Tin du lịch

Hà Nội: Phát động cuộc thi Khám phá Di sản thế giới

Cuộc thi Khám phá Di sản thế giới tại Hà Nội – Thành phố vì hoà bình chính thức được phát động vào ngày 6/11/2014 nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị Di sản của Hà Nội được UNESCO công nhận.

Cuộc thi do Sở VHTTDL Hà Nội nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam và kỷ niệm 15 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hoà bình.

Cuộc thi “Khám phá các Di sản thế giới ở Hà Nội – Thành phố vì hoà bình” được xem là bước đầu tiên của Ban tổ chức nhằm hướng tới 2 sự kiện ở quy mô lớn hơn đó là Cuộc thi Khám phá các Di sản thế giới tại Việt Nam và Triển lãm Di sản thế giới của ASEAN – bản sắc văn hoá ASEAN dự kiến được tổ chức trong năm 2015. Đây là chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chào mừng hiện thực hoá cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

Cuộc thi năm nay, Ban tổ chức đưa ra đề tài là 4 Di sản Văn hoá thế giới của Hà Nội là: Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, 82 bia đá tiến sỹ - Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hội Gióng – Đền Sóc (Sóc Sơn) và Đền Phù Đồng Gia Lâm, Di sản Ca Trù để cộng đồng trong nước và quốc tế tham gia bày tỏ những trăn trở của cá nhân, của cộng đồng đối với di sản. Từ đó, đưa ra những ý tưởng, chương trình kế hoạch nhằm đóng góp cho công tác bảo tồn và đặc biệt là phát huy hiệu quả vai trò của di sản trong đời sống cộng đồng.

Với mỗi di sản, Ban tổ chức sẽ đưa ra những gợi mở, định hướng tìm hiểu cho người dự thi, nhằm khuyến khích người dự thi khai thác vấn đề sâu và hiệu quả hơn. Đơn cử, với khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội cần có một giải pháp tổng thể trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích này? 82 bia đá tiến sỹ - Văn Miếu Quốc Tử Giám thì làm sao để cải thiện ý thức của người dân tham gia vào quá trình bảo vệ di sản quý này? Cách nào để Đền Gióng (Sóc Sơn) và Đền Phù Đồng Gia Lâm khai thác và phát huy giá trị của lễ hội, không gian lễ hội mà vẫn đảm bảo gìn giữ được các giá trị nguyên gốc của di sản? Còn với Ca Trù làm thế nào để tăng cường sức sống của di sản trong đời sống cộng đồng?...

Ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: người dự thi có thể đưa ra các đề tài khác mà họ quan tâm. Ban tổ chức đánh giá cao những ý kiến đổi mới, sáng tạo của cộng đồng tham gia cuộc thi, đặc biệt là những đề xuất, ý kiến đóng góp nhằm khai thác và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng trẻ - chủ nhân tương lại của đất nước.

Ban tổ chức khuyến khích người dân tham gia tìm hiểu và thể hiện các quan điểm, ấn tượng của mình về di sản văn hoá của Thủ đô theo cách của riêng mình như viết bài, dựng phóng sự, clip đồ hoạ, hoặc thể hiện dưới dạng bài tìm hiểu, công trình nghiên cứu, dự án hoạt động…

Các tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm về tham dự cuộc thi, Ban tổ chức không giới hạn số lượng tác phẩm tham dự. Tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá qua 3 vòng tuyển chọn, các tác phẩm sẽ được đăng trên website: hanoidep.vn. Tác phẩm dự thi gửi về email: disanvanhoahanoi@gmail.com và Quỹ Văn hoá Hà Nội – 47 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cuộc thi bắt đầu từ 10/11/2014, ngày 18 – 25/12 đăng tải các tác phẩm lên website để cộng đồng tham gia bình chọn, ngày 26/12/2014 sẽ công bố kết quả cuộc thi, ngày 30/12/2014 sẽ tổ chức trao giải thưởng cho các cá nhân, nhóm tác giả đoạt giải.

Cuộc thi sẽ góp phần tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho những ai yêu mến Hà Nội và mong muốn tìm hiểu về các giá trị văn hoá tiêu biểu của Thủ đô đã được tổ chức UNESCO công nhận, góp phần nâng cao vị thế và tầm vóc của Hà Nội trong mắt của người dân cả nước và bạn bè quốc tế./.

Nguồn: langvietonline.vn

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *