Tin du lịch

Du lịch Tây Nguyên - Đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn

Tây Nguyên là không gian địa lý, văn hóa với nhiều tiềm năng du lịch độc đáo và hấp dẫn: Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi cao, rừng nguyên sinh rộng lớn, khí hậu trong lành, các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội truyền thống… đều là tiềm năng du lịch hấp dẫn.

Vùng ôn đới trong lòng nhiệt đới

Bởi khí hậu mát mẻ quanh năm mang đặc trưng của vùng ôn đới trong lòng nhiệt đới, với thời tiết bốn mùa xuân - hạ - thu - đông hiện hữu ngay trong một ngày, nên Tây Nguyên là mảnh đất “trốn nóng” được nhiều du khách ưa thích. Cùng với đó, hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh quan hùng vĩ, nhiều hồ trên núi, những thác nước tung bọt trắng xóa… đã trở thành tài nguyên du lịch đặc sắc và nổi trội để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Nơi đây có các hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc của các vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Chư Mom Ray (Kon Tum), Bi Đúp Núi Bà (Lâm Đồng)… phù hợp để phát triển du lịch nghiên cứu sinh thái rừng nguyên sinh, có hệ thống thác nước hùng vĩ là điều kiện để phát triển du lịch thể thao mạo hiểm… Cách trung tâm thành phố Đà Lạt chỉ 6 km, hồ Tuyền Lâm là nơi có khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh, lại gần ngay Thiền viện Trúc Lâm nên là một trong những điểm du lịch thu hút đông du khách tới đây nếu có dịp du ngoạn thành phố ngàn hoa. Tại đây, du khách có thể cắm trại, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, đi bộ, leo núi, câu cá… Ngoài ra, Tây Nguyên còn nổi tiếng với các cao nguyên bốn mùa hoa trái, trang trại cà phê, ca cao, hồ tiêu, hoa bạt ngàn… Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) là một trong 5 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, với độ che phủ rừng và đất rừng lên tới hơn 90%. Đây được chọn là trọng điểm cho việc phát triển du lịch sinh thái ở Lâm Đồng, với việc hợp tác cùng tổ chức Jica (Nhật Bản) trong việc tổ chức thử nghiệm 6 tuyến du lịch tham quan dã ngoại - ngắm cảnh, du lịch mạo hiểm (leo núi, chèo thuyền…), nghiên cứu - khảo sát động, thực vật.

 

Vẻ đẹp thác Pongour
Vẻ đẹp thác Pongour.

Đỉnh núi Kon Ka Kinh - “Nóc nhà của Gia Lai” đã bước đầu triển khai một số hoạt động du lịch như du lịch sinh thái đường mòn thiên nhiên, chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh, du lịch sinh thái tham quan, quan sát, nghiên cứu động vật hoang dã, nghỉ dưỡng, với thời gian lý tưởng tổ chức là từ tháng 1 tới tháng 6 hàng năm.

Với những lợi thế về không gian, khí hậu đặc trưng, khách du lịch đến Tây Nguyên với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng chiếm trên 55%, sau đó là kết hợp với công việc, thăm thân… Thị trường khách du lịch quốc tế đến Tây Nguyên chủ yếu là khách Pháp (chiếm từ 23 - 25%), sau đó là thị trường Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Anh… Trong vài năm gần đây, đã có một lượng khách du lịch quốc tế theo đoàn du lịch Caravan đến vùng Tây Nguyên qua cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ - Gia Lai), Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum)…

Kết hợp cùng sản phẩm du lịch văn hóa Theo TS. Lê Văn Minh (Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch), khách du lịch quốc tế đến Tây Nguyên đều thích được tham quan thiên nhiên đẹp kỳ thú, danh lam thắng cảnh, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế về cuộc sống và tập tục văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên, thăm các di sản văn hóa phi vật thể, thưởng thức ẩm thực, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

 

Du khách xem quy trình chế biến café
Du khách xem quy trình chế biến café. Ảnh: Minh Đức

Các giá trị văn hóa, lễ hội vùng Tây Nguyên gắn liền với văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa như: Không gian văn hóa Cồng chiêng, sử thi Tây Nguyên, ngôn ngữ, kiến trúc, luật tục truyền thống, hình thức canh tác, các nghi lễ, lễ hội… Đây là những giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa cách mạng đặc sắc của Tây Nguyên đã và đang được các tỉnh trong vùng khai thác xây dựng sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa bản địa các buôn làng tại Buôn Đôn, Buôn Joon, Buôn M’liêng, Bôn Kon’Tu, Làng văn hóa Kon Klor, Làng văn hóa Đăk Răng, Buôn Go - Cát Tiên… Du khách có thể kết hợp thăm quan với nghiên cứu các giá trị kiến trúc độc đáo như nhà rông, nhà dài, nhà mồ… hoặc các nhạc cụ, nông cụ, trang phục…

 

Lễ hội đua voi Tây Nguyên
Lễ hội đua voi Tây Nguyên. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Các lễ hội Tây Nguyên như lễ hội Cồng chiêng, lễ hội đua voi, festival hoa Đà Lạt... luôn được khách du lịch quan tâm và tham gia. Du lịch tới đây có thể kết hợp với việc tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng như di tích Đắk Tô - Tân Cảnh, Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ Kon Tum, ngã ba biên giới, nhà tù Pleiku, Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo…

 

Không gian văn hóa Cồng chiêng
Không gian văn hóa Cồng chiêng.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, dấu ấn văn hóa của các dân tộc bản địa cùng với sự giao lưu văn hóa vùng miền và các dân tộc di cư tới sau này cũng làm nên những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, phù hợp để phát triển du lịch. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tôn trọng, đề cao tính bản địa, để những giá trị đúng với hồn cốt Tây Nguyên được bảo tồn, phát huy, tạo thành những sản phẩm du lịch cụ thể, đặc trưng, có chất lượng và mang thương hiệu của vùng cao nguyên hùng vĩ này.

Nguồn: LV

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *