Tin du lịch

Để du lịch vượt mục tiêu đón khách năm 2014

“Mục tiêu đặt ra của ngành du lịch trong năm 2014 là đón 8-8,2 triệu lượt khách quốc tế và 37,5 triệu khách nội địa, tổng thu khoảng 240 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, với hàng loạt giải pháp triển khai thời gian qua, tôi nghĩ rằng ngành du lịch sẽ vượt kế hoạch đặt ra, tổng thu dự kiến đạt khoảng 250-260 ngàn tỷ đồng” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ.

Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông dẫn đến hiện tượng lượng khách nói tiếng Hoa đến Việt Nam sụt giảm mạnh và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam đã chủ động triển khai một loạt các giải pháp cấp bách để phù hợp với tình hình mới. Đáng chú ý nhất là Chiến dịch kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và cuộc Họp báo quốc tế “Quáng bá Chiến dịch Exiciting Vietnam: Việt Nam – Điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn” vừa được tổ chức. Nhân dịp này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về các giải pháp cụ thể mà ngành du lịch đã và đang triển khai nhằm giúp ngành du lịch “vượt khó” trong bối cảnh hiện nay.

-Thưa ông, ngành du lịch đang triển khai một loạt các giải pháp ứng phó để vượt qua bối cảnh khủng hoảng “kép”, trong đó có Chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chiến dịch này ngoài việc khuyến khích người dân đi du lịch nội địa thì có chính sách nào giúp đỡ cho doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh khó khăn này hay không?

+ Chiến dịch này có tên “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam/Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ Quốc”, chắc chắn sẽ được hoàn chỉnh hơn và trình cơ quan có thẩm quyền. Dự kiến Chương trình cụ thể sẽ được ban hành trong tháng 7 này và triển khai đồng bộ với sự cam kết của các địa phương, bộ ngành. Để đạt được hiệu quả cao nhất thì Chiến dịch này phải có sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông vận tải…, một mình ngành du lịch không làm được. 

Bên cạnh đó, nhân dịp này cũng sẽ kiến nghị Chính phủ giúp đỡ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ví dụ như: giãn thuế, kéo dài thời gian nộp thuế, miễn giảm một số thuế… Những kiến nghị của doanh nghiệp từ 2 năm nay sẽ được đặt lên bàn Chính phủ và chắc chắn lần này Chính phủ, thông qua Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch sẽ từng bước giải quyết những vướng mắc, bất hợp lý mà doanh nghiệp đã đề xuất.

-Không phải đợi đến khi Tổng cục Du lịch phát động Chiến dịch kích cầu nội địa thì các địa phương, doanh nghiệp mới giảm giá để thu hút khách. Tuy nhiên, việc các đơn vị đua nhau giảm giá như vậy cũng khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng thực sự của sản phẩm du lịch. Vậy Tổng cục Du lịch có giải pháp nào để kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp giảm giá có đi kèm với việc giữ nguyên chất lượng như đã cam kết hay không?

+ Trước hết phải nói rằng khách du lịch ngày nay hết sức thông minh. Họ thường biết lựa chọn đơn vị uy tín cho chuyến du lịch của mình. Về mặt quản lý, ngành du lịch sẽ thông qua các Hiệp hội du lịch, các cơ quan quản lý địa phương để giám sát, kiểm tra xem doanh nghiệp thực hiện có đúng theo cam kết không? Tới đây, khi chương trình Chiến dịch được ban hành và phê duyệt thì các doanh nghiệp, tập đoàn, CLB phải cam kết với cơ quan quản lý ở địa phương về việc giảm giá nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Nếu đơn vị nào không làm đúng cam kết thì chúng tôi sẽ đề xuất những biện pháp xử lý hành chính và thông báo rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân được biết.

-Chiến dịch quảng bá “Exciting Vietnam” đã được công bố tại cuộc Họp báo quốc tế với sự tham gia của đông đảo phóng viên quốc tế. Vậy xin ông cho biết, điểm nhấn của Chiến dịch này là gì và ngành du lịch sẽ triển khai những hoạt động cụ thể nào sau cuộc họp báo này?

+ Trong tiếng Anh, “Exciting” có nghĩa là sôi động, mạnh mẽ, nhưng mục tiêu chính của Chiến dịch là quảng bá một Việt Nam an toàn, mến khách, chất lượng. Đấy là ý nghĩa cốt yếu, còn tên chỉ là một hình thức để quảng bá cho bạn bè thế giới biết rằng du lịch Việt Nam đang chuyển động mạnh mẽ, không giống như một vài thông tin khác cho rằng Việt Nam không an toàn, để du khách yên tâm khi đến Việt Nam.

Chiến dịch này sẽ đi kèm với nhiều hoạt động cụ thể. Ví dụ tổ chức ngay cuộc họp báo quốc tế, tổ chức cho các đoàn Famtrip, Presstrip từ Bắc vào Nam để khảo sát môi trường du lịch, đến những điểm du lịch để ghi lại hình ảnh chân thực của cuộc sống tại Việt Nam, từ đó quảng bá tới du khách quốc tế. Thứ hai, sẽ tổ chức chương trình gặp gỡ cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế để họ liên kết với nhau, kết nối tour. Thứ ba, tạo dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội du lịch để tăng cường xúc tiến đầu tư vào hoạt động du lịch. Cuối cùng là tăng cường công tác xúc tiến quảng bá ra nước ngoài với định hướng nâng cao về quy mô tại các thị trường như Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, kể cả thị trường Ấn Độ và Trung Đông. Ngoài ra cũng hết sức coi trọng những thị trường gần như Đông Nam Á. Nếu trước đây các chương trình xúc tiến quảng bá chỉ được đầu tư 1 thì nay sẽ phải là 1,5 hoặc 2 để khẳng định lại vị thế của Việt Nam.

- Tuy nhiên, theo như những chia sẻ trước đây của ngành du lịch thì nguồn tài chính dành cho công tác xúc tiến quảng bá vẫn rất hạn hẹp. Vậy việc với tăng cường cả về chất và lượng như thế này thì ngành du lịch sẽ lấy kinh phí từ đâu?

+ Dự kiến trong tháng 8 này Nghị quyết về phát triển du lịch trong tình hình mới sẽ được Chính phủ ban hành. Một trong những nội dung mà chúng tôi đề xuất là tăng cường công tác xúc tiến quảng bá và huy động nguồn lực. Theo đó, ngoài sử dụng ngân sách nhà nước, chúng ta sẽ lấy chính nguồn thu từ khách du lịch để đóng góp một phần cho công tác quảng bá. Ví dụ một khách quốc tế ngủ một đêm ở Việt Nam sẽ đóng góp 1 đô la. Nếu làm được như thế thì chúng ta sẽ có hàng triệu đô la cho công tác xúc tiến quảng bá. Điều này hoàn toàn khả thi. Đây là thông lệ quốc tế và nhiều nước phát triển đã triển khai từ lâu, chúng ta chưa làm mà thôi.

-Vậy ngành du lịch sắp tới sẽ tập trung xúc tiến cho những thị trường nào, thưa ông?

+ Chúng tôi quan tâm đến các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), rất nhiều tiềm năng. Gần đây, chúng tôi cũng gặp gỡ với nước Azerbaijan, các nước Trung Đông, Ấn Độ. Tới đây, Vietnam Airline mở đường bay thẳng tới Mỹ thì sẽ tập trung khai thác thị trường ở Bắc Mỹ, Canada.

-Trong các cuộc họp bàn về giải pháp ứng phó của ngành du lịch trong tình hình mới, có nhiều ý kiến đề xuất miễn giảm thị thực thêm cho một số thị trường để thu hút khách quốc tế. Vậy đề xuất này có được xem xét trong Nghị quyết về phát triển du lịch trong tình hình mới hay không, thưa ông?

+ Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu đề xuất và Quốc hội đang bàn thảo việc này để xây dựng Luật Xuất nhập cảnh thay thế cho Pháp lệnh Xuất nhập cảnh. Tôi được biết trong dự thảo của Luật thì trong từng trường hợp cụ thể, Chính phủ và Quốc  hội sẽ xem xét để đảm bảo có lợi, kể cả về mặt ngoại giao, chính trị và lợi ích kinh tế. Hiện nay, Liên minh Châu Âu đang nới lỏng việc cấp thị thực cho Việt Nam. Nhật Bản cũng đã nới lỏng quy định cấp thị thực và dần hướng tới miễn thị thực cho du khách Việt Nam. Một số nước trong khu vực cũng vậy. Đặc biệt là đến 2015, khi tham gia hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN thì chúng ta tiếp tục phải gắn kết với các nước trong khu vực để tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch. Hiện nhiều nước đã đi trước chúng ta trong việc này.

-Trong bối cảnh lượng khách nói tiếng Hoa sụt giảm mạnh thời gian qua, một số địa phương đã phải nỗ lực tìm giải pháp thay thế. Theo đánh giá của ông, địa phương nào có những giải pháp ứng phó kịp thời đáng để học tập?

+ Một trong những địa phương ứng phó tốt nhất là Nha Trang, Khánh Hòa. Lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang giảm mạnh đột ngột nhưng họ ứng phó rất tốt. Họ không lệ thuộc vào một thị trường Trung Quốc mà đã mở rộng ra nhiều thị trường như: Nga, Đông Âu, Bắc Mỹ, ASEAN. Nha Trang là một điển hình cho thấy có sự chủ động ứng phó. Một vài địa phương ban đầu ví dụ như Đà Nẵng tập trung quá độ thì bây giờ đang hướng mở rộng thị trường sang các nước ASEAN, Đông Bắc Á và một số thị trường khác kể cả Đông Âu và Nga để kéo khách đến với mình. Như vậy, chúng ta có một chiến lược phát triển là không để bị lệ thuộc vào một thị trường, mặc dù thị trường đó đóng góp lớn. Đấy là chủ trương của ngành du lịch Việt Nam!

-Vậy với hàng loạt giải pháp ứng phó được triển khai thời gian qua, ngành du lịch liệu có cán đích đón 8,2 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu đạt 240 tỷ không, thưa ông?

+ Tôi nghĩ là sẽ vượt mục tiêu đề ra. Điều này là khả quan vì sau các chuyến xúc tiến ở nước ngoài, tổ chức roadshow, tham gia các hội chợ… chúng ta cũng đã có những cam kết, hợp đồng khả quan. Tôi tin rằng, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, sự đầu tư của các bộ ngành, lượng khách quốc tế chắc chắn sẽ tăng lên, vượt kế hoạch đề ra.

-Xin cảm ơn ông!

Nguồn: toquoc.vn

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *