Bảo tàng & Điểm đến khác

Bảo tàng Gia Lai

Năm 1975 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phòng Bảo tồn-Bảo tàng tiền thân của Bảo tàng tỉnh Gia Lai ngày nay được thành lập để đáp ứng yêu cầu khai thác, giữ gìn di sản văn hoá dân tộc của tỉnh nhà. 

Hơn 10 năm công tác, đến ngày 3/10/1989 Bảo tàng tỉnh Gia Lai được thành lập với tư cách là một cơ quan văn hoá trong các thiết chế văn hoá trực thuộc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Gia Lai.

Thấy được tầm quan trọng của việc lưu giữ và bảo tồn bản sắc dân tộc bản địa, đội ngũ những người làm công tác Bảo tàng Gia Lai đã không ngại khó khăn đi sâu vào các bản làng xa xôi, hẻo lánh, các căn cứ cách mạng để sưu tầm các hiện vật tiêu biểu của từng dân tộc bản địa, các loại hình hiện vật cách mạng liên quan đến 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Gia Lai.    

Bảo tàng Gia Lai hiện đang trưng bày giới thiệu 2 gian trưng bày cố định, bao gồm phòng "Gia Lai - Thiên nhiên - Con người" giới thiệu về các nét văn hoá truyền thống, tài nguyên thiên nhiên, và phòng "Tiền sử Gia Lai" giới thiệu các di vật và di tích khảo cổ đã được khai quật và phát hiện cho đến nay. Đồng thời Bảo tàng thường xuyên tổ chức phối hợp cùng các Bảo tàng Trung ương và các địa phương trưng bày triển lãm các chuyên đề khác nhau để phục vụ nhân dân, học sinh và khách tham quan vào các dịp kỷ niệm lớn của địa phương hay các ngày lễ trọng đại của dân tộc.  

Ngoài ra Bảo tàng tỉnh Gia Lai còn tham gia các đợt trưng bày triển lãm Văn hoá dân tộc toàn quốc tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, trưng bày lưu động tại một số địa phương trong tỉnh.

Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ và trưng bày gần 6.500 hiện vật gốc các loại, trong đó có các bộ sưu tập hiện vật quý như: Chiêng, ché, trống, trang phục truyền thống...Tiến hành khảo sát và lập 35 bộ hồ sơ khoa học di tích lịch sử văn hoá và đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận 12 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh mới được UBND tỉnh Gia Lai công nhận.  

Đến tham quan Bảo tàng, du khách sẽ được chứng kiến những hiện vật từ thời tiền sử của nền văn hoá Óc Eo, di chỉ Biển Hồ, Trà Dôm. Bảo tàng còn lưu giữ trên 20 hiện vật trong khu di tích Tây Sơn Thượng đạo và hàng vạn hiện vật đá sau 3 đợt khai quật di chỉ khảo cổ học ở Trà Dôm, Biển Hồ và Chư Hdrông đã được các nhà khảo cổ học xác định có niên đại cách đây 3.000-4.000 năm vào thời hậu kỳ đá mới. Các hiện vật bằng đá, những dụng cụ săn bắn hái lượm như cung tên, gùi, đàn ghè, thuyền độc mộc, các mô hình nhà mồ, nhà sàn, những hình ảnh mô tả về lễ hội truyền thống về đời sống văn hoá tinh thần của người dân Tây Nguyên. Ngoài ra, Bảo tàng còn trưng bày những hình ảnh chuyên đề về 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Gia Lai và quá trình phát triển đi lên của tỉnh Gia Lai từ ngày giải phóng đến nay.

(Nguồn: cuocsongviet.com)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *