Tin du lịch
Du lịch thông minh: Cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương nhấn mạnh, sự biến đổi không ngừng của công nghệ đã và đang tạo ra những cơ hội và thách thức cho các ngành kinh tế, xã hội của Việt Nam. Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ban hành, trong đó du lịch được xác định là một ngành có nhiều lợi thế và có cơ hội phát triển trong bối cảnh các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để tận dụng thành công cơ hội này, biến lợi thế thành giá trị, ông Phạm Đại Dương cho rằng ngành Du lịch, cụ thể là các doanh nghiệp du lịch phải thực sự hòa mình vào xu thế của công nghệ, sẵn sàng cho sự chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường năng lực về công nghệ cho phù hợp với xu thế phát triển mới.
Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết Khu Công nghệ cao Hòa Lạc không chỉ tập trung vào việc thu hút các dự án đầu tư, các viện nghiên cứu, trường đào tạo mà còn thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối các doanh nghiệp có ứng dụng và sở hữu công nghệ cao với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho rằng phát triển du lịch thông minh là một trong những yếu tố cốt lõi, có tính chất trụ cột để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch cả về chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan tỏa trên phạm vi rộng và tạo ra nhiều cơ hội, thách thức mới cho nhiều lĩnh vực như hiện nay, thì ngành Du lịch vừa được hưởng lợi, đồng thời cũng phải đối mặt với những cạnh tranh từ các quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu và có năng lực cạnh tranh cao hơn Việt Nam. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải hành động kịp thời và chuyển hóa từ nhận thức đến hành động để du lịch thông minh có tác động và lan tỏa trong lĩnh vực du lịch.
Ngành Du lịch xác định ứng dụng CNTT chính là một trong các giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh và cũng chính là công cụ hữu hiệu để phục vụ 4 đối tượng chính trong lĩnh vực du lịch đó là: khách du lịch, điểm đến, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, ứng dụng CNTT trong ngành Du lịch theo hướng tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 cần hiện thực theo 5 định hướng chính: (1) Đẩy mạnh số hóa công tác quản lý ngành du lịch, phát triển chính quyền điện tử hướng tới du lịch bền vững, trong đó lấy nhu cầu của khách du lịch, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; (2) Đổi mới hoạt động quảng bá xúc tiến, áp dụng công nghệ số và thiết bị số tiên tiến; (3) Tăng cường chất lượng môi trường; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác công-tư, phát triển trên nền tảng số hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong việc cung cấp dịch vụ du lịch; (4) Đổi mới phương thức quản lý điểm đến, kết hợp số hóa chia sẻ và làm giàu dữ liệu điểm đến nhằm phát huy nội hàm văn hóa, giá trị gia tăng về du lịch, cải thiện yếu tố môi trường và hạ tầng phục vụ du lịch; (5) Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch dựa trên nền tảng công nghệ.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết, ngành Du lịch đã chứng kiến sự tăng trưởng bứt phá trong năm 2016, và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 9 tháng vừa qua. Với mục tiêu đạt ít nhất 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, ngành Du lịch sẽ nỗ lực cùng với các địa phương và doanh nghiệp phấn đấu mang lại giá trị cao nhất cho đất nước, trong đó chú trọng việc khai thác lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0 - một nội dung quan trọng góp phần phát triển du lịch theo chiều sâu và làm gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch.
Các diễn giả chia sẻ về chuyên đề “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh - Giải pháp cho các doanh nghiệp du lịch”
Tại phiên hội thảo toàn thể, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Du lịch, Đại sứ quán Australia trong bài phát biểu của mình đã đề cập tới các nội dung liên quan tới cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy du lịch thông minh cũng như hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. Cùng với đó là những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như: Tập đoàn Thiên Minh, DDT...
Chiều cùng ngày đã diễn ra hai cuộc hội thảo chuyên đề về “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh - Giải pháp cho các doanh nghiệp du lịch”; và “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh - Giải pháp cho các cơ quan quản lý và điểm đến du lịch”. Tại các phiên họp, đại diện các công ty công nghệ, nhà cung cấp giải pháp cho du lịch thông minh như Vinaphone, DTT, Tripi.vn, AirBnb, AntBuddy, Moca… và đại diện các cơ quan quản lý như Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), Hội đồng Tư vấn du lịch đã chia sẻ về những mô hình cụ thể nhằm giúp các cơ quan và doanh nghiệp nhận thức được cơ hội và cách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng xu hướng phát triển mới hiện nay.
Các diễn giả tại phiên thảo luận chuyên đề “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh - Giải pháp cho các cơ quan quản lý và điểm đến du lịch”.
(Nguồn: TITC)
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch