Tin du lịch
Du lịch kỳ vọng vào khách nội
Giảm giá để kích cầu
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, chương trình kích cầu sẽ được triển khai vào cuối năm nay, tập trung vào hai nội dung chính là thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa của người dân Việt Nam và phát động chiến dịch khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm quê hương, hướng về biển đảo Tổ quốc. Ngành du lịch kỳ vọng chương trình đạt và vượt con số 37,5 triệu lượt khách nội địa trong năm 2015.
Để khuyến khích người dân đi du lịch trong nước, chương trình khuyến khích các địa phương có tiềm năng du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch mới; xây dựng môi trường du lịch thân thiện an toàn; khuyến khích người dân địa phương tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà (home stay) cho khách du lịch. Chương trình cũng khuyến khích các địa phương thực hiện chính sách khuyến mãi, giảm giá vé, lệ phí tham quan, làm việc với các hãng hàng không để tăng cường chuyến bay và giảm giá vé máy bay... Riêng với các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành du lịch tham gia chương trình sẽ giảm giá dịch vụ từ 10% trở lên, liên kết hình thành các tour khuyến mãi cho khách du lịch đi theo đoàn… Với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phát động chiến dịch "Người Việt Nam hướng về Tổ quốc" ở những nước có đông kiều bào định cư về quê hương tham quan, du lịch và thông qua kiều bào về thăm quê hương đẩy mạnh quảng bá truyền thông điểm đến của Việt Nam ra nước ngoài…
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để chuẩn bị cho chương trình kích cầu, Bộ VH, TT&DL đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế giá trị gia tăng và miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập DN trong 3 tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015 nhằm hỗ trợ DN xây dựng chính sách kích cầu cho các công ty tham gia chương trình. Hiện chủ trương này đang được các bộ, ngành xem xét.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho rằng, giá cả leo thang là một trong những yếu tố chính khiến điểm đến Việt Nam không cạnh tranh được. Tình trạng nhiều địa phương nâng vé không theo lộ trình khiến các hãng lữ hành rất bức xúc. Chẳng hạn, giá vé vào Đại nội ở Huế vừa qua tăng gấp 3 lần, từ 70.000 đồng lên đến 210.000 đồng. Chính vì vậy, việc giảm giá sẽ là yếu tố tốt để kích cầu du lịch.
Cần sự đầu tư và quản lý đồng bộ
Qua 5 năm tham gia khuyến mãi kích cầu du lịch, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ, Phó trưởng nhóm Kích cầu du lịch nội địa TP Hồ Chí Minh cho rằng, vận chuyển là yếu tố quan trọng để có giá tốt trong du lịch. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ của Vietnam Airlines và Vietjet Airlines, năm 2014 lượt khách mua tour trọn gói của nhóm DN có khuyến mãi trong chương trình kích cầu của TP Hồ Chí Minh là 49.767 lượt, tăng hơn 45% so với năm 2013 (năm 2013 là 34.000 lượt khách). Ông Dũng cũng cho rằng, nếu các hãng hàng không giảm giá vé thì sẽ có hiệu ứng giảm giá từ những dịch vụ đi kèm, cụ thể là giá các dịch vụ du lịch trong năm 2014 giảm khoảng 5-10% so với 2013.
Bà Nguyễn Ngoan Minh, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Dtravelworld (DTM) cho rằng, khi khuyến khích du lịch về vùng biển đảo và vùng sâu, vùng xa thì các địa phương cần có cách quản lý các dịch vụ tốt hơn. Hiện những nơi có tiềm năng du lịch và được du khách rất yêu thích như đảo Bình Ba (tỉnh Khánh Hòa), Nam Du (tỉnh Kiên Giang) hầu hết là do người dân tự làm, nên chất lượng dịch vụ không bảo đảm khiến các công ty du lịch rất "ngại" khi đưa khách về những nơi này. Bên cạnh đó là tình trạng "chặt chém" khách trong những ngày lễ, tết vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điển hình như Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mỗi khi đến dịp Festival thì dịch vụ vô cùng bát nháo.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cũng cho rằng, dù giảm giá nhưng chất lượng dịch vụ phải tốt và cần được nâng lên. Nếu không bảo đảm điều này thì khách chỉ đến một lần và sẽ không quay lại. Mặt khác, sản phẩm du lịch cần sự kết nối chặt chẽ nên phải có chính sách đầu tư, quản lý đồng bộ từ bộ, ngành trung ương đến địa phương. Do đó, rất cần chiến lược dài hạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho những điểm đến ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp nên không thể một mình Bộ VH,TT&DL làm được và cần phải giải quyết đồng bộ các tồn tại, mới mong thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng./.
(Nguồn: HNM)
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch