Bảo tàng & Điểm đến khác
Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên
Phân viện Sinh học tại Đà Lạt (116 Xô Viết Nghệ Tĩnh) nằm trên đỉnh đồi Tùng Lâm cao 1.548m, giữa khu rừng thông cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 10km trên đường đi Suối Vàng. Được xây dựng từ năm 1950, tiền thân của ngôi nhà Phân viện Sinh học tại Đà Lạt là học viện của giáo hội Công giáo. Đến năm 1985 học viện này được chuyển giao cho Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, sau đó hình thành nên Phân viện Sinh học tại Đà Lạt bây giờ.
Phân viện Sinh học tại Đà Lạt triển khai xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên từ năm 1990. Đến nay bảo tàng đã thu gom được một bộ sưu tập mẫu động vật và thực vật vô cùng phong phú, đặc trưng ở Lâm Đồng và Tây Nguyên. Bộ sưu tập mẫu của Bảo tàng đã giới thiệu tương đối rõ nét tính đa dạng sinh học của vùng Tây Nguyên, qua đó góp phần phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu cũng như ngành du lịch của địa phương
Chúng ta đều biết Tây Nguyên là khu vực đặc trưng nhất của Việt Nam, phong phú về thành phần loài động vật và thực vật cũng như các nguồn tài nguyên khác. Với độ che phủ của rừng còn khoảng 58 – 60 %, Tây Nguyên chứa đựng nhiều điều bất ngờ thú vị mà con người chưa khám phá hết được. Tuy nhiên, rừng Tây Nguyên đã và đang chịu nhiều áp lực và bị tàn phá nhanh chóng bởi nhu cầu nhiều mặt của con người, vì vậy mà nguồn tài nguyên rừng Tây Nguyên ngày càng bị nghèo kiệt với tốc độ nhanh chóng. Mặc dù đã được pháp luật bảo vệ khá nghiêm ngặt nhưng do sự hấp dẫn bởi nhiều lợi nhuận nên nhiều loài cây và con vật quý của rừng Tây Nguyên vẫn bị khai thác, làm cho đa dạng sinh học ở Tây Nguyên ngày càng nghèo đi.
Mặc dù diện tích rừng Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân nhưng hệ thực vật rừng Tây Nguyên vẫn còn rất phong phú về chủng loại, đặc biệt là tập đoàn lan rừng. Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu những loài thực vật quí hiếm vốn chỉ có ở Lâm Đồng và Tây Nguyên. Bộ sưu tập có hơn 1.000 chậu Địa lan trong và ngoài nước, khoảng 1.300 giò, chậu, bảng phong lan các loại, mỗi loại lại có những nét đặc trưng riêng cho từng khu vực vùng miền. Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên còn là nơi tạo giống và giữ gìn nguồn gene của gần 260 loài lan rừng. Đây là những giống lan có giá trị về mặt nghiên cứu và kinh tế, là nguồn dự phòng cho phát triển kinh tế địa phương mai sau như: Thanh lan, Tuyết ngọc, Thanh đạm, Thủy tiên và các loài lan Hài, đặc biệt là Hài đỏ được tìm thấy ở vùng núi cao nguyên Lâm Đồng và các vùng phụ cận. Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên còn có vườn thực vật hạt trần gồm 15 loài Thông của Lâm Đồng và Tây Nguyên trong đó có những loài đặc biệt quí hiếm được xem là “hóa thạch sống” như: Thông hai lá dẹt, Thông 5 lá, Thủy tùng.
Bên cạnh sự đa dạng của hệ thực vật mà Bảo tàng đang lưu giữ, thì bộ sưu tập động vật ở Tây Nguyên được trưng bày tại Bảo tàng cũng vô cùng quý giá. Với 7 gian phòng trưng bày và 6 phòng lưu trữ gồm 195 mẫu xương của 45 loài động vật, 386 mẫu thú của 58 loài, 245 mẫu chim của 95 loài, 43 mẫu lưỡng thê bò sát của 32 loài, 36 mẫu thú nuôi nhà của 22 loài, hơn 300 mẫu của các loài côn trùng thuộc 10 bộ côn trùng có ý nghĩa khoa học và kinh tế phổ biến tại khu vực Tây Nguyên.
Bộ sưu tập mẫu động vật của Bảo tàng đã bổ sung thêm 24 loài và phân loài thú cho Lâm Đồng, 5 loài cho danh sách thú của Tây Nguyên. Như vậy cho đến nay đã có thể thống kê được 98 loài thú ở tỉnh Lâm Đồng. Trong 58 loài thú đã được định tên, có 38 loài thuộc diện quý hiếm đã được công bố trong sách đỏ Việt Nam. Một số mẫu thú quý hiếm của Việt Nam duy nhất chỉ có ở đây như cầy giông sọc, sóc bay sao, hoãng bạch tạng, sóc đỏ quế, báo lửa xám. Những mẫu vật có ở Bảo tàng đã làm thay đổi nhận định về sự phân bố của một số loài thú như: Số lượng mẫu mang lớn (loài thú mới được phát hiện ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) năm 1993) ở Bảo tàng chứng tỏ loài này rất phổ biến ở Lâm Đồng, cho thấy khu vực Nam Tây Nguyên là vùng phân bố chủ yếu của mang lớn. Một số loài thú quý hiếm có số lượng rất ít trong thiên nhiên ở các vùng khác trong nước, nhưng qua số lượng mẫu ở Bảo tàng chứng tỏ chúng có số lượng khá ở Lâm Đồng như: Gấu chó, sói đỏ, chồn dơi, cầy mực. Một danh sách đỏ được Phân viện giới thiệu gồm các loài động vật quí hiếm đang bị đe doạ tuyệt chủng như: Gấu ngựa, Vượn má hung, Sóc bay sao, Sói đỏ, Hổ, Báo hoa mai, Cầy giông sọc,… đến các loài mà trong tương lai có nhiều nguy cơ biến mất khỏi thế giới tự nhiên như: Sơn dương, Mèo gấm, Báo gấm, Beo lửa, Tê giác,… Một danh sách đỏ cũng được Bảo tàng giới thiệu, từ các loài đang nguy cấp (đang bị đe doạ tuyệt chủng) như Gấu ngựa, Mang lớn, Cầy vằn bắc, Vượn má hung, Sóc bay sao, Sói đỏ, Cầy Giông sọc, Gấu chó, Hổ, Báo hoa mai,... đến các loài sẽ nguy cấp (có thể bị đe doạ tuyệt chủng) như Sơn dương, Cầy mực, Mèo gấm, Báo gấm, Beo lửa, Rái cá vuốt bé, Kỳ đà nước, Vọc vá chân đen, Lửng lợn,... Kết hợp với việc trưng bày, Bảo tàng còn hướng khách tham quan đến việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ những sản phẩm mà thiên nhiên đã tạo ra cho con người chúng ta.
Ngoài ra Bảo tàng còn trưng bày 245 mẫu nấm lớn của 240 loài thuộc khu vực rừng thông Lâm Đồng.
Bộ mẫu vật nói trên được sắp xếp theo trình tự tiến hoá giúp cho người tham quan có cái nhìn tổng thể về sự phát triển và tính đa dạng của thế giới động thực vật.
Những nỗ lực trong suốt chặng đường hình thành và phát triển Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên muốn gửi đến mọi người một thông điệp: “Hãy thân thiện hơn với thiên nhiên, để thiên nhiên mãi là bạn đồng hành của con người”.
(Nguồn: Thông tin du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch