Tin du lịch

Giải pháp nào thu hút du lịch Lai Châu

Sự độc đáo về địa hình với núi non trùng điệp, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên hoang sơ đã tạo ra cảnh quan tuyệt đẹp cho Lai Châu. Vùng đất này là nơi cộng đồng các dân tộc sinh sống với những phong tục tập quán đa dạng, lâu đời, còn giữ được gần như nguyên vẹn các giá trị truyền thống… đang là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách.

Mảnh đất “màu mỡ”

Khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã được thông suốt, tuyến du lịch Sa Pa - Lào Cai - Điện Biên Phủ - Điện Biên đã trở nên quen thuộc với du khách từ các tỉnh đồng bằng lên các tỉnh Tây Bắc. Từ khi đặt chân đến huyện Tam Đường - cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, du khách đã được khám phá những điều đặc sắc của mảnh đất biên cương của Tổ quốc với những dãy núi cao trập trùng, những mái nhà sàn thấp thoáng bên những sườn núi, ruộng bậc thang chênh vênh, những người phụ nữ trong trang phục dân tộc rực rỡ đang chăm con bên hiên nhà…

 

Phong cảnh Tả Lèng, huyện Tam Đường
Phong cảnh Tả Lèng, huyện Tam Đường.

Lai Châu là một trong những mảnh đất màu mỡ để phát triển loại hình du lịch như khám phá, chinh phục tự nhiên, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, nghiên cứu và trải nghiệm văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 6 điểm du lịch đang thu hút sự quan tâm của các đơn vị lữ hành, du khách trong và ngoài nước, đó là điểm du lịch thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), Động Tiên Sơn, bản Hon, bản Nà Luồng (huyện Tam Đường), bản Gia Khâu I, bản Gia Khâu II (xã Nậm Lỏong, thành phố Lai Châu) và điểm du lịch bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ). Tuy nhiên, các điểm di tích danh thắng như cao nguyên Sìn Hồ, vườn quốc gia Hoàng Liên, khu danh thắng Pusamcap, cảnh quan sông Đà… đều quyến rũ đối với khách thập phương, nhưng vẫn chưa được đầu tư, gắn với các sản phẩm du lịch cụ thể để mang lại giá trị kinh tế.

Đặc biệt, đồng bào Lự, Lào, Thái, Mông… sinh sống tại đây còn giữ được những phong tục tập quán, bảo tồn được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ kiến trúc nhà sàn, nghề dệt truyền thống, trang phục, lễ hội truyền thống… Những hương vị ẩm thực đặc sắc từ sâu đá, rêu đá, cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng rừng, thịt trâu sấy, rau đắng… luôn hấp dẫn thực khách.

Tìm giải pháp cho phát triển du lịch

Năm 2015, Lai Châu đã thu hút được hơn 182.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 285 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện nay có trên 100 cơ sở lưu trú và gần 130 nhà hàng lớn, nhỏ cơ bản đảm bảo phục vụ khách du lịch. Những sự kiện lớn như Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2016 (từ ngày 27/4/2016 đến ngày 30/4/2016) dù mới tổ chức lần đầu nhưng đã thu hút hơn 10 ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm và mua sắm chứng tỏ sự hấp dẫn của mảnh đất này.

 

Thiếu nữ dân tộc Lự ở Bản Hon
Thiếu nữ dân tộc Lự ở Bản Hon.

Tuy nhiên, so với nhiều địa phương trong cả nước, tài nguyên du lịch của Lai Châu phần lớn ở dạng tiềm năng, điều kiện khai thác còn khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như giao thông, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông… tuy được chú trọng đầu tư nhưng nhìn chung vẫn còn kém phát triển nên khó khăn trong việc tiếp cận các điểm du lịch. Địa phương hiện đang kêu gọi đầu tư vào 21 dự án trọng điểm đến năm 2020, với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư. Trong đó, riêng lĩnh vực thương mại, du lịch có 5 dự án với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Đây cũng là những việc Lai Châu cần làm ngay để nối gần khoảng cách giữa các trung tâm du lịch lớn của cả nước với mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Phát biểu trong Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Lai Châu lần thứ I được tổ chức cuối tháng 4/2016 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho rằng, một trong những giải pháp mà Lai Châu cần làm là phát triển sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng tới quy hoạch để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khai thác hết thế mạnh của sản phẩm. Theo đó, 4 hướng đầu tư tập trung được đưa ra là: Phát triển thành phố Lai Châu thành trung tâm điều hành và dịch vụ du lịch tổng hợp, khu du lịch nghỉ dưỡng Sìn Hồ được đầu tư theo hướng khu du lịch quốc gia, phát triển khu vực Tam Đường, Bình Lư thành điểm tham quan, vui chơi giải trí cuối tuần và khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng thành khu dịch vụ, du lịch thương mại cửa khẩu.

 

Pu Sam Cáp đã và đang thu hút hàng chục nghìn lượt khách du
            lịch mỗi năm, xứng danh kỳ quan “Tây Bắc đệ nhất động”
Pu Sam Cáp đã và đang thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, xứng danh kỳ quan “Tây Bắc đệ nhất động”.

Hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, bền vững là hướng được nhiều doanh nghiệp lữ hành gợi mở cho du lịch Lai Châu. Theo chị Nguyễn Thương (Công ty du lịch Hương Giang - Hà Nội), nhiều khách du lịch có nhu cầu tham gia những tour du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống tại những bản làng thuộc khu vực miền núi phía Tây Bắc, nhưng khi đã quá quen với các điểm đến như Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) hay Sa Pa (Lào Cai) thì những bản làng văn hóa của Lai Châu sẽ là phương án được nhiều người lựa chọn, nhất là khi giao thông không còn là vấn đề quá khó khăn khi đi lên đây.

Cùng với các tỉnh Tây Bắc, Lai Châu đang tích cực chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2017, trong đó có việc liên kết để phát triển các sản phẩm đặc trưng của vùng như “Hành trình khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang - Tây Bắc”, “Chợ phiên vùng cao”, “Sắc hoa Tây Bắc”, chương trình du lịch “Dấu chân huyền thoại” - Khám phá các cung đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên lịch sử, du lịch cộng đồng... Việc liên kết quảng bá, phát triển sản phẩm trong vùng cùng với các hoạt động điểm nhấn của năm Du lịch quốc gia sẽ là động lực cũng như giải pháp để phát triển du lịch Lai Châu.

Nguồn: LV

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *