Bảo tàng & Điểm đến khác
Bảo tàng Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1, Quốc lộ 1, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0613.810587 - Fax: 0613.822439
Nhà Bảo tàng Đồng Nai thành lập trên cơ sở Phòng Bảo tồn - Bảo tàng trực thuộc Ty Văn hóa Thông tin Đồng Nai được thành lập từ năm 1976. Cơ sở vật chất hầu như không có gì, đội ngũ cán bộ non trẻ. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo của ngành, những năm từ 1976 đến 1987 đã sưu tầm được hàng chục ngàn hình ảnh, tài liệu, hiện vật; xây dựng được một hệ thống kho hiện vật với đầy đủ hồ sơ khoa học, hiện vật được phân loại theo các sưu tập, theo chất liệu và được bảo quản một cách khoa học. Trên cơ sở đó, ngày 24 tháng 10 năm 1987 Ủy ban nhân dân Đồng Nai ra Quyết định số 1770/QĐ-UBT thành lập Nhà Bảo tàng Đồng Nai, có tài khoản và con dấu riêng. Trụ sở đóng tại chùa Phụng Sơn, đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Biên Hòa. Sau đó dời về số 7 đường Võ Thị Sáu. Ngày 08 tháng 01 năm 1994 công trình xây dựng Nhà Bảo Tàng chính thức được khởi công. Ngày 2 tháng 9 năm 1995 cuộc triển lãm đầu tiên ra mắt công chúng đuợc tổ chức tại tầng trệt Nhà Bảo Tàng, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan.
Năm 1996, công trình xây dựng Nhà Bảo Tàng hoàn thành trên khuôn viên rộng 13.000 m2 với tổng diện tích là 4.936 m2. Sau gần 4 năm tập trung xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, kịch bản trưng bày, thiết kế mỹ thuật, tổ chức thi công trưng bày. Ngày 3 tháng 8 năm 2000 Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin, Nhà Bảo tàng đã long trọng tổ chức lễ khánh thành trưng bày Bảo tàng Đồng Nai gồm 14 phòng. Hiện nay, Bảo Tàng Đồng Nai có 40 cán bộ công chức. Có 5 phòng:
- Phòng Hành Chính Tổng Hợp
- Phòng Nghiên Cứu Sưu Tầm
- Phòng Kiểm Kê Bảo Quản,
- Phòng Thuyết Minh Trưng Bày,
- Phòng Di Sản Văn Hóa.
Có 2 Thạc sĩ khoa học, 21 cán bộ có trình độ đại học, 5 cán bộ trình độ trung cấp.
Hệ thống trưng bày gồm 14 phòng với 3.941 m2, 10 chủ đề: Thiên nhiên Đồng Nai, Văn hóa các dân tộc, Văn hóa người Kinh, Nghề thủ công truyền thống, Đồng Nai thời tiền sử, Đồng Nai thời sơ sử, Đồng Nai thời kỳ khai phá thuộc phong, Đồng Nai đấu tranh giải phóng dân tộc (1930-1954), Đồng Nai đấu tranh giải phóng dân tộc (1954-1975), Đồng Nai xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra Bảo Tàng Đồng Nai còn có một khu trưng bày ngoài trời với diện tích 2200 m2 và một phòng triển lãm chuyên đề, thường xuyên tổ chức triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của đất nước và của địa phương.
Hệ thống kho của Bảo Tàng Đồng Nai gồm 5 tầng với diện tích gần 778 m2, đang lưu giữ gần 16.000 hiện vật, với nhiều sưu tập hiện vật tiêu biểu như: Sưu tập động vật rừng Đồng Nai; Sưu tập thực vật rừng Đồng Nai; Sưu tập Gốm lòng sông Đồng Nai; Sưu tập tranh ký họa của họa sĩ Văn Lương, họa sĩ Huỳnh Phương Đông, họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ, họa sĩ Võ Xương; Sưu tập tiền cổ; Sưu tập công cụ sản xuất đồ gốm; Sưu tập văn hóa dân gian người Việt; Sưu tập văn hóa người Hoa; Sưu tập hiện vật dân tộc ít người; Sưu tập súng thần công; Sưu tập gốm mỹ nghệ trước năm 1975; Sưu tập gốm Đồng Nai mới; Sưu tập vũ khí của địch; Sưu tập điêu khắc đá; Sưu tập giấy bạc trong kháng chiến; Sưu tập hiện vật và di chỉ Rạch Đông; Sưu tập Qua đồng Long Giao; Sưu tập đồ trang sức di chỉ Suối Chồn; Sưu tập đèn ám hiệu; Sưu tập hủ gạo nuôi quân; Sưu tập các loại báo trong chiến khu...
Tính đến năm 2003 Bảo tàng đã đăng ký kiểm kê vào sổ, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học cho 15.667 hiện vật, đang triển khai, vận dụng khoa học công nghệ thông tin vào việc quản lý hiện vật, giới thiệu hiện vật lên mạng thông tin, trao đổi thông tin với các kho bảo tàng Trung ương và các địa phương, tổ chức kho mở, đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu.
Hàng năm, Bảo tàng Đồng Nai tiếp tục sưu tầm bổ sung hoàn chỉnh các sưu tập hiện vật và xây dựng các bộ sưu tập hiện vật mới như: Sưu tập vũ khí tự tạo; Sưu tập văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt và các dân tộc bản địa; Sưu tập mẫu vật tự nhiên; Sưu tập hóa thạch; Sưu tập văn hóa người Chăm; Sưu tập khoáng sản; Sưu tập quân trang, quân dụng; Sưu tập hiện vật Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Năm 2003 đã sưu tập được 247 hiện vật.
Đến nay Bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với Viện khảo cổ Việt Nam, Trung tâm khảo cổ học - Viện KHXH thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức điều tra, phát hiện hàng trăm địa điểm khảo cổ học, thám sát, khai quật 23 di tích các thời kỳ tiền sử, sơ sử, thu thập hàng vạn các loại hình công công cụ, góp phần phục dựng nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai, làm rõ chủ nhân vùng đất mới. Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai đang phối hợp với Trung tâm khảo cổ học - Viện KHXH thành phố Hồ Chí Minh, Viện khảo cổ Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu khảo cổ học vùng ngập mặn. Đã phát hiện và khai quật một số di tích, thu được nhiều hiện vật quý hiếm, nhất là đã phát hiện 2 bộ hài cốt cổ tại di chỉ Gò Me huyện Nhơn Trạch. Đây là một phát hiện quan trọng, góp phần nghiên cứu về chủ nhân của vùng đất Biên Hòa Đồng Nai.
Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng, là việc làm thường xuyên trong hoạt động của Bảo Tàng Đồng Nai. Trong những năm qua, Bảo Tàng Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các nhà nghiên cứu thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đã xuất bản nhiều công trình khoa học có giá trị như: Phim: Đồng Nai danh lam cổ tịch (xuất bản năm 1992); Gốm Biên Hòa (xuất bản năm 1993); Đồng Nai thời khai phá (xuất bản năm 1999); Đồng Nai trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa (xuất bản năm 1999); Nhân chứng và di tích nhà lao Tân Hiệp (xuất bản năm 2001); Nghề thủ công ở Đồng Nai (xuất bản năm 2001). Sách: Đàn đá Bình Đa (1983); Khảo cổ học Đồng Nai (1991); Đồng Nai – Di tích văn hóa (1992); Người Đồng Nai (1993); Làng Bến Gỗ (1996); Cù Lao phố - Lịch sử và văn hóa (1997); Làng Bến Cá xưa và nay (1998); Đồng Nai 10 thế kỷ đầu Công Nguyên (1998), Việt Nam - Đồng Nai trăm năm nhìn lại; Đồng Nai – Di tích văn hóa (in tái bản có bổ sung)... Một số công trình chuẩn bị xuất bản như: Đồng Nai 10 thế kỷ đầu Công Nguyên; Tín ngưỡng lễ hội người Hoa; Chuyện kể dân tộc Châu Ro, Châu Mạ, Tăm Pớt; Văn hóa khảo cổ rừng ngập mặn.
Theo số liệu điều tra di tích phổ thông của Bảo tàng Đồng Nai, trên địa bàn thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh đã có trên 2000 di tích (đình, chùa, miếu, nhà thờ).
Toàn tỉnh đã có 26 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 2 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều di tích được trùng tu tôn tạo như: di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn, di tích Nhà Xanh, địa điểm chiến thắng La Ngà, di tích Đài chiến sĩ, di tích Tòa Hành Chính Long Khánh, di tích Đình An Hòa, di tích chùa Đại Giác, di tích Mộ Trịnh Hoài Đức, di tích Đình Tân Lân, di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương, di tích Nhà lao Tân Hiệp, di tích Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp, di tích Mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên địa hội, di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông, di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962)...
Năm 1998, Bảo tàng Đồng Nai đã kết hợp với Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học nữ Chiên Hòa (Nhật Bản) tiến hành kiểm kê được 400 ngôi nhà ở truyền thống và tiến hành trùng tu một căn nhà cổ ở phường Tân Vạn bằng kinh phí tài trợ của trường Đại học nữ Chiên Hòa.
Hiện nay có 5 di tích đã hoàn thành hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng như: di tích Thành Biên Hòa, di tích Đình Phú Mỹ, di tích Chùa Hóc Ông Che (Hiển Lâm Sơn Tự), di tích nhà ông Trần Ngọc Du, di tích núi Chứa Chan. Bốn di tích đang lập hồ sơ bước đầu: di tích Đình Bình Trước, di tích Chùa Bửu Sơn, di tích nhà cổ ông giáo Hảo, di tích từ đường họ Đào.
Năm 2004, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban tư tưởng văn hóa Trung ương, Cục Bảo tồn - Bảo tàng, Bộ Văn hóa Thông tin; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho lập dự án bảo tồn tôn tạo di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962). Sau gần một năm tổ chức thi công, ngày 10 tháng 10 năm 2004, đúng vào ngày kỷ niệm thành lập Trung ương Cục miền, tỉnh đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và đưa vào phục vụ Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Công trình bảo tồn tôn tạo di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có một ý nghĩa quan trọng, góp phần gìn giữ và phát huy các giá tị lịch sử văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam nói chung, người Đồng Nai nói riêng.
(Nguồn: cuocsongviet.com)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch