Tin du lịch

Mở cửa du lịch và sáng kiến mới từ các địa phương

Mở cửa du lịch đang là động lực và chất xúc tác mạnh mẽ cho các địa phương phát huy sức sáng tạo, tìm các giải phát mới để phục hồi ngành du lịch sau hai năm khủng hoảng...

Có thể thấy, không khí mở cửa du lịch trên khắp cả nước từ khi quyết định của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/3. Những ngày vừa qua, các hoạt động xúc tiến, hội nghị và hội thảo để khởi động cho giai đoạn mới đã được tổ chức tại nhiều tỉnh thành, mang lại khí thế mới cho du lịch Việt Nam...

Thủ đô muôn sắc màu

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022" được tổ chức tại khu vực Nhà Bát Giác, vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm vào ngày 25/3. Đây chính là chương trình hưởng ứng hoạt động mở cửa trở lại du lịch, đón du khách quốc tế trong trạng thái bình thường mới của thủ đô Hà Nội.

Mở cửa du lịch và sáng kiến mới từ các địa phương
Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022 sẽ mở ra cơ hội mới cho ngành du lịch. (Nguồn: Hanoimoi)

Trong khuôn khổ chương trình này, Ngày hội khinh khí cầu "Hà Nội muôn màu" sẽ diễn ra tại Khu vườn nhãn Long Biên, ven sông Hồng, khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, từ ngày 25-27/3 cùng chuỗi sản phẩm du lịch mới với điểm nhấn đặc biệt là "Bay trải nghiệm với khinh khí cầu ngắm cảnh Hà Nội từ trên cao”.

Năm 2022, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ trên 10 triệu lượt khách, trong đó có trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu trên 30 nghìn tỷ đồng.

Thành phố sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc khác như Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2022, tuyển chọn Đại sứ du lịch Hà Nội và bài hát về du lịch Hà Nội, Lễ hội du lịch Hà Nội 2022, Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề, Festival áo dài Hà Nội 2022….

Đặc biệt, từ ngày 31/3 đến 3/4 tới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022 với chủ đề Bình thường mới - Cơ hội mới cho Du lịch Việt Nam. Sau hai năm trì hoãn vì dịch Covid-19, sự kiện sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch từ 52 tỉnh, thành trong cả nước và từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 320 gian hàng.

Dự kiến, các doanh nghiệp du lịch và hàng không sẽ tung ra tại hội chợ hơn 10.000 tour kích cầu; 100.000 vé máy bay giá rẻ; hơn 1.000 quà tặng. Xuyên suốt những ngày diễn ra hội chợ là các diễn đàn, hội thảo về nhân lực du lịch, phát triển loại hình du lịch Golf, cuộc thi ứng dụng du lịch trực tuyến...

Sức sống từ cửa ngõ miền Nam

Mới đây, Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 và Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được tổ chức ngay sau khi có tin vui chính thức về mở cửa du lịch.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long luôn được đánh giá cao, là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh.

Mở cửa du lịch và sáng kiến mới từ các địa phương
Chương trình "Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn" kéo dài từ ngày 15/3 đến 15/9. (Nguồn: TTXVN)

Xác định là cửa ngõ du lịch miền Nam, TP. Hồ Chí Minh hướng đến những sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành phố khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng.

Cụ thể, thành phố sở hữu hệ thống sông và kênh nội đô thuận lợi, chính vì thế ngành du lịch thành phố đã cùng các doanh nghiệp khai thác sản phẩm gắn với đường thủy như: Tua Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; chương trình du lịch trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hoạt động chèo SUP khu vực Thanh Đa, Bình Thạnh, quận 7, huyện Cần Giờ...

Triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế trong năm 2022, thành phố đã triển khai chương trình "TP. Hồ Chí Minh chào đón bạn" từ ngày 15/3 đến 15/9. Thông qua chương trình này, tất cả doanh nghiệp, dịch vụ có chương trình quà tặng cộng thêm cho khách du lịch khi sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp các quận, huyện và TP. Thủ Đức, doanh nghiệp nâng cao chất lượng điểm đến hiện có, đồng thời xây dựng các sản phẩm mới như: Du lịch kết hợp đa dạng các phương tiện thủy, bộ trong thành phố và kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa-Vũng Tàu; sản phẩm Sử xanh tại kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè; du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ) và các sản phẩm du lịch sinh thái tại các huyện ngoại thành...

Sáng tạo để thu hút khách

Sau gần một năm ngưng hoạt động do dịch bệnh, Khu du lịch Sun World Ba Na Hills tại Đà Nẵng đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự đầu tư lớn cho giai đoạn mới, ngay trong quãng thời gian ngừng đón khách.

Hiện tại, khu du lịch đang đầu tư giai đoạn 2 để nâng cấp, mở rộng nhiều hạng mục như cáp treo, tuyến xe lửa leo núi số 2, rạp phim 5D và 2 rạp phim Airship, vòng quay ngựa gỗ thời trung cổ, các gian hàng trò chơi có thưởng, hay một vườn hoa khổng lồ với hàng chục nghìn bông cẩm tú cầu nở rộ … với kỳ vọng bứt phá toàn diện trong những năm tới.

Ở Quảng Bình, Công ty Oxalis cũng trở lại sau đại dịch Covid-19 với tour du lịch thám hiểm rừng sâu Hang Ba đi xuyên cung đường dưới tán rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi thuộc khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Tại đây, du khách sẽ được khám phá môi trường sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm đặc hữu và đang được bảo vệ trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Quan sát và tìm hiểu các dấu chân và các dấu vết để lại khác của các động vật hoang dã như sơn dương, nai, heo rừng, vượn, voọc, mèo rừng…

Trở thành điểm nhấn của du lịch ngoại thành Hà Nội, Lễ hội du lịch Ba Vì năm nay sẽ có nhiều sản phẩm du lịch mới sẽ được giới thiệu, phục vụ du khách như: Dịch vụ tắm thuốc thảo dược và Chẩn trị và chăm sóc sức khỏe Nam y-Đông y tại Khu du lịch Ao Vua; Lễ hội Chợ phiên Mường-Dao Ba Vì trải nghiệm văn hóa Mường-Dao Ba Vì như: tục vác nước đầu xuân của già làng Mường, văn hóa ẩm thực dân tộc, văn hóa chiêng Mường, tìm hiểu Bộ lịch cổ đại người Mường Việt Nam...

Mở cửa du lịch và sáng kiến mới từ các địa phương
Khu du lịch Ao Vua là địa điểm chính của Lễ hội du lịch Ba Vi 2022. (Nguồn: Tổng cục Du lịch)

Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham gia làm nông nghiệp tại Khu du lịch Bản Coốc, xã Minh Quang; tham quan Khu du lịch Khoang Xanh-Suối Tiên với sản phẩm “Động băng tuyết”; tham quan cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, chùa Tản Viên, đền thờ Bác Hồ, tổ chức Lễ hội Cơm mới (diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Năm và mùng 10 tháng Mười âm lịch).

Hòa cùng không khí mở cửa du lịch, tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã tổ chức phát động phong trào rất ý nghĩa "Mỗi người dân trồng một cây cọ" làm cảnh quan du lịch tại địa phương.

Với kế hoạch toàn xã sẽ trồng trên 3.000 cây cọ/năm, xã sẽ có không gian văn hoá, thiên nhiên hữu tình dưới rừng cọ, nhà sàn lợp mái cọ và người dân có thể chế biến sản phẩm du lịch từ lá cọ, chế biến món ăn từ quả cọ...

“Điểm đến xanh” trọng điểm

Là một trong những địa phương có thế mạnh về du lịch, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng để triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa với chủ đề: “Du lịch Quảng Ninh - an toàn - thân thiện - hấp dẫn”.

Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, để phục vụ chiến dịch truyền thông trong nước và quốc tế, tỉnh sẽ xây dựng chuyên trang Live fully in Ha Long-Quang Ninh (Sống trọn vẹn tại Hạ Long-Quảng Ninh) và các video clip quảng bá theo chủ đề Quảng Ninh hấp dẫn 4 mùa để phát trên các kênh như S Việt Nam, VTV Travel và các nền tảng của mạng xã hội, nghiên cứu xây dựng chuyên trang Radio Du lịch Quảng Ninh, xây dựng bản đồ du lịch tương tác thông minh “3S/360 độ tỉnh Quảng Ninh”... .

Thời gian này, tỉnh Quảng Nam đang tập trung mọi mặt cho Năm Du lịch quốc gia 2022 - "Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tỉnh đang đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đang khai thác tại các Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm.

Mở cửa du lịch và sáng kiến mới từ các địa phương
Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ là điểm đến thú vị cho du khách khi đến Quảng Nam. (Nguồn: Tapchidulich)

Với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, Quảng Nam đã huy động cộng đồng, doanh nghiệp và các đơn vị du lịch tham gia tổ chức các sự kiện, hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2022, xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới, độc đáo và hấp dẫn như sản phẩm du lịch trải nghiệm sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My; lễ hội trái cây ở huyện Tiên Phước; du lịch sinh thái, gắn với cuộc sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang…

Đáng chú ý, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ là dự án tuyên phong để bắt đầu khởi động nhiều dự án của các nhà đầu tư vào khu vực miền núi phía Tây của tỉnh. Là khu du lịch sinh thái đầu tiên được đầu tư bài bản ở vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam, nơi đây sẽ là điểm đến thú vị cho du khách khi đến tỉnh.

Với công tác chuẩn bị bài bản và đổi mới, Năm Du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam chính là cơ hội vàng để ngành du lịch phục hồi, đồng thời tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *