Tin du lịch

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Năm 2015, Thanh Hóa được chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Đó là cơ hội cho tỉnh triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển, phô bày thế mạnh di sản văn hóa cũng như cảnh quan thiên nhiên trước du khách trong và ngoài nước.
Nguồn tài nguyên du lịch phong phú

Đến Thanh Hóa vào những ngày đầu tháng 8 năm nay, chúng tôi qua Thành nhà Hồ, một di sản nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 2011. Tận mắt ngắm nhìn tòa thành sừng sững, so sánh với sử liệu mới thấy rõ hơn về nét độc đáo làm nên giá trị toàn cầu của di sản, trong đó, không có gì ấn tượng hơn là tòa thành kỳ vĩ được xây dựng bằng những khối đá nặng từ 10 đến 26 tấn, chồng lên cao hàng chục mét và đạt trình độ cao cả về công năng quân sự lẫn yêu cầu thẩm mỹ.


Theo PGS - TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, việc xây thành là một kỳ tích "vô tiền khoáng hậu", nhất là trong điều kiện kỹ thuật xây dựng ở Việt Nam vào thế kỷ XIV-XV còn rất hạn chế. Điều quan trọng là Thành nhà Hồ không chỉ là tòa thành thông thường, mà là một tòa Hoàng thành nằm trong cấu trúc tổng thể của kinh đô Việt Nam, với chức năng bao bọc toàn bộ nơi làm việc và nghỉ ngơi của hoàng gia.

Chúng tôi cũng không bỏ qua Khu di tích quốc gia Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, nơi yên nghỉ của các vua Lê và hoàng hậu, được xây dựng từ thế kỷ XV. Ngoài tham quan lăng tẩm, bia ký, du khách còn là khám phá không gian thiên nhiên rộng mở tại đây như núi Dầu, núi Mộc, sông Ngọc, hồ Tây... Đi về phía tây, cách thành phố Thanh Hóa 80km để được tận mắt chiêm ngưỡng suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) và tìm hiểu nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán mang đậm dấu ấn người Mường…

Chính những di sản giá trị nói trên đã giúp Thanh Hóa ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch trong những năm gần đây. Năm 2013, tỉnh đón 4.090.000 lượt khách, tăng 10,5% so với năm 2012, trong đó khách quốc tế đạt 84.970 lượt (tăng 41,4% so với năm 2012). 6 tháng đầu năm 2014, tổng lượng khách đạt 2.881.800 lượt, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

 
Thanh Hóa có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị như di chỉ Núi Đọ (huyện Đông Sơn), nơi phát hiện công cụ đá cổ của người xưa; di chỉ hang Con Moong (huyện Thạch Thành), nơi lưu giữ nguyên vẹn dấu vết của người tiền sử. Hiện Thanh Hóa có 1.535 di tích, trong đó có 134 di tích được xếp hạng quốc gia, 412 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Hướng đến cách làm du lịch chuyên nghiệp

Nhưng Thanh Hóa không thể phát triển du lịch bền vững nếu chỉ dựa vào lợi thế tự nhiên. Năm Du lịch quốc gia 2015 được tổ chức trên địa bàn sẽ giúp Thanh Hóa có cơ hội chuyển sang cách làm bài bản hơn. Hôm về lại thành phố Thanh Hóa, gặp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt, ông nói rằng, để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa, tỉnh đã xem xét, rà soát lại các quy hoạch và tập trung vào xây dựng và hoàn thiện những khu, điểm du lịch như Thành nhà Hồ, khu di tích danh thắng Hàm Rồng, suối cá Cẩm Lương, bãi tắm Sầm Sơn, khu di tích đền Bà Triệu. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng các dự án phục vụ Năm Du lịch quốc gia, chẳng hạn như phỏng dựng chính điện Lam Kinh, hiện đã hoàn thành 2/3 khối lượng công việc, chắc chắn sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2015; xây dựng nhà hát Lam Sơn (khánh thành vào tháng 10 năm 2014); Trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh (hoàn thành vào tháng 3 năm 2015)... UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như tour du lịch đường thủy ngược xuôi sông Mã gắn với thăm các điểm đến từ Sầm Sơn đến suối cá Cẩm Lương, khai thác các di sản văn hóa phi vật thể trong vùng dân cư hai bên bờ sông Mã, điển hình là hò sông Mã.

Để phục vụ cho việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2015, Thanh Hóa đã củng cố, nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại các điểm đến, đặc biệt là tại thị xã Sầm Sơn. Theo ông Hoàng Khắc Nhu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, du lịch Sầm Sơn hai năm nay có nhiều chuyển biến, hiện tượng chặt chém, giá cả không rõ ràng ở đây đã cơ bản được khắc phục. Có được sự tiến bộ này là do chính quyền thắt chặt công tác quản lý, yêu cầu các cơ sở lưu trú và nhà hàng công khai bảng giá niêm yết, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở việc thực hiện chính sách giá cả minh bạch. Khi phát hiện có hiện tượng ép khách, ép giá, chính quyền Sầm Sơn đã xử lý nghiêm, phạt hành chính 10 triệu đồng với trường hợp tăng giá ở mức 10% so với giá niêm yết, phạt 20 triệu đồng khi mức tăng giá lên đến 20%... "Hai năm trở về trước, khách du lịch ngồi uống nước trong khoảng nửa tiếng có thể có tới mấy chục người bán hàng rong đến chào mời nhưng bây giờ, hiện tượng này chỉ còn là cá biệt", ông Hoàng Khắc Nhu chia sẻ.

Thanh Hóa cũng đầu tư mạnh cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch. Riêng 6 tháng đầu năm 2014 có 28 cơ sở lưu trú được đầu tư mới, nâng tổng số lên 672 cơ sở lưu trú với 14.000 phòng trong đó có 85 cơ sở được xếp hạng khách sạn 1-4 sao, 351 cơ sở xếp hạng nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Nhân lực làm du lịch cũng được cải thiện.

Với sự chuẩn bị bài bản, Năm Du lịch quốc gia 2015 được kỳ vọng tạo cú hích cho du lịch Thanh Hóa phát triển bền vững. Điều quan trọng là sự hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp, hướng đến mục tiêu kết nối các giá trị di sản, giá trị văn hóa và cảnh quan trong một tổng thể, từ đó hình thành và phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm, tour tuyến du lịch mới.

Nguồn: HNM

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *