Tin du lịch
Vẫn diễn ra nhiều hiện tượng tiêu cực
Khách du lịch tăng mạnh Theo thông tin từ các hãng lữ hành, lượng khách đặt tua vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã tăng hơn 20% so cùng kỳ.
Vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, riêng TP Điện Biên Phủ đã đón hàng nghìn lượt khách, trong đó khách nước ngoài là 40 đoàn với gần 400 người đến từ 20 quốc gia. Tỉnh Điện Biên đã chủ động đưa các đoàn khách đến nghỉ tại các bản văn hóa chung quanh thành phố... Bên cạnh đó, một số nhà dân đã tự nguyện dành nhiều phòng nghỉ miễn phí. Một số công ty tư nhân đã tận dụng trụ sở để làm nhà nghỉ cho khách... Còn tại Sa Pa (Lào Cai), trong đợt nghỉ lễ đã đón khoảng hơn 30 nghìn lượt du khách, trong đó khách quốc tế khoảng 30%; chủ yếu là khách nội địa, tăng 40% so cùng kỳ.
Ở Thủ đô Hà Nội, các địa điểm như: Times City, Royal City, Vincom hoặc các công viên Bách Thảo, Thống Nhất, vườn thú Hà Nội, các rạp chiếu phim Tháng Tám, Trung tâm chiếu phim quốc gia... đều trong tình trạng quá tải.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, trong Tuần du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2014, chỉ tính từ ngày 24-4 đến 3-5, tỉnh đã đón hơn 500 nghìn lượt du khách. Cao điểm nhất vào ngày 30-4 đã có 25 nghìn lượt du khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Đảo Cô Tô, trong hai ngày lễ, tất cả các nhà nghỉ đến dịch vụ homestay đều đạt 100% công suất phòng.
Ban quản lý cảng tàu Cô Tô đã phải bố trí gần 40 lượt tàu cao tốc đưa đón khách ra đảo.
Tại Hải Phòng, khu du lịch đảo Cát Bà đã đón khoảng 50 nghìn lượt du khách, Đồ Sơn đón khoảng 450 nghìn lượt du khách và Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đón khoảng hơn ba nghìn du khách. Trong hai ngày 30-4 và 1-5, lượng khách đến Cát Bà khoảng hơn 1,5 nghìn lượt du khách/ngày.
Các chuyến tàu chở khách ra đảo Cát Bà, phà biển, tàu du lịch vịnh Lan Hạ đã phải hoạt động hết công suất.
Hai bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Cửa Lò (Nghệ An) gần như được đặt kín chỗ. Tại Hà Tĩnh, các khu du lịch biển Xuân Thành, Thiên Cầm và TP Hà Tĩnh đều "cháy" phòng. Du khách đến Quảng Bình thăm hang động Phong Nha, tắm biển Nhật Lệ và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng tăng đột biến. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đón hơn 100 nghìn lượt du khách, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Công suất sử dụng buồng phòng ở TP Huế đạt 100%; riêng các khách sạn từ 1 đến 4 sao luôn vượt công suất từ 110 đến 125%.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, khách đến tham quan, du lịch thành phố dịp này lên tới con số 200 nghìn lượt. Các khách sạn, resort ven biển của Đà Nẵng dịp này đạt gần 100% công suất phòng; tại Bà Nà Hills, 80 phòng khách sạn tại đây cũng đã được đặt hết phòng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: "Huyện dự kiến đón khoảng 1.200 du khách ra tham quan đảo, nhưng thực tế đã tăng gấp ba lần. Các nhà nghỉ, khách sạn đều hết phòng lưu trú và huyện đã phải huy động cả các cơ quan, nhà dân để phục vụ đón khách". Ban quản lý cảng Sa Kỳ đã phải huy động bốn tàu cao tốc vận chuyển mỗi ngày từ 800 đến hơn 1.000 khách. Tại Đà Lạt, có 624 cơ sở lưu trú du lịch, gần 11 nghìn phòng nhưng phần lớn các khách sạn đều thông báo hết phòng vào các ngày từ 29-4 đến 2-5.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch văn hóa Suối Tiên Huỳnh Đồng Tuấn cho biết, trong ba ngày 30-4, 1-5 và 2-5, Suối Tiên đã đón hơn 135 nghìn lượt khách tham quan, tăng khoảng 50% so ngày thường và 10% so cùng kỳ. Lượng khách đến Công viên văn hoá Đầm Sen cũng đạt hơn 100 nghìn lượt, tăng khoảng 50%.
Tái diễn tình trạng "chặt, chém" khách du lịch Do lượng khách quá tải, quản lý chưa chặt chẽ và vì lợi ích trước mắt tại nhiều điểm đến du lịch lớn như Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc, Sầm Sơn, Cửa Lò... đều "cháy" phòng, giá cả theo đó cũng bị đẩy lên cao. Nhiều điểm du lịch trở nên lộn xộn, mất vệ sinh trong khi giá cả, dịch vụ thì ở mức "trên trời".
Khảo sát tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều khách sạn thực tế vẫn còn phòng nhưng đòi giá tăng gấp đôi. Ngay trong dịp lễ hội Carnaval Hạ Long, ở một vài điểm trông giữ ô-tô, xe máy, giá gửi xe đã tăng gấp hai, gấp ba lần. Giá thuê tàu du lịch tăng đột biến từ 1,6 triệu đồng/tàu (khoảng bốn, năm tiếng) cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba tùy thời điểm.
Tại Đồ Sơn (Hải Phòng), dịch vụ ăn uống tăng giá một cách vô tư và khá phổ biến. Nạn chèo kéo, đeo bám du khách của đội ngũ xe ôm làm mất lòng tin của du khách và mất an ninh trật tự trên địa bàn. Tại Quảng Bình, giá phòng nghỉ ở TP Đồng Hới tăng 20% đến 30% so với bình thường, có đoàn phải trả từ 1,5 đến 2 triệu đồng/phòng khách sạn bình dân ven biển Nhật Lệ.
Giá phòng nghỉ tại Đà Nẵng tăng thêm 150.000 đồng/phòng trong khi ngày thường giá từ 550 đến 600 nghìn đồng/phòng. Hầu hết các khách sạn ven biển giá phòng cũng tăng lên từ 15 đến 50%, trong đó có khách sạn tăng tới 400 nghìn đồng/phòng. Một chủ nhà hàng trên đường Trường Sa (Đà Nẵng) cho biết, nhờ dịp lễ dài ngày này mà doanh thu tăng mạnh, giá cả theo đó tăng từ 15 đến 30% với lý giải là "nhu cầu thưởng thức các mặt hàng hải sản tươi sống tăng, đã khiến giá các mặt hàng này nhập về tăng và buộc phải tăng giá để bù lỗ". Trong khi đó, tại các dịch vụ cho thuê xe du lịch, giá đã tăng lên nhiều lần với xe bốn chỗ tăng từ 800 nghìn đồng đến một triệu đồng/ngày (ngày thường giá chỉ dưới 700 nghìn đồng/ngày tùy loại).
Ngay như ở Hà Nội, khu vực Vườn thú Hà Nội đã mọc lên nhiều bãi gửi xe tự phát. Giá vé gửi xe máy tại đây từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng/xe máy, 5.000 đồng/xe đạp. Các tuyến phố chung quanh Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu như Đoàn Trần Nghiệp, Vân Hồ cũng xuất hiện nhiều bãi gửi xe trái phép. Mức giá chung là 20.000 đồng/xe máy, xúc xích nướng tăng từ 15 nghìn đồng/chiếc lên tới 25 nghìn đồng/chiếc; nước khoáng từ 5.000 đồng/chai tăng lên 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/chai...
Giá phòng và dịch vụ tăng còn do nạn "cò" dắt mối, có thể thấy rõ ở TP biển Vũng Tàu. Hầu hết "cò" móc nối với các nhà hàng, khách sạn, được chủ quán trả tiền "hoa hồng" 20%, thậm chí đến 35% trên hóa đơn của thực khách.
Cho đến thời điểm hiện tại, những biện pháp của các cơ quan chức năng vẫn chủ yếu là nhắc nhở và xử phạt hành chính, việc xử lý các vi phạm không triệt để. Đường dây nóng dành cho du khách khi được hỏi đến phần lớn đều cho rằng ít ghi nhận có vụ việc nào nổi cộm, ngay cả một số lãnh đạo cơ quan chức năng địa phương khi được hỏi đến cũng chỉ nói chung chung, hoặc trả lời cho qua.
Thực trạng cung không theo nổi cầu là điều ai cũng biết nhưng kinh doanh du lịch kiểu chộp giật cứ đến hẹn lại lên là việc không thể chấp nhận. Giải pháp không chỉ là tăng cường xây dựng hay kêu gọi đầu tư thêm cơ sở vật chất, dịch vụ mà quan trọng là ở vai trò của các cơ quan truyền thông, từ chính các hãng lữ hành, từ cá nhân cho tới mỗi cộng đồng, hơn nữa đây còn là tầm nhìn du lịch quốc gia.
(Nguồn: Báo Nhandan.com.vn)
Ý kiến của bạn
Tin du lịch khác
- Mở tour khám phá miền Tây xem Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia 2014
- Gắn văn hóa với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại”
- Đà Nẵng vào top thành phố tiến bộ nhất năm 2015
- Phải thay đổi tư duy và cách làm
- Lập 7 đội phản ứng nhanh cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng
- “Di sản Thế giới tại Nhật Bản” đến Việt Nam
- Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều sao quốc tế
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch