Tin du lịch
Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của cả nước
Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn. Bộ phận hỗ trợ khách với sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành hoạt động có hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, tạo môi trường du lịch an ninh, an toàn và văn minh. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế được đẩy mạnh, đặc biệt việc tham gia các sự kiện lớn tại các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng trong khu vực và thế giới.
Năm 2014, du lịch Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của cả nước cũng như khu vực với việc nhận được nhiều giải thưởng uy tín như: Được tạp chí TripAdvisor bình chọn đứng thứ 2/25 điểm đến hàng đầu châu Á, là điểm đến du lịch có mức giá tốt nhất thế giới năm 2014, điểm đến thứ 8/25 điểm du lịch hàng đầu thế giới năm 2014. Còn tạp chí Smart Travel Asia bình chọn Hà Nội vào top 10 điểm đến cho các kỳ nghỉ tốt nhất châu Á năm 2014. Đặc biệt, ngày 30/12, tại khách sạn De L’Opera, thành phố Hà Nội đã đón vị khách du lịch quốc tế thứ 3 triệu. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tăng trưởng đáng khích lệ của du lịch Thủ đô và khẳng định các danh hiệu được bầu chọn của thành phố Hà Nội. Đồng thời, đây còn là một hoạt động quảng bá nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội ngày một nhiều hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam.
Cùng với kết quả trên, Hà Nội cũng đã đón 15 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu toàn ngành du lịch Hà Nội ước đạt 48.000 tỷ đồng. Như vậy, ngành du lịch Thủ đô đã hoàn thành chỉ tiêu trong một năm có nhiều khó đối với du lịch.
Nhằm thu hút hơn nữa du khách quốc tế đến Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội định hướng các thị trường tập trung đẩy mạnh xúc tiến trong thời gian tới gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Nga và một số nước Đông Âu gồm: Ba Lan, Séc, Hungary. Riêng trường khách du lịch Nhật Bản, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường này vì đây là thị trường khách lớn. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, thị trường Nhật Bản mỗi năm có khoảng 20 triệu khách đi du lịch nước, tuy nhiên số lượng khách Nhật đến Việt Nam và Hà Nội chưa xứng tầm với tiềm năng. Chính vì vậy trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam khai thác hợp lý, hiệu quả Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại Tokyo; Tham gia thường xuyên Hội chợ du lịch quốc tế JATA và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) do Tokyo làm chủ tịch, thực hiện việc quảng bá du lịch đối ứng giữa Hà Nội với Tokyo nhằm thu hút đông đảo du khách Nhật Bản đến Hà Nội.
Với các thị trường khác, Hà Nội sẽ tích cực tham gia các hội chợ du lịch, tổ chức các hội nghị xúc tiến du lịch tại các nước, đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành gửi khách và báo chí du lịch từ các thị trường này đến khảo sát du lịch Hà Nội và các vùng phụ cận. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh nâng cao, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực du lịch đồng thời gia tăng các hoạt động, chiến dịch kích cầu một cách sâu rộng tới các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch như khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, khu, điểm du lịch, vận chuyển khách... Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền hình lớn có đông người xem trên thế giới như CNN, Discovery Channel…
Mặt khác, Hà Nội sẽ gắn kết giữa phát triến du lịch với các di sản văn hóa sẵn có của Thủ đô. Theo đó, Hà Nội tập trung khai thác những di tích có nhiều khách du lịch đến thăm quan, các di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách, đồng thời sẽ tăng giá vé nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại một số di tích. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Trong năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ trình Hội đồng nhân dân Thành phố cho phép tăng phí tham quan của 3 điểm di tích: Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Di tích Hỏa Lò. Sau khi được phép tăng giá phí tham quan, các di tích phải cam kết nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đang khai thác phục vụ khách tham quan. “Dứt khoát các điểm di tích này sang năm phải có sự đổi mới, đảm bảo rằng khi du khách đến các di tích sẽ thấy được sự mới lạ” – ông Trương Minh Tiến khẳng định.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tiếp tục duy trì và tăng cường hình ảnh của Hà Nội – điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện; xây dựng môi trường du lịch, nâng cao ý thức, môi trường văn hóa, giao tiếp cộng cộng đồng; xây dựng hệ thống các dịch vụ, các sản phẩm du lịch, khai thác có hiệu quả du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới.
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch