Tin du lịch

Phát triển du lịch cộng đồng bản Năng Cát, thác Ma Hao

Với tiềm năng du lịch cộng đồng được đánh thức, thác Ma Hao ở bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá đã trở thành tour du lịch cộng đồng hấp dẫn, kết nối du lịch nơi đây với các điểm du lịch hệ sinh thái miền Tây Thanh Hoá.

Những lợi thế làm homestay

Tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát, thác Ma Hao - nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ của đồng bào người Thái như: Kiến trúc nhà sàn cổ của người Thái miền Tây Thanh Hóa; các món ăn đặc sản vùng cao như cơm lam, thịt lợn cỏ nướng và các loại rau rừng, rượu siêu men lá; các lễ hội truyền thống như Lễ hội Chá Mùn, Chá Một; các trò chơi dân gian tung còn, nhảy sạp, khua luống…

Cùng với đó, xã Trí Nang còn có thác Ma Hao với vẻ đẹp tự nhiên bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh có độ cao hơn 1.000 m và đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Các dòng suối nhỏ chạy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác Ma Hao. Khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong các năm khoảng 15 - 180C. Với những giá trị gắn liền với lịch sử hào hùng về chống giặc ngoại xâm của anh hùng dân tộc Lê Lợi... tất cả đã và đang tạo cho vùng sơn cước Trí Nang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

 

Toàn cảnh bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh
Toàn cảnh bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.

Ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà thiên nhiên ban tặng, du khách đến với các bản làng, còn có thể trực tiếp trải nghiệm, giao lưu tìm hiểu khám phá về đời sống sinh hoạt của người dân bản địa thông qua chủ nhà. Được trải nghiệm mô hình trồng rau và nuôi cá của Hợp tác xã nơi đây.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Sarah Houonker (du khách Đức) cho hay: “Tôi cảm thấy rất là thú vị khi được đến vùng quê này. Trước đây, tôi chỉ được xem nó trên ti vi, tôi nghĩ là thiên nhiên ở đây rất hoang sơ, kỳ vĩ. Con người thì rất thân thiện, đồ ăn cũng rất đặc biệt. Tuy nhiên, để có thể phát triển du lịch cộng đồng thì các bạn cần phải chú ý đến cơ sở hạ tầng và đội ngũ hướng dẫn viên và người tôi đang đề cập đến ở đây là chính chủ nhà”.

 

Mâm cơm đón khách homestay
Mâm cơm đón khách homestay.

Tuyến du lịch bản Năng Cát - thác Ma Mao mở ra cơ hội kết nối khu du lịch này với các hệ sinh thái đa dạng ở các khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, Vườn quốc gia Bến En; các Di tích quốc gia đặc biệt: Lam Kinh, Đền Bà Triệu, hang Con Moong, di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và không gian văn hóa biển xứ Thanh, nhất là khu du lịch Sầm Sơn.

Tìm hướng đi cho du lịch cộng đồng Thanh hóa

Tại lễ công bố tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn cho biết: Thác Ma Hao có tiềm năng đặc trưng, phong phú cùng các điều kiện cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng được các tiêu chuẩn đón và phục vụ du khách. Bà Thìn khẳng định: Thanh Hóa công bố “Tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao” nhằm giới thiệu rộng rãi tới các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan truyền thông và khách du lịch về điểm đến mới, hấp dẫn, đồng thời cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển du lịch cộng đồng ở Lang Chánh nói riêng và trong cả tỉnh nói chung.

 

Du khách bên thác Ma Hao
Du khách bên thác Ma Hao.

Phát triển du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch mới được lãnh đạo huyện Lang Chánh chú trọng bởi ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế - xã hội, khai thác loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, bản sắc tộc người, giữ gìn cảnh quan tự nhiên. Để bản Năng Cát - thác Ma Hao trở thành điểm đến của đông đảo khách thập phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; có cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án nhằm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ; khuyến khích các hộ kinh doanh tạo thêm sản phẩm du lịch dịch vụ đi đôi với chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ, chú trọng bảo vệ môi trường.

Cần những giải pháp đồng bộ

Thứ nhất, xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để làm cơ sở đầu tư và kêu gọi đầu tư thực hiện Đề án.

Thứ hai, cần có sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực của UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền địa phương; sự hưởng ứng tích cực của tổ chức, doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành và cộng đồng dân cư vào việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng này.

Thứ ba, đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng phải chú ý giữ gìn, tôn tạo những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo vệ sinh môi trường; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ tư, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng phải đáp ứng được nhu cầu chủ yếu của khách du lịch như: Khách du lịch phải được gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng cư dân địa phương, hộ làm nương rẫy, đánh bắt cá, làm nghề truyền thống và các hoạt động thường ngày; được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân dưới hình thức tham gia vào một số công đoạn sản xuất/canh tác nông nghiệp; tham quan phong cảnh, con người, văn hóa và lối sống của người dân tại các buôn lựa chọn; Phải thu hút được các doanh nghiệp đầu tư: dịch vụ hướng dẫn tham quan, thuyết minh; dịch vụ hướng dẫn trải nghiệm; dịch vụ ẩm thực, cung cấp dịch vụ ăn uống; dịch vụ lưu trú, nhất là lưu trú tại nhà dân (homestay).

Nguồn: Làng Việt

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *