều yêu cầu lên cây cầu này. Cầu Long Biên chỉ là một bộ phận của di sản Hà Nội chứ không phải vừa là phố đi bộ, vừa làng nghề, vừa nghệ thuật…
Nguồn: ĐCSVN
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch