Được ví như “Hạ Long trên cạn” với gần 100 hang động tuyệt đẹp, quần thể danh thắng Tràng An - vùng đất của người Việt cổ là di sản kép đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận di sản thế giới với các giá trị về văn hóa, danh thắng nổi bật toàn cầu. Đây được xem là cơ hội để du lịch Ninh Bình bứt phá thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm một hệ thống sông, hồ, đầm tuyệt đẹp, là một trong những địa danh hiếm hoi sở hữu thảm thực vật, rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng phong phú, nguyên sơ. Những di chỉ khảo cổ cho thấy dấu vết của người Việt cổ ở đây, cùng ít nhất 3 lần biển tiến, thoái ở các giai đoạn khác nhau, đặc biệt là giai đoạn cách đây khoảng 4.000 - 7.000 năm.
Tràng An ôm trọn những giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với 3 di tích, danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, rừng đặc dụng Hoa Lư - chùa Bái Đính. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc được ghi dấu nơi đây với những kiến trúc cổ kính có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, tâm linh như: đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, chùa Bái Đính, động Thiên Tôn... luôn là niềm say mê khám phá đối với du khách bốn phương.
Mùa hè này, mỗi ngày có hàng nghìn du khách đi thuyền tham quan danh thắng Tràng An. Tuy không long lanh, rực rỡ như Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng hang động nơi đây cũng tạo cho du khách những cảm nhận riêng, nhất là vẻ đẹp lung linh của những thung nước trong xanh màu ngọc bích xen lẫn giữa điệp trùng núi đá và rừng nguyên sinh.
Chị Nguyễn Thị Thêm, một du khách tham quan Tràng An cảm nhận: “Ở đây tuy không đẹp như Quảng Bình nhưng nguyên sơ, chủ yếu là các thung lũng, đi thuyền rất thú vị. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng du lịch, đa số là cảnh đẹp thiên nhiên. Các nước khác có thể dịch vụ tốt, nhưng phong cảnh thì khó nơi nào bằng nước ta”.
Không chỉ có núi non, hang động, sông hồ, Tràng An còn mang trong mình dấu ấn của nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo với di tích đền thờ vua Đinh, vua Lê, đền thờ Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không, chùa Bái Đính mới – ngôi chùa đạt nhiều kỷ lục Đông Nam Á... cho phép kết nối với Hà Nội, xây dựng tour du lịch tâm linh thành sản phẩm đặc trưng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cũng khá năng động trong việc khai thác các giá trị văn hóa làng nghề, nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực, vẻ đẹp của thiên nhiên để làm đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương như tham quan hang động Thiên Hà, vườn chim Thung Nham, du lịch cộng đồng, du khảo đồng quê....
Ông Trần Ngọc Tiến, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Ngôi Sao cho biết: “Những người làm du lịch Ninh Bình luôn có ý thức phải làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Khách du lịch đến đây không chỉ tham quan đơn thuần mà được trải nghiệm cuộc sống lao động của người dân vùng đồng chiêm trũng. Đó cũng là một cách để tạo nên hứng thú cho du khách, khiến du khách quay trở lại với vùng đất này”.
Không thể phủ nhận sự tăng trưởng nhanh chóng lượng khách du lịch đến Ninh Bình là nhờ vào sự tác động của sự kiện Tràng An được công nhận Di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới. 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã đón trên 3,3 triệu lượt khách, gần bằng cả năm 2013, doanh thu du lịch ước đạt 660 tỉ đồng, giải quyết hàng ngàn việc làm, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế cho địa phương.
Tuy nhiên, việc cần thiết lúc này là nhanh chóng nâng cao nhận thức cho mọi người nhằm tạo sự đồng thuận trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản. Bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Bình cho biết: “Ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là người dân trong khu vực danh thắng hiểu được giá trị của di sản, trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ di sản. Đồng thời tạo công ăn việc làm, giúp người dân có thu nhập từ hoạt động du lịch. Người dân được hưởng lợi từ di sản thì chính họ sẽ có ý thức trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ di sản”.
Làm du lịch văn hóa, đặc biệt là với di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới cần phải có một công nghệ riêng. Để Tràng An thực sự đóng góp xứng đáng những giá trị văn hóa, thiên nhiên mang tính toàn cầu phục vụ phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, cùng với việc thực hiện một cách chuyên nghiệp các khâu dịch vụ để phục vụ du khách, rất cần có một thái độ ứng xử phù hợp với di sản.
Bởi bên cạnh niềm vinh dự, tự hào thì việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thế giới luôn là trách nhiệm không thể lãng quên của các cơ quan quản lý địa phương./.