Tin du lịch
Giá xăng giảm, nhà vận chuyển vẫn “quay lưng” với lợi ích của du khách
Trong khi giá xăng thời gian qua liên tục giảm mạnh, ước tính giảm tới 40% nhưng đến thời điểm hiện tại, giá cước vận chuyển du lịch vẫn “án binh bất động”.
Cũng giống các doanh nghiệp vận chuyển thông thường, mỗi đợt xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải đều đua nhau đòi tăng giá cước. Nay xăng qua nhiều lần giảm giá với tổng mức giảm tới gần 10 ngàn đồng. Vậy mà khi được hỏi lúc nào giảm giá cước, các nhà xe đều đưa ra muôn ngàn lý do để trì hoãn.
“Họ nói rằng hiện giá cả chưa ổn định mặc dù tính đến nay là 6 tháng tính từ lúc giá xăng giảm. Không chỉ giá cước vận tải đường bộ, mà giá vé máy bay cũng không giảm là bao. Trong khi trước đó, mỗi lần xăng tăng giá các họ đòi tăng giá cước ngay”, chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour nói.
Theo tính toán của các doanh nghiệp lữ hành, với mức giảm tới 40% kể từ 6 tháng nay, giá tour trong nước sẽ giảm được từ 10 -15 %. Từ đó, có thể thấy được ngay mức hưởng lợi khổng lồ của các DN vận tải từ việc cố tình không giảm giá cước. Không chỉ giá cước vận chuyển bằng đường bộ không chây ỳ, hàng không các dịch vụ vận chuyển đường biển cũng làm ngơ trước sự việc giá xăng giảm sâu kéo dài.
Cũng theo chị Huyền, trước tình hình này, các doanh nghiệp lữ hành đã nhiều lần yêu cầu các nhà vận chuyển điều chỉnh giá cước nhưng họ đưa ra hàng nghìn lý do để trì hoãn việc giảm giá cước.
Trên thực tế giá cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, do thị trường điều tiết. Tuy nhiên, không như một số các doanh nghiệp vận tải dân dụng khác, hầu hết các doanh nghiệp vận tải du lịch với thái độ chây ỳ vẫn không giảm cước. Việc này đang được xem như là một sự thách thức với cơ quan chức năng, gây bức xúc trong môi trường kinh doanh du lịch, đặc biệt trong bối cảnh Tổng cục Du lịch đang ra sức kêu gọi kích cầu du lịch nội địa.
Giá xăng giảm tới 6 tháng, rất nhiều lần nhưng cước vận chuyển du lịch không giảm khiến các nhà làm tour rất khó khăn đối với việc tư vấn cho khách.
Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Tuy Hòa, chia sẻ từ khi giá xăng giảm mạnh liên tục, đã có rất nhiều khách hàng hỏi tôi rằng, giá xăng giảm như thế sao giá tour không giảm. Nói thật tôi chẳng biết trả lời ra sao vì thực tế, từ thời đó đến nay giá cước vận chuyển du lịch vẫn giữ mức cũ. “Chúng tôi không biết phải làm sao” – ông Tùng nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, việc các doanh nghiệp vẫn muốn tối đa lợi nhuận tiếp tục “hút máu” người tiêu dùng cho thấy các doanh nghiệp vận tải đang có sự bắt tay liên kết tạo nên thế độc quyền nhóm. Vì thế, rất khó có thể bắt buộc các doanh nghiệp này điều chỉnh chính sách của mình, ngoại trừ có sự ra tay của cơ quan chức năng
Sự việc đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy có rất nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Trước tình hình này, mới đây Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải. Tuy nhiên, các chính sách mới chỉ nhằm vào các doanh nghiệp vận chuyển khách đơn thuần chứ chưa “đánh” vào các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch.
Nguồn: Dân trí
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch