Tin du lịch

Du lịch Ninh Bình vững bước đi lên

Ninh Binh giàu truyền thống văn hóa, hội tụ nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo; người Ninh Bình hiếu khách. Du lịch Ninh Bình đang ngày càng phát triển…
Tiềm năng phong phú

Ninh Bình rộng 1.376,7km2, có vị trí địa lý thuận lợi, cách Hà Nội chỉ 93km về phía Nam. Điều kiện tự nhiên lại đa dạng, phong phú, có cả đồi núi, đồng bằng và biển. Vùng đồi núi phía Tây và Tây Bắc, hội tụ nhiều hang động đẹp, có khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ, hệ sinh thái rừng đặc sắc, động thực vật phong phú, cảnh quan kỳ vĩ. Vùng đồng bằng phía Đông hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống: 1.499 di tích lịch sử văn hóa; 69 làng nghề truyền thống; 260 lễ hội dân gian; văn hóa ẩm thực độc đáo, hấp dẫn; tài nguyên nước khoáng nóng dồi dào.

Du lịch Ninh Bình đã và đang khai thác nhiều lợi thế, xây dựng những tour, tuyến điểm đặc sắc đón khách. Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận ngày 23/6/2014, di sản hỗn hợp văn hóa và tự nhiên đầu tiên của Việt Nam, trải dài trên 12 xã, phường thuộc huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và có ý nghĩa trên phạm vi thế giới cho thấy cách mà người tiền sử tác động qua lại với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với biến đổi to lớn về môi trường trải dài ít nhất 30.000 năm. Hơn thế, là một trong những nơi có cảnh quan tháp karst đẹp và quyến rũ nhất trên thế giới. Phủ lên cảnh quan là thảm rừng và các tháp dạng nón hùng vĩ cao 200m, với các hố trũng hẹp khép kín, bao quanh bởi các sống núi nối liền nhau, các đầm lầy thông nhau qua hệ thống suối chảy lững lờ quanh co qua các lối ngầm có chiều dài lên tới 1km. Nơi đây lưu giữ nhiều dấu ấn về những di chỉ khảo cổ tiền sử, sự xâm thực của biển; cùng những những giá trị văn hóa truyền thống, những thiết chế văn hóa, cảnh quan, hang động đặc sắc đang được cộng đồng địa phương bảo tồn, phát huy.

Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính với những công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ tọa lạc trên khuôn viên rộng chừng 700ha.Chùa có sự tổng hòa linh thiêng trầm mặc của cổ tự, nguy nga hoành tráng của tân tự. Đây là công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam: Tượng Phật Thích ca bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á; hai hành lang La hán dài nhất châu Á, mỗi bên 500 vị, dẫn đầu là Phật hoàng Trần Nhân Tông và Bồ tát Thích Quảng Đức của Việt Nam; đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Việt Nam, chính điện lớn nhất Việt Nam… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ ngọc xá lợi, bảo vật quý giá của đức Phật.

Một góc khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham

Trong khi đó, khu du lịch sinh thái Thung Nham hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, tâm linh, cảnh quan, đa dạng sinh học, kết hợp nghỉ dưỡng. Động Vái Giời, bắt nguồn từ ý nghĩa tâm linh của con người, là nơi trước đây người dân kinh thành Hoa Lư lập đàn tế trời để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Hang bụt với hệ thống nhũ đá lung linh huyền ảo tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người. Cây duối 1000 năm mang trong mình giá trị lịch sử lâu đời gắn liền với truyền thuyết về vua Đinh Tiên Hoàng. Vườn chim mang dáng dấp xứ sở sông nước phương Nam với đa dạng các loài chim: Cò, Vạc, Diệp, Le le, Mòng két, Chích chòe, Sáo đá, Hằng hạc, Phượng hoàng đất…      

Nhà thờ đá Phát Diệm – một quần thể công trình kiến trúc Công giáo đẹp bậc nhất Việt Nam, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và đá, phỏng theo những nét kiến trúc kiểu đình chùa truyền thống Việt Nam. Quần thể có niên đại từ cuối thế kỷ 19, được xây dựng trong suốt 24 năm. Điểm đặc biệt của quần thể là nhà thờ trái tim Đức Mẹ, được xây dựng hoàn toàn bằng đá, đặc sắc duy nhất ở Việt Nam.

Nhiều tuyến điểm du lịch đã và đang đưa vào khai thác, một số khác vẫn ở dạng tiềm năng đang quy hoạch: Khu du lịch (KDL) Tam Cốc – Bích Động, đền Nội Lâm, đền thánh Nguyễn, Thung Nắng, động Thiên Hà, động Địch Lộng, hồ Đồng Chương, hồ Đồng Thái, rừng Cúc Phương, các lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống, ẩm thực, biển…

Động Thiên Hà

Phát huy thế mạnh

Phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có, Du lịch Ninh Bình đang từng ngày đổi mới, phát triển. Thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Ninh Binh được chú trọng đầu tư, nâng cấp, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm: KDL Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư; KDL sinh thái Tràng An, Hồ Đồng Chương; KDL tâm linh Núi chùa Bái Đính…

Bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Bình cho biết, hiện tại Ninh Bình đã thu hút được 58 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng số vốn đầu tư  là trên 14 nghìn tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn từ 2009 - 2013, đã thu hút 28 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là 5.303 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2014, Ninh Bình có 283 cơ sở lưu trú với 4.302 phòng; trong đó có 2 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 35 khách sạn từ 1-2 sao, 2 khu resort cùng với 3 khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao đang trong quá trình xếp hạng. Dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 200 cơ sở trên tổng số 20.000 cơ sở kinh doanh thương mại; dịch vụ ẩm thực lên đến hơn 800 nhà hàng với hơn 2.000 phòng ăn; phục vụ đa dạng ẩm thực hiện đại, truyền thống, dân dã.

Năm 2013, Du lịch Ninh Bình đón 4,5 triệu lượt khách, vượt 12,5% so với kế hoạch; khách quốc tế đạt 520.000 lượt, khách nội địa đạt trên 3,9 triệu lượt; doanh thu đạt 920 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2014, du lịch Ninh Bình đón 3,3 triệu lượt khách, đạt 68,7% kế hoạch năm; khách quốc tế đạt 268.000 lượt; doanh thu ước đạt 660 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch năm. Bà Dương Thị Thanh chia sẻ: “Ngay sau khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận di sản kép, du khách đến Ninh Bình đã tăng đột biến. Chỉ tính riêng tháng 7/2014, lượng khách đến đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013”.

Thời gian tới, Sở VHTTDL Ninh Bình đang có kế hoạch xây dựng các tuyến điểm mới nhằm đưa vào khai thác vùng lõi di sản Tràng An trong tương lai. Tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng phù hợp, xây dựng giải pháp phát triển thêm các tuyến du lịch vùng lõi, tuy nhiên phải đảm bảo thực hiện đúng cam kết với tổ chức UNESCO về bảo vệ toàn vẹn di sản.

Sở VHTTDL Ninh Bình đang tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng, không chỉ cho những người làm du lịch mà cả chính quyền địa phương thuộc quần thể di sản; để lãnh đạo mỗi địa phương hiểu, nắm chắc được giá trị di sản; có trách nhiệm tuyên truyền vận động người dân địa phương cùng chính quyền bảo vệ di sản. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế quản lý di sản phù hợp, nâng cao trình độ chuyên môn cho người làm du lịch để đáp ứng việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản theo cam kết với UNESCO.

Dương Thị Thanh

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Bình


Nguồn: baodulich

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *