Tin du lịch
“Làng Việt” và vai trò kết nối du lịch Hà Thành
Kết nối để xây dựng thương hiệu
Nằm ở vị trí trung tâm trên bản đồ du lịch Hà Nội, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên khu vực hồ Đồng Mô, Sơn Tây, một địa điểm “sơn kỳ thuỷ tú”, có địa hình đa dạng, hệ thống giao thông thuận lợi, phù hợp cho việc xây dựng một bảo tàng sống, một hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam với sắc màu đa dạng, phong phú của cộng đồng 54 dân tộc anh em, trở thành trung tâm văn hóa - du lịch quốc gia, đồng thời là điểm kết nối các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái và du lịch tâm linh trên địa bàn Thủ đô, với những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể nổi tiếng của cả văn hoá Thăng Long và văn hoá Xứ Đoài.
Từ hệ thống di tích lịch sử ngàn năm văn hiến khu vực nội Thành như: Văn Miếu Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Chùa Trấn Quốc, Thành cổ Thăng Long, Quảng trường Ba Đình - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, hệ thống các bảo tàng, đến Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, các khu du lịch sinh thái Ba Vì. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình khám phá và trải nghiệm một cách đa dạng và đầy đủ hơn những giá trị văn hoá trên địa bàn Hà Nội. Vai trò kết nối du lịch Hà thành của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo đó cũng được định hình một cách tự nhiên.
Ở một khía cạnh khác, có thể khẳng định rằng, vai trò trung tâm trong kết nối các tour du lịch Hà Nội của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được tạo dựng nên chủ yếu từ chính sức hấp dẫn bên trong của dự án này. Nói cách khác, chính những hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc, có quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu du lịch văn hóa của du khách bốn phương là yếu tố căn bản tạo nên diện mạo và vị thế trung tâm của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực du lịch văn hoá. Hơn nữa, với mục tiêu góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc thông qua hoạt động du lịch, bằng cơ chế hoạt động linh hoạt là tôn trọng vai trò của chủ thể văn hoá trong hoạt động quảng bá văn hoá của dân tộc mình, cộng với việc khai thác, vận hành và hoạt động một cách chuyên nghiệp là những dấu ấn riêng thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Điều đó làm cho các công ty lữ hành không thể không đưa Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào danh sách các tour du lịch của mình như một điểm đến hấp dẫn.
Hoàn thiện để phát triển
Tuy nhiên, để thực sự trở thành trung tâm kết nối và khẳng định một cách vững chắc vị thế của mình trong hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn còn nhiều nội dung cần thực hiện mà trước hết, cần nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục công trình theo thiết kế, đảm bảo tính đồng bộ trong khai thác, vận hành, tạo khả năng phát huy tối đa năng lực hoạt động du lịch văn hóa của mình. Đây là yêu cầu căn bản, bởi muốn phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của Làng trong hoạt động văn hóa - du lịch nói chung, trong thực hiện vai trò kết nối các tuyến du lịch Hà Nội nói riêng, các hạng mục công trình theo thiết kế cần được hoàn chỉnh, đi vào hoạt động và phát huy đầy đủ vai trò, chức năng của nó, đảm bảo phục vụ tốt nhất, cũng như tạo niềm tin cho các công ty lữ hành và du khách khi đến với Làng. Cùng với đó, ngoài những hoạt động mang tính sự kiện đã có thương hiệu như “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Tuần lễ Đại đoàn kết dân tộc”, cần nghiên cứu thiết kế và xây dựng các hoạt động thường xuyên của Làng với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng trên cơ sở khai thác và kết hợp hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, hoạt động và tiềm năng du lịch văn hoá của Làng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, cần nhanh chóng phát triển một hệ thống dịch vụ hiện đại, đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu du lịch văn hoá, nghỉ ngơi, giải trí ngày càng đa dạng và khắt khe của du khách. Hệ thống dịch vụ du lịch của Làng bao gồm dịch vụ lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và các sản phẩm, dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đóng vai trò thiết yếu, là một trong những thước đo quan trọng mức độ hài lòng của du khách. Theo đó, cần phát triển hệ thống dịch vụ du lịch theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, từ dịch vụ trọn vẹn đến riêng lẻ, dịch vụ thiết yếu, bổ trợ đến dịch vụ đặc thù. Ngoài ra, cần nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ có bản sắc và dấu ấn riêng, khả năng tương tác và quảng bá thương hiệu tốt, tạo sức hấp dẫn, thu hút và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách khi tham quan và hoạt động tại Làng.
(Nguồn: LV)
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch