Bảo tàng & Điểm đến khác

Bảo tàng Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng tọa lạc trên một ngọn đồi cao, tại số 4 đường Hùng Vương, phường 10, thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 3km về hướng Đông Nam. Đó là một tòa nhà đẹp, cổ kính được xây dựng từ nhưng năm 1930; nơi đây nguyên là dinh thự của ông Nguyễn Hữu Hào - thân phụ của Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình phong kiến nhà Nguyễn ở Việt Nam).

Bảo tàng Lâm Đồng là Bảo tàng khảo cứu địa phương, hiện đã có trên 11.000 hiện vật bao gồm từ thời tiền sử, sơ sử đến giai đoạn đấu tranh cách mạng và xây dựng đổi mới đất nước.

Nội dung trưng bày tập trung vào ba phần chính:

Phần thứ nhất giới thiệu về những phát hiện khảo cổ học trên đất Lâm Đồng trong đó bao gồm những di chỉ cư trú, “công xưởng” chế tác công cụ của người tiền sử với những sưu tập hiện vật đồ gốm, đồ đá, khuôn đúc rìu đồng rất tinh xảo và độc đáo, có niên đại từ 2.500 - 2.200 cách ngày nay. Tiếp đến là các di chỉ mộ táng với cách thức mai táng rất đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân bản địa vùng Nam Tây Nguyên như di chỉ Đại Làng, Đại Lào, Lộc Châu, Đạ Đờn,… cùng với những hình ảnh, hiện vật về các phế tích kiến trúc phát hiện tại xã Pró, huyện Đơn Dương. Đặc biệt là khu Thánh địa Cát Tiên nổi tiếng với hàng ngàn hiện vật đặc sắc và vô cùng quí giá.

Đến đây du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các sưu tập hiện vật kim loại màu vàng dát mỏng, trên đó được khắc miết hoặc gò nổi hình ảnh các vị thần, linh vật và ký tự của cư dân cổ - chủ nhân của khu di tích Cát Tiên. Sưu tập ngẫu tượng Linga - Yoni, vật thờ linh thiêng của đạo Bà la môn và Ấn Độ giáo, sưu tập gạch hoa văn, gạch, đá kiến trúc từ các đền tháp và mộ tháp của khu Thánh địa có cách ngày nay hơn một ngàn năm.

Ngoài ra còn có những bộ đàn đá nổi tiếng như: đàn đá Di Linh, đàn đá B’Lao, Đạ Long cùng với hàng trăm hiện vật thời kỳ đồ đá được phát hiện rải rác trên đất Lâm Đồng.

Phần thứ hai tập trung trưng bày, giới thiệu về những đặc trưng văn hóa của 3 dân tộc bản địa: Mạ, Cơ Ho, Chu Ru tại Lâm Đồng.

Ở đây người xem sẽ được hiểu thêm về lịch sử, địa bàn cư trú, buôn làng, nhà ở và tổ chức xã hội của các dân tộc, các đặc trưng về hình thái kinh tế, đời sống vật chất, đời sống tinh thần, các nghề thủ công truyền thống cũng như việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc ở Lâm Đồng từ sau năm 1975 đến nay.

Phần thứ ba và cũng là phần cuối cùng của nhà trưng bày được dành để giới thiệu về giai đoạn đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước hiện nay

Đến đây người xem như được sống lại, hòa mình vào không khí sục sôi cách mạng qua các phong trào đấu tranh chống ách đô hộ thực dân, đế quốc của các dân tộc ở Lâm Đồng như: phong trào Mộ Cọ, phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động ở các đồn điền từ những năm 1930, phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của nhân dân Đà Lạt và các huyện thị trong tỉnh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, cũng như những thành tựu về văn hóa, kinh tế, xã hội của nhân dân Lâm Đồng trong cuộc kiến thiết xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Bảo tàng Lâm Đồng không những hấp dẫn bởi những nội dung trưng bày phong phú đa dạng mà còn làm say đắm lòng người bởi một không gian thơ mộng, trữ tình với rừng thông, thảm cỏ cùng những loài hoa đặc trưng của Đà Lạt .

Hiện nay Bảo tàng Lâm Đồng đang khởi công xây dựng nhà trưng bày mới để mở rộng nội dung và không gian trưng bày. Đồng thời sẽ tiến hành phục dựng các kiến trúc nhà sàn dân tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru trong khuôn viên để tổ chức các sinh hoạt văn hóa phi vật thể như lễ hội, hát giao duyên, hát tam pớt,… của các dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi tới tham quan, nghiên cứu.
Có thể nói, Bảo tàng Lâm Đồng đang và sẽ là điểm tham quan, sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, bổ ích của các tầng lớp nhân dân địa phương và du khách thập phương khi đến Đà Lạt.

(Nguồn: lamdong.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *