Tin du lịch

Hưng Yên: Bảo tồn những nét tinh hoa của nghệ thuật hát ca trù và hát trống quân

Tỉnh Hưng Yên đang triển khai chương trình "Bảo vệ di sản hát ca trù và hát trống quân giai đoạn 2014-2020" nhằm tiếp tục khôi phục, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc về phong tục tập quán tốt đẹp, lề lối sinh hoạt văn hóa; đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa hát ca trù và trống quân trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ nay đến năm 2020, hát ca trù và trống quân sẽ được phổ biến rộng rãi trong các lễ hội văn hoá của tỉnh; trong đó, hát Trống quân trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Hưng Yên. Các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Hưng Yên, Khoái Châu, Văn Giang thường xuyên tổ chức biểu diễn ca trù, trống quân để quảng bá đồng thời phục vụ du khách theo tuyến du lịch sông Hồng, sau đó nhân rộng trong toàn tỉnh.

Tại các địa phương chưa có câu lạc bộ mà có người biết đàn, hát ca trù và trống quân sẽ lập các câu lạc bộ để duy trì sinh hoạt, luyện tập thường xuyên để nâng cao chất lượng nghệ thuật, đủ khả năng trình diễn phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, ngành văn hóa tổ chức các lớp học, lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức và truyền dạy, nâng cao trình độ cho các thành viên của các câu lạc bộ và hạt nhân văn nghệ của một số địa phương trong tỉnh. Khôi phục sinh hoạt hát, tế cửa đình để trình diễn phục vụ lễ hội tại các di tích, chú trọng các địa phương đã có truyền thống hát ca trù, trống quân; tổ chức trình diễn tại các lễ hội, hội thi, liên hoan hàng năm do tỉnh tổ chức.

Hưng Yên hiện có 3 câu lạc bộ hát ca trù với 56 thành viên, đa số là ca nương, đào kép ở những vùng có truyền thống như xã Vĩnh Khúc, xã Mễ Sở (Văn Giang); xã Bình Minh (Khoái Châu), xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên). Ngoài ra, còn có hơn 20 người biết hát từ 1 đến 2 làn điệu ca trù ở các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, Mỹ Hào. Hát trống quân trước đây tập trung nhiều nhất ở các huyện Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động và Văn Giang; trong đó, nổi tiếng nhất là Câu lạc bộ hát Trống quân xã Dạ Trạch (Khoái Châu) được thành lập năm 1989, với 26 thành viên trong đó 7 người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian. Năm 2013, Câu lạc bộ Trống quân Dạ Trạch đã tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam và đoạt giải xuất sắc.

Tuy nhiên, không gian (lễ hội truyền thống, hội thi, hội diễn…) để ca trù và trống quân hoạt động ở Hưng Yên ngày càng bị thu hẹp. Việc tham gia biểu diễn loại hình nghệ thuật này trong các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ do các cơ quan, tổ chức, đơn vị biểu diễn cũng còn quá ít. Do vậy, chương trình "Bảo vệ di sản hát ca trù và hát trống quân giai đoạn 2014-2020" sẽ góp phần lưu giữ những nét tinh hoa, để loại hình nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc này mãi mãi là báu vật trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, được lưu truyền sâu rộng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Việt./.

(
Nguồn: dangcongsan.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *