Tin du lịch

Kiến nghị mở lại các điểm di tích, thắng cảnh và miễn giảm thuế VAT cho doanh nghiệp du lịch

 

Trước thông tin một loạt các điểm di tích, danh thắng đóng cửa theo công điện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cho mở lại các điểm di tích bởi việc này sẽ tác động tiêu cực tới việc thu hút khách.

Ngày 5/2, Hiệp Hội du lịch Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (nCoV) tới du lịch Việt Nam”.

Theo nhận định của Hiệp hội du lịch Việt Nam, dịch nCoV gây ra đã tác động lớn đến ngành du lịch. Đặc biệt, 20 hiệp hội du lịch tại các địa phương đồng loạt kiến nghị gửi cơ quan chức năng xem xét lại quy định đóng cửa các di tích, danh thắng. Nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20-30%, thậm chí có địa phương đã giảm tới 60-70%.


 

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc HanoiRedtour cho biết: Rất nhiều khách quốc tế ngỡ ngàng khi đến các điểm di tích trong ngày 4 -5/2 bị đóng cửa và phản hồi không tốt về việc này. Thực tế là chúng ta hạn chế tụ tập đông người và tổ chức lễ hội theo khuyến cáo của ngành y tế và không đón khách từ thị trường Trung Quốc và vùng có dịch là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, các đoàn khách của thị trường khác, chung ta không cấm. Khách lẻ và khách đoàn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch nCoV thì hoàn toàn có thể tham quan như bình thường.

Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA travel cho rằng: Việt Nam mới chỉ thông báo có dịch và cấm việc đón khách từ vùng có dịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng đang chung tay với cả nước chủ động phòng chống dịch nhưng việc đóng cửa các di tích và danh thắng là cực đoan.  Thái Lan, quốc gia này có số người nhiễm nCoV cao hơn nhưng đến nay các hoạt động đón khách vẫn được diễn ra bình thường bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả.

Cùng với kiến nghị sớm mở lại cửa các điểm di tích, danh thắng, các doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị đối tác hàng không có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ hủy, hoàn vé hoặc lùi thời hạn khởi hành. Với cơ quan chức năng thì hỗ trợ miễn giảm thuế VAT, giãn nợ ngân hàng…

Đại diện doanh nghiệp du lịch Thái Sơn (Nghệ An) cho biết, các chương trình tour hủy tới 95% vì du khách lo sợ dịch nCoV. Vừa qua, đơn vị có đoàn 60 khách đi Thái Lan nhưng có tới 50 người ký xác nhận không đi vì lo sợ dịch. Còn các đoàn đến Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng báo hủy chương trình vì thông báo của ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh yêu cầu khai báo những học sinh vừa đi du lịch Khánh Hòa để có biện pháp theo dõi phòng dịch. Chính vì vậy, một loạt phụ huynh báo hủy chương trình các điểm du lịch mà có bệnh nhân ghi nhận nhiễm nCoV.

Còn đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết: Khách du lịch quốc tế đến địa phương giảm 67% trong tháng qua và dự báo tiếp tục giảm. Do vậy, đây là thời điểm rất khó khăn của các đơn vị kinh doanh du lịch. Nếu dịch kéo dài rất cần hỗ trợ của Chính phủ trong việc giãn nợ vay ngân hàng và miễn giảm thuế. Còn đại diện Hiệp hôi du lịch Quảng Ninh thông tin, trước thời điểm dịch, bình quân vịnh Hạ Long đón 12.000 khách/ngày, nay chỉ đón khoảng 3.000 khách/ngày và dự báo còn tiếp tục giảm. Trong khi đó, đội tàu hơn 500 chiếc và đội ngũ hơn 5.000 nhân sự vẫn phải duy trì. Đây là khó khăn lớn với doanh nghiệp du lịch trên vịnh lúc này.

Theo ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, thông tin về dịch nCoV cần chính xác bởi nếu không chính xác sẽ gây hoang mang tác động lớn đến khách du lịch. Dự báo dịch nCoV vẫn đang diễn biến phức tạp nên có thông tin chính thống, các biện pháp phòng ngừa bởi còn nhiều thị trường khách khác có thể khai thác tiếp.

Từ phía nhà hàng khách sạn, ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Chủ tịch Hội những nhà quản lý ẩm thực Việt Nam chia sẻ: Từ khi có thông tin về dịch nCoV, lượng khách sụt giảm khoảng 30% và dự báo tiếp tục còn giảm với đối tượng khách quốc tế. Thậm chí thay vì đến nhà hàng, hiện xuất hiện xu hướng đặt hàng mua qua online và yêu cầu ship đến nhà để phòng bệnh.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Kinh nghiệm từ hồi xử lý dịch bệnh SARS cho thấy du lịch là ngành đầu tiên bị tác động ảnh hưởng nặng nhất. Điều này cũng cảnh báo đối với cơ quan quản lý du lịch không nên phụ thuộc quá vào một thị trường. Để phục hồi du lịch sau dịch thì thị trường nội địa có tầm quan trọng hàng đầu; tiếp đến là mở rộng một số thị trường mục tiêu khác, nhất là Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Hiệp hội du lịch Việt Nam đã chỉ đạo các doanh nghiệp cập nhật thường xuyên các biện pháp phòng dịch nCoV từ cơ quan chức năng, không tuyên truyền phổ biến thông tin không chính thống. Bảo vệ du khách là chính bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp sau dịch. Đồng thời, thông qua liên kết giữa các nhóm dịch vụ du lịch để xây dựng chương trình kích cầu, đặc biệt là kích cầu nội địa. Đồng thời, trong thời gian dịch, các doanh nghiệp cũng tranh thủ đào tạo nguồn nhân lực để có thể có đà cho phát triển sau này”, ông Bình cho biết.

Còn ông Nguyễn Công Hoan cũng cho biết: Phía doanh nghiệp rất cần thông tin chính xác về dịch để có kế hoạch khai thác thị trường và phục hồi từng thị trường. Đồng thời cũng cần rõ nguồn lực mà nhà nước hỗ trợ để kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, hiệp hội để tổ chức chương trình kích cầu sau dịch. Với số phòng, dịch vụ để “trống” trong thời gian dịch, các doanh nghiệp du lịch hoàn toàn có thể liên kết với nhau để kích cầu du lịch, trước mắt là du lịch nội địa để phục hồi.

Xuân Cường/Báo Tin tức

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *