Tin du lịch
Du lịch Việt và bài toán “treo đầu dê…”
Không thể phủ nhận bên cạnh những “điểm cộng” như lượng du khách quốc tế liên tục tăng trưởng, chất lượng dịch vụ được cải thiện… thì ngành du lịch Việt vẫn đôi lúc chịu “mang tiếng” vì cách làm ăn chộp giật, “treo đầu dê bán thịt chó” của một số đơn vị lữ hành.
Vấn nạn vốn đã là bài toán nan giải này của ngành du lịch trong suốt nhiều năm cũng chính là bức xúc của không ít du khách Việt. Anh Đức Thắng, một người tự nhận mình là “tín đồ du lịch” khi mỗi năm thường dành tới hơn ba tháng cho các cuộc du hí khắp nơi, cả trong nước lẫn quốc tế, “tuôn một tràng” khi được hỏi đúng “chỗ ngứa”.
“Ở Việt Nam, có nhiều đơn vị lữ hành rất tử tế, nhưng một số đơn vị ăn xổi, làm ăn lởm khởm quá. Có lần mình đi du lịch theo tour, đi cùng cô hướng dẫn viên mà mình tưởng cô là du khách, hỏi gì cũng trả lời qua loa cho xong, chỗ ăn ở thì tồi tàn không như quảng cáo trước đó. Bực mình quá mà lúc về không biết nói với ai cho hết bực”.
Năm ngoái, dư luận từng hết sức bức xúc về vụ hơn 700 khách du lịch Việt Nam bị Công ty Travel Life “bỏ rơi” tại Thái Lan cũng do cách làm kiểu “đem con bỏ chợ” của Travel Life. Mua tour trọn gói sang Thái Lan tham dự hội nghị kết hợp với du lịch nhưng hàng trăm du khách bất ngờ bị “cắt” mọi dịch vụ trong hai ngày cuối do phía công ty du lịch không thanh toán đầy đủ chi phí cho phía đối tác Thái Lan.
Theo các du khách trong đoàn, họ phải trả khoảng trên dưới 7 triệu cho tour 6 ngày 5 đêm này. Tuy nhiên, theo đánh giá, số tiền này thậm chí chưa đủ tiền vé máy bay nên rõ ràng, khách không thể có được dịch vụ ăn, ngủ, đi lại chứ đừng nói đến việc tham gia sự kiện hội họp như mục đích ban đầu. Rõ ràng, vì ham “của rẻ” mà không ít người đã phải “rước bực vào người” khi chất lượng dịch vụ chẳng hề song hành với những cam kết từ phía công ty du lịch.
Theo một thống kê mới đây, người dùng Internet ở Việt Nam hiện chiếm 36% dân số, trong đó gần 80% sử dụng các công cụ tìm kiếm để nghiên cứu sản phẩm & dịch vụ trực tuyến, mà 77% trong đó là tìm kiếm liên quan tới Du lịch. |
Vụ việc của Travel Life hay Anh Kiệt không phải là “chuyện hiếm” của nạn “du lịch đen”, cách gọi về những hình thức làm du lịch lừa đảo, mang tính chất chộp giật hoặc thiếu kinh nghiệm, dẫn đến thiệt hại rất lớn cả về vật chất và tinh thần đối với du khách của không ít đơn vị làm lữ hành. Với những trường hợp này, người bỏ tiền ra để đi du lịch nghiễm nhiên rơi vào vòng xoáy của vô vàn những vấn đề khuất tất chung quanh những nhà kinh doanh lữ hành "đen" nhằm tìm kiếm lợi nhuận “ăn xổi” và không nề hà bất cứ “chiêu trò” gì để đạt được lợi nhuận lớn nhất, bất chấp hậu quả.
Trong thời đại bùng nổ internet hiện nay, chỉ cần một cái click chuột, người dùng có thể tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các tour du lịch mình mong muốn và tiến hành đặt các dịch vụ qua mạng. Tuy nhiên, cũng chính vì việc dễ dàng tiếp cận với vô số các thông tin trên internet mà không ít trong số đó được đăng theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, khiến người dùng như lạc vào “mê cung” thông tin, thật giả lẫn lộn.
Để khắc phục được nạn “du lịch đen”, ngoài việc cần thiết phải siết chặt quản lý từ phía cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa Tổng cục Du lịch và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương, các hãng lữ hành thì một điểm quan trọng là du khách – người mua sản phẩm du lịch - cần phải tỉnh táo, biết chọn lọc thông tin để có sự lựa chọn đúng đắn và hiệu quả.
Nguồn: Dân trí
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch