Tin du lịch

Du lịch Việt Nam và thực trạng du khách “một đi không trở lại”

Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng nhưng điều đáng buồn là có đến 90% lần đầu tiên tới mảnh đất hình chữ S, số du khách quay lại các điểm du lịch rất thấp, chỉ chiếm khoảng 6%.

Đó là thông tin từ Ban quản lý Chương trình phát triển năng lực lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU), công bố kết quả khảo sát khách du lịch tại năm điểm chính: Sapa, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An.

 

Du lịch Việt Nam và thực trạng du khách “một đi không trở lại”
Thiếu quan tâm đến suy nghĩ của du khách là một trong các nguyên nhân khiến khách ngoảnh đầu với Việt Nam

Theo đánh giá của chương trình này, các điểm du lịch của Việt Nam hầu như chỉ thu hút khách du lịch mới đến lần đầu, rất ít khách quay lại lần thứ hai, thứ ba.

Một số doanh nghiệp cho rằng, đây là thực tế và cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Số lượng khách quay lại chủ yếu là những người đến Việt Nam vì công việc và Việt kiều về thăm thân nhân. Một phần rất nhỏ khách quay lại từ các nước láng giềng gần.

Tương tự, khách nội địa có 39% đến thăm lần đầu, 24% đến thăm lần thứ hai và chỉ có 13% đến thăm lần thứ 3.

Những yếu kém triền miên của du lịch Việt làm cho khách không muốn trở lại được phân tích kỹ, nhưng chưa đủ để dập tắt tham vọng đuổi kịp các nước láng giềng về chỉ tiêu khách cũ quay lại.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy Hội An và Đà Nẵng thu hút khách du lịch lưu trú lâu hơn là Sapa, Huế và Vịnh Hạ Long. Trung bình du khách ở Đà Nẵng và Hội An gần 4,5 đêm, trong khi chỉ có 1,5 đến 2,5 đêm ở Huế, Sapa và Hạ Long. Tuy nhiên, so với khách quốc tế, thời gian khách nội địa lưu trú ở Hạ Long dài hơn ở Hội An, Đà Nẵng.

 

Có rất ít du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Có rất ít du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần giải quyết dứt điểm nạn móc túi, cướp giật trên các tuyến đường, các khu du lịch. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý du khách, đặc biệt là đối với quyết định quay lại trong những lần sau của du khách. Hầu hết khách du lịch được hỏi cho rằng không muốn quay trở lại Việt Nam trong những lần du lịch sau, bởi một phần chính là những vấn nạn dẫn đến việc không hài lòng từ du khách.

Kết quả của Chương trình phát triển năng lực lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) cho thấy, gần một phần tư (22,8 %) khách du lịch quốc tế và một phần ba khách du lịch trong nước (31,3%) ưa thích lưu trú tại khách sạn 3 sao. Hình thức lưu trú được ưa chuộng tiếp theo là nhà dân (22,2%) và khách sạn 4 sao (13,9%). Tiếp đó, với khách du lịch trong nước là nhà nghỉ/hostel (18,9%) và khách sạn 1-2 sao (17,4%). Chỉ có 12,4% khách du lịch quốc tế và 6,1% khách du lịch nội địa lưu trú tại khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng 5 sao. Điều này cho thấy phân khúc thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu ở hạng trung.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng Trong bối cảnh chưa thể nâng cấp toàn bộ dịch vụ, hạ tầng thì muốn đón du khách trở lại, du lịch Việt Nam chỉ nên tập trung đầu tư vào dòng khách sang. Bởi lẽ, dòng khách này sẽ ít bị ảnh hưởng tiêu cực từ thực trạng làm ăn chụp giật, lừa đảo trộm cắp, giao thông ách tắc, và mức độ hài lòng về Việt Nam sẽ cao hơn khách bình dân.

 

Khách đến Việt Nam không phải vì sự lòe loẹt.
Khách đến Việt Nam không phải vì sự lòe loẹt.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cơ sở vật chất du lịch cũng như chất lượng dịch vụ của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư ồ ạt không bài bản, thiếu chuyên nghiệp được ví như con dao hai lưỡi đang đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Việc nôn nóng “đổ tiền” vào khai thác di sản cũng là một nguyên nhân.

Thứ đến là thiếu quan tâm đến suy nghĩ của du khách cũng là một nguyên nhân. Dường như ở Việt Nam, các chủ đầu tư chỉ muốn đầu tư là thực hiện chứ ít quan tâm đến việc làm như thế có giữ được cảnh quan và chiếm được cảm tình du khách hay không. Trong khi đó, các ghi nhận từ phản hồi từ du khách là điều có ý nghĩa sống còn với những người làm du lịch.

Nếu thực sự cầu thị và muốn phát triển, có lẽ những người muốn thay đổi chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam cần phải biết lắng nghe và quan tâm hơn đến những phản hồi từ du khách.

Sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền, thiếu tính liên kết. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, nghiên cứu thị trường còn thụ động, yếu kém. Hàng năm du lịch Việt Nam đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiệu quả lại không được như mong đợi.

Cho tới nay thì internet vẫn là nguồn thông tin du lịch quan trọng. Có 60% khách du lịch quốc tế và 45% khách du lịch nội địa sử dụng internet để tìm hiểu thông tin để đưa ra các quyết định cho chuyến du lịch. Tiếp theo là hình thức truyền miệng, được 33,7% du khách quốc tế và 32,3% khách nội địa tham khảo. Chỉ có hơn 25% khách du lịch quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch qua đơn vị lữ hành. Trong khi đó, khoảng 27,4% du khách nội địa lại tìm kiếm thông tin du lịch qua tivi.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện Việt Nam vẫn chỉ là địa chỉ khám phá chứ không phải là điểm đến nghỉ dưỡng của du khách quốc tế, vì thế việc khách quay trở lại Việt Nam rất ít là điều dễ hiểu.

 

Nguồn: Dân trí

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *